Luật giao thông đường bộ quy định khá rõ: Đối với các loại xe ô tô, mô tô khi tham gia lưu thông bắt buộc phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Luật cũng nghiêm cấm người điều khiển phương tiện không gắn đủ hoặc gắn biển số xe không đúng vị trí; biển số không rõ chữ, số; biển số bị bẻ cong, bị che lấp hoặc bị hỏng.
Thực trạng nhiều tài xế cố tình che biển số bắt đầu xuất hiện và ngày càng trở nên phổ biến kể từ khi việc lắp đặt hệ thống camera giám sát "phạt nguội" được triển khai. Và theo thời gian, những mánh khóe mà các tài xế xe vi phạm sử dụng ngày càng tinh vi.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Hiện nay, việc xử lý hành vi che biển số phương tiện giao thông của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn, bởi tài xế điều khiển phương tiện thường phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí là đi sai làn đường, chạy người chiều. Nếu xảy ra tai nạn, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) mất rất nhiều thời gian, công sức xác minh, thu thập tư liệu hiện trường.
Nếu các cơ quan chức năng không có những giải pháp phù hợp, kịp thời thì việc xử lý các vi phạm này sẽ ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Quy chiếu vào luật hiện hành thì căn cứ để xử lý đối với các hành vi này là Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Cụ thể, theo điểm c khoản 3 Điều 16 Nghị định này, hành vi điều khiển xe ôtô không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi mầu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc) sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Tại điểm b khoản 1 Điều 17 của Nghị định quy định thì phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô, xe gắn máy gắn biển số không đúng quy định, không rõ chữ, số, bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng hoặc thay đổi mầu sắc của chữ và số, nền biển số...
Theo luật sư Long, thì mức phạt đang hiện hành đối với hành vi che biển số ở cả ô tô và mô tô đều là quá nhẹ, chưa tương xứng với hậu quả hành vi. Các cơ quan chức năng cần kiến nghị, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung luật nhằm tăng thật cao mức phạt (có thể lên tới hàng chục triệu đồng, đồng thời giữ bằng lái tài xế xe vi phạm vài tháng) đối với hành vi nêu trên như.
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cần tăng cường tuần tra trên các tuyến đường và dùng camera trên xe tuần tra để ghi lại các hành vi vi phạm; đồng thời, ban hành quy định đối với từng hành vi che tất cả hay che một phần biển số...
Hành vi cố tình thay đổi thông tin biển kiểm soát phương tiện giao thông tại một số nước có thể khiến tài xế phải lao động công ích, thậm chí phải lãnh án tù. Cụ thể, từng có trường hợp tài xế ở nước Anh bị xử phạt tới 4 tháng tù, 150 giờ lao động công ích với tội danh giả mạo biển số xe, chạy quá tốc độ cho phép và thay đổi thông tin trên biển kiểm soát nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Thậm chí, cảnh sát ở Anh còn khuyến cáo, nếu tài xế phương tiện để biển kiểm soát quá bẩn khiến chúng trở nên mờ, khó đọc sẽ phải bị phạt tiền lên tới 1.000 bảng
Theo Nhóm PV (Giadinh.net.vn)