Còi xe - Thứ âm thanh khó chịu nhất trên đường phố Việt Nam

26/08/2015 09:41:09

Sở thích "giao tiếp" bằng còi, bấm còi bừa bãi bất chấp không gian, thời gian, tình huống, hoàn cảnh... theo thói quen "còi to cho vượt" đã trở thành câu chuyện muôn năm cũ ở Việt Nam, nói ra ai cũng biết, ai cũng ghét nhưng không phải ai cũng ý thức khi đưa tay bấm còi xe.

Sở thích "giao tiếp" bằng còi, bấm còi bừa bãi bất chấp không gian, thời gian, tình huống, hoàn cảnh... theo thói quen "còi to cho vượt" đã trở thành câu chuyện muôn năm cũ ở Việt Nam, nói ra ai cũng biết, ai cũng ghét nhưng không phải ai cũng ý thức khi đưa tay bấm còi xe.

Đèn đỏ - bấm còi, đang lúc chờ tàu hỏa đi qua - bấm còi, muốn xin đường, xin rẽ hoặc leo xe lên vỉa hè cũng còi, bấm còi giữa lúc đêm muộn, ngay khi đi qua cổng bệnh viện, trường học... Những việc tưởng như chẳng ảnh hưởng đến ai nhưng lại gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống của nhiều người xung quanh.
 

Tiếng ồn do động cơ và còi xe trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người tham gia giao thông tại Việt Nam.

Câu chuyện về nạn còi xe bừa bãi không còn quá mới, thậm chí là việc "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Thế nhưng, sau nhiều nỗ lực áp dụng các khung xử phạt hành chính, tuyên truyền, giáo dục ý thức sử dụng còi xe có văn hóa, đến nay, "bản giao hưởng còi xe" ngày càng có âm lượng lớn hơn và biến thành món "đặc sản" mà dù muốn hay không, nhiều người vẫn bắt buộc phải nếm trải hàng ngày.

Đi đường ở Việt Nam, không thể không còi

Khi được hỏi về tác dụng của còi xe, hầu hết mọi người đều khẳng định, đó là một "món đồ phụ kiện" không thể thiếu khi tham gia giao thông. "Không còi thì làm sao mà đi được. Lúc đường đông như thế người ta cũng phải bóp còi chứ", bà Nga (một tiểu thương bán hàng rong tại Hà Nội) cho biết.

"Tôi thấy còi xe thì vẫn nhường đường vì nghĩ chắc họ phải có chút việc gì đó nên mới bấm. Bản thân tôi khi muốn vượt lên trước, xin đường, tôi vẫn phải sử dụng đến còi xe", anh Đức Đức (Thanh Xuân - Hà Nội) chia sẻ.

Đồng tình với anh Đức, anh Lê Thanh Tùng (Thái Nguyên) cũng cho rằng, đi đường ở Việt Nam, không thể không sử dụng đến còi xe: "Mình thấy còi xe là vô cùng cần thiết và không thể thiếu khi tham gia giao thông ở Việt Nam. Mình thường sử dụng còi xe ở những chỗ có nhiều người đi bộ, lúc đi qua khu vực trường học vào giờ tan tầm, đông đúc xe cộ hoặc chỗ đoạn giao nhau nguy hiểm, khu vực ngã tư, vòng xuyến" - anh Tùng tâm sự.

Trong khi đó, anh Sơn (một người tham gia giao thông khác) lại cho rằng, việc bấm còi là cần thiết vì nhiều con đường ở Việt Nam khá mấp mô, có những góc cua khuất và ý thức của một số người khi tham gia giao thông còn chưa cao. "Lấy ví dụ như những trường hợp có người bất ngờ chạy qua đường. Khi ấy, không muốn cũng phải bấm còi để nhắc nhở họ cẩn thận hơn".
 

Clip "Thực trạng ô nhiễm tiếng ồn do còi xe tại Việt Nam".


Vừa bấm và than

Khẳng định việc bấm còi là cần thiết nhưng nhiều người lại cho rằng, việc sử dụng còi xe ở Việt Nam đang bị lạm dụng và biến tướng thành một thói quen xấu khi tham gia giao thông, ảnh hưởng đến nhiều người xung quanh.

Thừa nhận bản thân vẫn hay sử dụng còi xe nhưng Lê Thanh Tùng lại cho rằng, việc bấm còi khi không thực sự cần thiết chỉ tạo ra tác dụng ngược, thậm chí gây hại cho người xung quanh. "Đó là cách hành xử thiếu ý thức, thể hiện sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm và tôn trọng người khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm trạng, sức khỏe của người đi đường" - anh Tùng nhấn mạnh.

"Biểu hiện của việc vô ý thức chính là hành vi bấm còi khi dừng đèn đỏ hoặc khi đường đã quá đông, vốn chẳng còn chỗ để nhường mà vẫn cố bấm. Muốn rẽ cũng bấm còi thay vì đèn xi nhan, đi qua người già, trẻ em mà rồ ga, rú còi khiến người khác cảm thấy đinh tai, nhức óc thì họ mới thỏa mãn", anh Tùng giải thích.
 
Ngay cả khi tắc đường không còn chỗ nhúc nhích, nhiều người vẫn bấm còi xe để xin vượt.
 
Theo lời anh Tùng, bản thân anh quê ở Thái Nguyên nhưng thường xuyên có việc phải lên Hà Nội, mỗi lần đi đường là một lần anh phải hứng chịu tiếng còi to nhức óc. Trong một lần bất cẩn, chính anh cũng đã từng trở thành nạn nhân của tiếng ồn do còi xe gây ra. "Hôm đó, mình đang đi đường thì xe tải đi sau rú ga, bấm còi rất to. Lúc đó. mình bị giật mình nên tay lái loạng choạng và ngã ra đường. Cú ngã khá đau nhưng rất may không gây nguy hiểm. Dù thế, mình vẫn thử đặt giả thiết là nếu lúc đó đường đông, xe đi phía sau không phanh kịp mà đâm vào mình thì sao. Khi đó thì trách nhiệm trước hết thuộc về ai?", anh Tùng nói bằng giọng bức xúc.
 

Hay thậm chí là khi đường thông thoáng, vì muốn vượt lên trước, thay vì xin nhan, nhiều người lại tiện tay bấm còi.

Tiếng còi xe vốn đã có âm lượng lớn, khi lưu thông trên đường phố ồn ào (do tiếng của các động cơ phát ra), âm lượng của nó dường như được nhân lên gấp 2-3 lần, gây ảnh hưởng đến nhiều người, nhất là nhóm đối tượng người già, phụ nữ và trẻ em. Ông Bùi Văn Thành (85 tuổi, Đống Đa - Hà Nội) chia sẻ: "Nhiều khi đi đường tôi thấy rất đau đầu vì còi xe. Có lúc đi trên xe buýt mà cũng còn phải giật mình vì phương tiện đang đưa đón mình rú còi kinh khủng quá".

Quá bức xúc trước nạn bấm còi vô tội vạ của nhiều người, anh Đức khẳng định, "đó là hành vi của những kẻ thiếu văn hóa". "Nhiều lúc đang trưa nắng mà người đi sau cứ bấm còi thì mình cũng thấy khá bức bối. Điều ấy vô tình làm gia tăng áp lực cho người tham gia giao thông", anh Đức nói thêm.

"Bấm còi là cần thiết nhưng không có nghĩa là mọi người được tự do bấm loạn xạ mọi lúc, mọi chỗ. Bấm như thế thì chỉ làm cho người đi đường cũng khổ mà người đi trên xe cũng khổ", ông Ông Bùi Văn Thành (85 tuổi, Đống Đa - Hà Nội) chia sẻ.

Nói về mong muốn của mình, anh Đức tâm sự: "Chỉ mong sao mọi người nêu cao "văn hóa ngón tay cái” chứ không phải bấm còi cho vui tay để rồi khiến người khác và chính mình trở thành nạn nhân của còi xe". Tương tự, ông Thành cho rằng: "Tôi chỉ mong sao mọi người hãy bấm còi đúng lúc, đúng chỗ!".
 

