Cổ vật tiền tỉ bị đánh tráo bí ẩn?

08/01/2016 07:15:01

Người dân ở Thanh Đa (Phúc Thọ, Hà Nội) hoang mang khi chiếc đỉnh đồng cổ vật trong đình làng từ thời Ngô Quyền bỗng... biến mất, thay vào đó là chiếc đỉnh đồng mới tồn tại được vài chục năm.

Người dân ở Thanh Đa (Phúc Thọ, Hà Nội) hoang mang khi chiếc đỉnh đồng cổ vật trong đình làng từ thời Ngô Quyền bỗng... biến mất, thay vào đó là chiếc đỉnh đồng mới tồn tại được vài chục năm.

Được biết, đình Thanh Mạc (xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ) được bộ Văn hóa Thông tin (nay là bộ VH-TT&DL) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa từ năm 1991. Trong đình hiện thờ tướng Phạm Bạch Hổ - một danh tướng từ thời Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh.

Khi chúng tôi vừa tới đầu làng Thanh Mạc, đã nghe xôn xao câu chuyện đỉnh cổ bị đánh tráo. Theo đó, nhiều cổ vật trong ngôi đình thờ danh tướng từ thời Ngô Quyền này cũng bị thay thế bởi những món đồ mới, tuổi thọ chỉ vài chục năm.

Hình ảnh giữa chiếc đỉnh cổ nguyên bản chụp năm 2010 và chiếc đỉnh mới hiện thờ trong đình Thanh Mạc chụp từ năm 2015.

Ông Lê Thế Hậu (67 tuổi) – thành viên của chi hội Người cao tuổi thôn Thanh Mạc bày tỏ: “Sự việc đánh tráo đồ thờ ở đình thờ Thành hoàng làng đã phát hiện gần một năm nay. Trước đó cũng đã qua rất nhiều hội nghị, cuộc họp dân làng cùng sự góp mặt của một số đơn vị chuyên môn như sở Văn hóa, phòng Văn hóa, công an huyện, ban quản lý Di tích đình làng. Thậm chí các nhà khoa học thuộc ngành khảo cổ cũng về kiểm tra nhưng kết quả làm việc vẫn chưa đâu vào đâu”.

Theo ông Hậu kể lại, thời điểm ngày 7/3 âm lịch 2015, khi thu dọn các đồ thờ cúng tại đình làng sau kỳ lễ hội thì một số cụ cao niên trong làng phát hiện chiếc đỉnh trong đình thờ Thành hoàng làng có trọng lượng nhẹ hơn. Ngoài ra, các hoa văn chi tiết trên chiếc đỉnh cổ này cũng khác rất nhiều so với chiếc đỉnh mà dân làng Thanh Mạc trước đây vẫn sử dụng để thờ cúng.

Từng làm thủ từ của đình làng Thanh Mạc gần chục năm, cụ Nguyễn Văn Đông (81 tuổi) bộc bạch, trong thời gian cụ làm thủ từ chưa hề có cổ vật nào bị đánh tráo. Cụ thuộc làu làu từ hiện trạng đến vị trí của từng chiếc cổ vật trong đình.

Cụ Đông cũng khẳng định, trên chiếc đỉnh cổ không hề có chữ nho như chiếc đỉnh hiện tại, nắp đỉnh khít với miệng đỉnh. Quan sát chiếc đỉnh hiện tại, chúng tôi thấy trên đó có 5 chữ nho, các ký tự này được các cụ tạm dịch là “Thanh Mạc Tân Mão Niên”.

Chiếc đỉnh cổ bị đánh tráo?

Sự việc chiếc đỉnh cổ bị đánh tráo khiến cả làng Thanh Mạc buộc phải lập hẳn một ban chuyên trách để trưng cầu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân nhằm tìm ra tung tích của chiếc đỉnh cổ của làng. Nói về quá trình khảo cổ, ông Lê Thế Hậu cho biết, ngày 13/11/2015, phòng Văn hóa Thông tin huyện Phúc Thọ có mời hai vị chuyên gia khảo cổ về. Trong đó có GS.Trần Lâm Biền cùng với đại diện sở VH-TT&DL, công an huyện và một số cụ cao niên trong làng dự hội nghị, tìm phương hướng giải quyết các nội dung trong đơn đề nghị của làng. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ nói về tâm linh, chứ không dựa trên tư liệu băng đĩa, hình ảnh để đưa ra kết luận chiếc đỉnh cổ này có bị đánh tráo hay không.

Phân tích chiếc đỉnh hiện tại và đỉnh cổ, cụ Nguyễn Đắc Chắt (85 tuổi) và cụ Hoàng Đình Chính (83 tuổi) khẳng định, chỉ cần nhìn vào hoa văn của 2 chiếc đỉnh được chụp lại bằng ảnh cũng có thể nhận ra hai chiếc đỉnh này khác nhau hoàn toàn. “Riêng phần chân đỉnh đã thấy sự khác biệt. Cái đỉnh mới có 1 cái chân ở vị trí chính giữa 2 cái tai đỉnh hướng chính diện. Còn cái đỉnh cổ lâu đời thì không”, chỉ vào bức ảnh và chiếc đỉnh mới, cụ Chắt nhấn mạnh. Việc các cơ quan chức năng chưa có câu trả lời thỏa đáng khiến dân Thanh Mạc càng thêm thắc mắc.

PV liên hệ với chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Thanh Đa xác nhận có dư luận về việc một số đồ thờ cổ ở đình làng Thanh Mạc nghi bị đánh tráo. Ông Mạnh cũng cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đã tới đó lập biên bản và có báo cáo với lãnh đạo UBND huyện, phòng Văn hóa về sự việc này. Theo đó, các chuyên gia của sở Văn hóa, chuyên gia khảo cổ gồm GS. Trần Lâm Biền, Phạm Quốc Quân cũng có về địa phương dự một hội nghị họp dân vào ngày 13/11/2015 để xác minh niên đại của các đồ thờ”.

Cũng theo ông Mạnh, việc căn cứ vào hình ảnh, video tư liệu cũ để xác minh xem đó có phải là cổ vật hay không thì cần phải sự vào cuộc của các chuyên gia trong ngành, chứ không thể chủ quan được. Bên cạnh đó, ông Mạnh cũng đưa ra một dẫn chứng cho rằng, cái đỉnh hiện nay chỉ là di vật có từ năm 1951.

Về phía huyện Phúc Thọ, PV cũng đã liên lạc với ông Hà Đăng Thự - Trưởng phòng Văn hóa thì vị này cho biết: “Tất cả nội dung làm việc trong hội nghị ngày 13/11/2015 giữa các cơ quan hữu quan và người dân thôn Thanh Mạc đã được phòng Quản lý di sản thuộc sở VH-TT Hà Nội hồi đáp qua Thông báo số 806 ký ngày 19/11 về kết quả giám định chiếc đỉnh cổ ở làng Thanh Mạc”.
 

Tình trạng “chảy máu” cổ vật đang nhức nhối

Ngày 15/12/2015 vừa qua, buổi hội thảo tập huấn với nội dung Nâng cao năng lực chống buôn bán trái phép các tài sản văn hóa: Ngăn chặn, hợp tác và thu hồi/hoàn trả vừa được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Trong đó có sự tham gia của cán bộ văn hóa, hải quan, công an và bảo tàng từ các nước Đông Nam Á, cho thấy nhiều cổ vật Việt Nam vẫn đang bị “thất thoát” một cách bí ẩn.

Theo Trần Phương (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật