"Có người quỳ lạy con để được... chết"

27/04/2015 10:17:56

"Ai cũng khao khát sống nhưng khi không thể cứu chữa, sống vật vã thì ai cũng mong muốn những gì êm ái nhất vào phút cuối cuộc đời. Lâu nay nhiều người bệnh vẫn tìm cách... tự tử đó thôi nhưng để lại bao ám ảnh, day dứt cho con cái, người thân. Giờ mà được luật hóa thì tốt quá"...

"Ai cũng khao khát sống nhưng khi không thể cứu chữa, sống vật vã thì ai cũng mong muốn những gì êm ái nhất vào phút cuối cuộc đời. Lâu nay nhiều người bệnh vẫn tìm cách... tự tử đó thôi nhưng để lại bao ám ảnh, day dứt cho con cái, người thân. Giờ mà được luật hóa thì tốt quá", ông M. chia sẻ.

Đang điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, ông Phạm Đức M. (58 tuổi, Kiến Xương, Thái Bình) cho biết, ông bị ung thư hạch, hiện đang điều trị hóa chất đợt 2.

Ông M. kể, trong hơn một tháng ở viện, ông đã tiếp xúc với nhiều người bệnh ung thư mong muốn tìm mua mooc phin để giảm bớt đau đớn những ngày cuối cuộc đời.

"Có người tâm sự không sợ chết, nhưng nếu chết mà quằn quại đau đớn thì khổ mình, khổ con. Họ bảo làm sao chết được nhẹ nhàng là sướng nhất! Bố tôi cũng từng mắc ung thư phổi, tôi đã chứng kiến ông vật vã thế nào, phải cho dùng mooc phin 3 tháng ròng để giảm đau, hơn ai hết tôi hiểu người bệnh khổ sở thế nào", lời ông M.
 

Ông M. ủng hộ đề xuất quyền được chết của Bộ Y tế. Ảnh minh họa

Theo ông M., vào thời điểm những năm 87-88 thế kỷ trước, ông phải nhờ người quen khắp nơi để mua mooc phin với giá cắt cổ 120.000 đồng/ống, cứ 2-3 ngày thì dùng 1 ống cho đến phút cuối cùng.

Liên hệ với đề xuất về quyền được chết của Bộ Y tế, ông M. cho biết bản thân rất ủng hộ.

"Ai cũng khao khát sống nhưng khi không thể cứu chữa, sống vật vã thì ai cũng mong muốn những gì êm ái nhất vào phút cuối cuộc đời. Lâu nay nhiều người bệnh vẫn tìm cách... tự tử đó thôi nhưng nó để lại bao ám ảnh, day dứt cho con cái, người thân. Giờ mà được luật hóa thì tốt quá", ông M. chia sẻ.

Dưới góc độ người bệnh, ông M. cho rằng đề xuất của Bộ Y tế rất nhân đạo, rất cởi mở, đây cũng là mong muốn của nhiều bệnh nhân mắc bệnh nan y, là nhu cầu của thực tế. Nếu được bác sĩ giúp thì người bệnh sẽ không phải tìm cách tự tử, không quằn quại, bết bát trong tình cảnh sống dở, chết dở nữa, gia đình cũng an đạo hơn.

Khi được hỏi, nếu trường hợp người bệnh mong muốn được áp dụng "quyền được chết" nhưng con cái kiên quyết phản đối, ông M. cho rằng, đây là quyền cá nhân, con cái nên tôn trọng nguyện vọng của cha mẹ.

Cũng chia sẻ về những trường hợp tận mắt chứng kiến, chị H. (36 tuổi, Cẩm Khê, Phú Thọ) đang điều trị tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ kể, cạnh nhà chị từng có một bác bị ung thư dạ dày và một trường hợp ung thư phổi.

Sau khi xin bệnh viện về, con cái thắp điện suốt ngày đêm để đấm bóp.

"Cả tháng ròng, họ không ăn được gì, chỉ có rên la vì đau đớn. Nghĩ mà tội!", chị H. nói.

Theo chị H. với những trường hợp như vậy, nếu được áp dụng luật an tử thì quá tốt! "Người sống khi đó cũng đỡ day dứt, người chết thì thanh thản, nhẹ nhàng", chị H. nói.

Có người từng quỳ lạy con... được chết

Chung suy nghĩ với nhiều bệnh nhân, bà Trần Thị L. (60 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội cho biết, bà ủng hộ cái chết nhân đạo với những trường hợp y học không còn cơ hội cứu chữa.

"Cuối cùng rồi cũng sẽ ra đi, sao mình không chọn cách nhẹ nhàng để giải thoát khỏi cảnh đau đớn. Với những bệnh nhân ung thư, giai đoạn cuối sẽ vật vã lắm. Vậy nên một cái chết êm ái cho họ là điều cần thiết", bà L. nói thêm.

Bà L. chia sẻ, cũng từng chứng kiến có người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo, toàn thân đau nhức, không ăn uống được, nằm liệt giường đến mức lưng loét ra.

"Ở hoàn cảnh đó, thử hỏi ai còn muốn tiếp tục sống hay chỉ muốn chấm dứt nhanh nỗi đau đớn thể xác? Tôi cũng từng nghe kể, có người bị ung thư giai đoạn cuối, quỳ lạy cả con cái để xin được uống thuốc độc tự tử nhưng không được", bà L. chia sẻ.

Chị Phạm Thị Trang (Hưng Yên) cũng kể về trường hợp thương tâm của bác mình, khi phát hiện bệnh ung thư phổi đã ở giai đoạn cuối. Điều trị ít ngày tại Bệnh viện Thanh Nhàn, vì quá đau đớn, bác chị liên tục... xin được chết.

"Bác còn giấu cả dao xuống dưới giường nhưng mọi người tìm được. Sau đó, lợi dụng lúc mọi người không để ý, bác lao qua lan can bệnh viện tự tử", chị Trang rớm nước mắt khi kể lại câu chuyện đau lòng của gia đình mình.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cũng có không ít ý kiến còn băn khoăn, lo ngại, cho rằng nếu áp dụng "quyền được chết" sẽ khiến bệnh nhân không còn nỗ lực để chữa bệnh, luôn có tâm lý tiêu cực và nghĩ đến cái chết.

"Đã mắc bệnh nặng, tâm lý chung đều tiêu cực, họ hay lo nghĩ nhiều, chịu nhiều sức ép, lo là gánh nặng cho gia đình, con cái, lo kiệt quệ về tài sản nên nếu áp dụng quyền được chết, thiên hướng chung họ sẽ chọn giải pháp... được chết thay vì nỗ lực chữa trị", anh Trần Thanh Tuấn, đang chăm sóc người nhà tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ nêu quan điểm.
 

Bác sĩ Nguyễn Đức Tiến. Ảnh. T.Hạnh

Xung quanh đề xuất của Bộ Y tế, bác sĩ Nguyễn Đức Tiến, trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Việt Đức cho rằng, đứng trên góc độ tập quán và xã hội thì đây là vấn đề khá nhạy cảm, còn nhiều tranh cãi ngay cả trên thế giới. Nó phụ thuộc vào từng cá nhân, từng gia đình cụ thể.

"Người thân nào cũng thương tiếc cả nhưng hãy đứng trên góc độ người bệnh, phải thấy rằng đó là một "gánh nặng" với họ. Cá nhân tôi ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế nhưng nếu bệnh nhân muốn mà gia đình cũng đồng ý thì tốt nhất", bác sĩ Tiến chia sẻ.

Dù đồng tình song bác sĩ Tiến băn khoăn: "Mục đích tối thượng của bác sĩ là cứu người, do đó khi thực hiện quyền này cũng là một rào cản rất lớn. Giờ bảo bác sĩ đi tiêm cho bệnh nhân rất khó. Tâm lý của bác sĩ sẽ đối nghịch lại do đó việc này không nhất thiết phải là bác sĩ làm".
 
>> Inforgraphic: Hành trình tìm đến "cái chết êm ái" của người Mỹ
>> Bi kịch của những người “sống không được, chết chẳng xong”
>> Đề xuất bổ sung quyền được... chết
 
Theo T.Hạnh (VietNamNet)