Số tiền 5 triệu yen trong vụ việc này - Ảnh: Báo CATP |
Thế nhưng qua điều tra thì người đàn ông mà bà Ngọt nhận là “chồng” đó đã dùng hộ chiếu giả, giấy đăng ký tạm trú giả và giấy kết hôn của ông này và bà Ngọt cũng không hợp lệ nốt. Vì không có cơ quan nào của Việt Nam xác nhận cuộc hôn nhân này.
Bà Ngọt chưng ra một lô bằng chứng để đòi số tiền 5 triệu yen, nhưng đến giờ, toàn bộ bằng chứng đó đã được xác nhận là giả mạo. Vậy thì công an quận Tân Bình còn lý do gì để giữ số tiền của chị Ánh Hồng?
Chứng kiến cuộc đôi co và thái độ chùng chình khó hiểu của các cơ quan công quyền xung quanh số tiền 5 triệu yen này, bao nhiêu độc giả đã bày tỏ thái độ bức xúc.
Họ đã bảo nhau, từ giờ hễ nhặt được cái gì giá trị, đừng bao giờ giao nộp cho công an, chỉ tổ rước phiền phức vào thân.
Thái độ có vẻ “tiêu cực” ấy phần nào phản ánh tâm trạng của một bộ phận người dân hiện nay, vì cái nguyện vọng “làm người tốt và trung thực” đã bị đối đãi nhiêu khê đến độ bực mình.
Chị Ánh Hồng, trong nhiều lần trả lời báo chí cho đến lúc này cũng chỉ có một mong ước giản dị: có sức khỏe để đẩy xe đi mua ve chai qua ngày mà nuôi con ăn học. Chị đã không còn thấy khát khao được sở hữu số tiền 5 triệu yen như trước nữa.
Nhiều người có đầu óc trinh thám đặt ra câu hỏi: Người đứng sau bà Ngọt là ai? Tại sao công an Tân Bình lại dễ dàng chấp nhận để bà Ngọt trưng ra giấy ủy quyền từ một ông chồng không hề hợp pháp?
Tại sao không ai kiểm tra tính pháp lý của các giấy tờ bà Ngọt cung cấp mà vẫn chấp nhận để kéo dài thời gian giao lại tiền cho chị Ánh Hồng?
Rất nhiều luật sư đã lên tiếng, thời hạn giữ tiền của chị Ánh Hồng đã hết 1 năm, vậy thì hợp lý nhất là giao trả tiền cho chị, còn lại sau này nếu phát sinh chuyện chủ nhân đích thực đến đòi, vụ việc sẽ được đưa ra tòa dân sự xử lý.
Công an Tân Bình không thể cứ mãi neo số tiền lại đó, mai kia lại xuất hiện một chủ nhân “cha vơ chú váo” nào đó xuất hiện, thì chị Ánh Hồng sẽ còn phải chờ đến bao giờ?
Trong thâm tâm, tôi tin ai cũng mong câu chuyện cổ tích này sẽ kết thúc có hậu với chị Ánh Hồng- người bán ve chai có tấm lòng trung thực. Trong chuyện cổ tích xưa nay, trời vẫn luôn thương người nghèo.
Công an đã giữ số tiền 5 triệu yen suốt 1 năm nay, giờ thì người nhận xằng cũng đã bị lộ mặt chẳng có giấy tờ hợp pháp nào. Vậy thì theo lẽ thường, số tiền phải được nhanh chóng về cho chị Ánh Hồng mới phải.
Cổ nhân có câu “Qua ruộng dưa nhớ đừng sửa dép”, công quyền nên nhanh chóng làm thủ tục giao trả số tiền này, đừng cố kéo dài thêm một giờ, một ngày nào nữa cả.
Thứ nhất, điều đó là đúng luật pháp, bởi khi nhận giữ hộ số tiền, công an cũng đã hứa với công dân sẽ chỉ giữ trong vòng 1 năm. Thứ hai, đó cũng là việc rất đáng làm để nhân dân được thấy sự vô tư trong sáng của công pháp.
Hãy để mọi công dân đều được đối xử bình đẳng trước pháp luật. Và nhất là đừng để những người nghèo khó và trung thực như chị Ánh Hồng mất lòng tin và bị tổn thương.