Clip đường phố Bangkok - Thái Lan, dù đông đúc nhưng không hề có hành vi lấn đường, bóp còi, rú ga bừa bãi.


 
Tiếng ồn là tập hợp những âm thanh có cường độ và tần số khác nhau, được sắp xếp một cách không có trật tự, gây ra cảm giác khó chịu cho người nghe, cản trở quá trình làm việc và nghỉ ngơi.

Nói cách khác, tất cả các âm thanh có tác dụng kích thích quá mức, hoặc xảy ra không đúng lúc, đúng chỗ, cản trở con người hoạt động và nghỉ ngơi đều bị coi là tiếng ồn.

Như vậy, theo định nghĩa đó, khái niệm về tiếng ồn là có tính chất ước lệ. Việc đánh giá tác hại của tiếng ồn cho con người rất khó khăn vì phản ứng của con người đối với tiếng ồn rất khác nhau tùy theo trạng thái thể lực, tinh thần và thời điểm tác động.

Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh, tiếng ồn có mức cường độ âm thanh quá cao sẽ làm suy giảm nhanh chóng thính lực. Những người tiếp xúc nhiều với tiếng ồn lớn dễ có nguy cơ bị điếc nghề nghiệp. Phải sống và làm việc trong môi trường có tiếng ồn thường xuyên rất dễ làm con người bị đãng trí, ít có phản xạ với âm thanh xung quanh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt và công việc. Mức ồn cao ban đêm làm mất giấc ngủ của mọi người, làm thần kinh căng thẳng, mệt mỏi, giảm trí lực, giảm sức khỏe khi làm việc. Ở mức ồn lớn hơn 100 dB bắt đầu gây các ảnh hưởng trực tiếp tới tai và sau đó là hệ thần kinh và tim mạch của con người.

Một khu vực bị coi là ô nhiễm tiếng ồn khi độ ồn vượt quá những quy định tương ứng với khu vực đó. Ví dụ quy định đối với khu vực dân cư sinh sống và sinh hoạt, làm công việc văn phòng (QCVN 26:2010/BTNMT) khác với quy định đối với khu vực sản xuất công nghiệp.

Theo quy chuẩn QCVN 09:2011/BGTVT quy định về an toàn và môi trường đối với ô tô, âm lượng của còi phải trên 90 dB (dưới 115 dB). Với âm lượng đó, tại các đường phố nhỏ, hoặc đông xe cộ và sử dụng còi tràn lan thì chắc chắn sẽ gây ô nhiễm tiếng ồn cho người dân hai bên đường; đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe của những người cùng tham gia giao thông.

Các nghiên cứu khác cũng đã chứng minh tiếng còi xe xuất hiện đột ngột với âm lượng cực đại còn gây tác động mạnh đến hệ thần kinh, đã có trường hợp người đi xe máy nghe tiếng còi ô tô bị giật mình đổ xe và dẫn đến tại nạn chết người.

Nếu xét riêng 1 tiếng còi cụ thể thì bấm còi lúc yên tĩnh gây ảnh hưởng độ ồn nhiều hơn. Tuy nhiên, vào lúc tan tầm có rất nhiều nguồn gây tiếng ồn nên khi có thêm nhiều tiếng còi gây ra những âm thanh hỗn độn làm tăng mức độ ô nhiễm tiếng ồn, gây ảnh hưởng.

Để giảm tác hại do tiếng còi thì phải giảm bóp còi! Thực tế đây là vấn đề văn hóa giao thông. Ví dụ khi đường đang bị tắc hay mọi người đang dừng trước đèn đỏ nhưg vẫn có người bóp còi. Rõ ràng tiếng còi lúc này ko có ý nghĩa gì về mặt giao thông!

Với các đoạn đường khuất tầm nhìn hoặc có mật độ giao thông cao thì ngành giao thông cần có các giải pháp công trình để giảm tiếng ồn tác đông đến khu dân cư.

(TS. Trần Thế Loãn, nguyên Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên & Môi trường)
 
Theo Nhóm PV (Kenh14.vn/Trí thức trẻ)

Nổi bật