Có nên bỏ đồng hồ đếm ngược đèn đỏ để dân khỏi "ăn gian" vài giây?

22/05/2016 16:29:00

Tại nút giao thông có đồng hồ đếm ngược, 73% các xe thường xuất phát sớm trước khi đèn tín hiệu chuyển sang xanh từ 3-5 giây…

 

Tại nút giao thông có đồng hồ đếm ngược, 73% các xe thường xuất phát sớm trước khi đèn tín hiệu chuyển sang xanh từ 3-5 giây…

Theo khảo sát trong một nghiên cứu của Đại học Giao thông Vận tải về tác động của đèn giao thông (có và không có đồng hồ đếm ngược) đối với ý thức của người tham gia giao thông ở Thủ đô hiện nay:

Với nút giao có đồng hồ đếm ngược, 73% các xe thường xuất phát sớm trước khi đèn tín hiệu chuyển sang xanh từ 3-5s. Còn ở những nơi không có đồng hồ đếm ngược thì chỉ 26% các xe "ăn gian".

Điều này làm tăng khả năng ùn tắc do các phương tiện dòng khác chưa thoát ra khỏi nút giao. Đồng thời, nguy cơ xảy ra tai nạn cũng cao hơn do các phương tiện khác bị bất ngờ và không quan sát được.

Lỗi tại đồng hồ đếm ngược?

Như vậy, cấu tạo của đèn giao thông (có và không có đồng hồ đếm ngược) phần nào có ảnh hưởng đối với hành vi của người tham gia giao thông tại Hà Nội hiện nay.

Từ đó, nghiên cứu này chỉ ra rằng: Đối với các nút giao thông có mật độ lưu thông lớn, nên bố trí đèn tín hiệu không có đồng hồ đếm ngược để giảm thiểu tối đa tình trạng ùn tắc và mang lại sự an toàn cao hơn cho người tham giao giao thông.

    Nhiều nơi, chỉ có rất ít người tuân thủ báo hiệu đèn đỏ.
Nhiều nơi, chỉ có rất ít người tuân thủ báo hiệu đèn đỏ.
 

Từ kết quả nghiên cứu này, PV Báo Gia đình & Xã hội có thực hiện khảo sát thực tế tại các nút giao thông sử dụng đèn chỉ có tín hiệu và đèn có đồng hồ đếm ngược như:

Nút giao Xuân Thủy – Cầu Giấy, Xuân Thủy – Phạm Văn Đồng, Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến và một số nút giao nhỏ khác (dử dụng đèn tín hiệu có đồng hồ đếm ngược).

Nút giao Cầu Giấy – Kim Mã, Quán Sứ - Lý Thường Kiệt, Bưởi – Đào Tấn, Hùng Vương – Trần Phú… là các điểm sử dụng đèn giao thông không có đồng hồ đếm ngược.

    Ăn gian đèn đỏ trở thành một căn bệnh dễ lây ở Thủ đô.
"Ăn gian" đèn đỏ trở thành một "căn bệnh dễ lây" ở Thủ đô.

Theo quan sát của chúng tôi, tại các nút giao thông sử dụng đèn hiệu có đồng hồ đếm ngược, nhiều người cùng trong tâm thế nhấn ga và vụt đi khi mà đèn đỏ còn 5s nữa mới hết. Thậm chí, 10s đèn đỏ cuối cùng đã có người “nhăm nhe” chuyển bánh và rồi nhiều người khác cũng đi theo.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Trung Hướng (24 tuổi) bức xúc: “Chuyện thường, ngày nào đi đường mà chẳng thế. Người ta cứ thấy đường quang thì “vù” đi, những người ở đằng sau thấy vậy thì cũng đi luôn. Có những lúc, mình cảm thấy ái ngại nếu như cả đường người ta cứ đi rồi mà chỉ có mình đứng trơ để đợi đèn. Mà nếu không đi thì người đằng sau lại còi, lại la lối!”.

Đối với các nút giao sử dụng đèn không có đồng hồ đếm ngược thì tình trạng vượt đèn có ít hơn nhưng cũng không ít trường hợp ngang nhiên phóng xe đi khi không có mặt CSGT.

Chị Hoàng Minh Phượng (Cổ Nhuế, Từ Liêm) cho biết: “Đúng là ở nơi không có đồng hồ đếm ngược thì mọi người ít vượt hơn thật, vì không nhìn thấy số đếm. Nhưng lúc nào vắng thì mọi người vẫn vượt đèn đỏ, không có người thì sẽ đâm phải ai được? Nên cứ thế đi thôi”.

Bản thân đồng hồ đếm ngược không có lỗi, quan trọng chính là ý thức của người tham gia giao thông mà thôi!

Có nên bỏ đồng hồ đếm ngược?

Trao đổi với PV, TS Đặng Minh Tân – GV khoa Cầu đường (ĐH GTVT), người trực tiếp hướng dẫn nhóm nghiên cứu về đèn đỏ đếm ngược cho biết:

“Vượt đèn đỏ đang là vấn đề lớn hiện nay. Nhiều nước châu Âu không dùng đèn đếm ngược, còn một số nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan… có sử dụng nhưng ý thức chấp hành của người dân rất tốt. Tuy nhiên, nếu bỏ đèn đếm ngược tại các nút lớn ở nước ta thì phải nghiên cứu kỹ về kết cấu đèn”.

PV đã lấy ý kiến một số người dân và nhiều người đồng thuận rằng nên bỏ đồng hồ đếm ngược, đặc biệt là đếm ngược đèn đỏ.

Nguyễn Văn Duân – sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam nói:“Mình thấy trong Đà Nẵng không có đồng hồ, và 99% người dân dừng đèn đỏ và khi chuyển xanh mới đi. Còn ở Hà Nội, 3s là người người còi. Nên tắt đồng hồ đếm ngược, nhưng vẫn bật giới hạn thời gian của đèn đỏ cho dân dừng đèn đỏ đỡ sốt ruột”.

“Ở Úc, không có đồng hồ đếm nhưng luật rất hợp lý: Đèn vàng được phép vượt qua nhưng phải đảm bảo rằng vượt đèn vàng (đèn vàng sáng tầm 5s) chứ không phải đèn đỏ. Nếu vượt đèn đỏ thì sẽ phạt rất nặng. Hơn nữa là ở các điểm quan trọng có rất nhiều camera ghi hình để phạt nguội đáng tiếc ở ta mới có mà rất ít” – anh Nguyễn Hoàng Minh (30 tuổi, Trần Xuân Soạn - Hoàn Kiếm) cho biết.

“Cũng có nhiều nước không có đồng hồ này, nhưng nếu bỏ đèn đếm ngược đi mà so sánh Việt Nam mình với họ thì e…khập khiễng quá. Vì vậy tôi nghĩ đành phài có 1 sự thay đổi nhỏ để phù hợp với sự thiếu ý thức của 1 bộ phận người dân” – một người dân (giấu tên) nhận định.

Thực tế, ứng dụng của đồng hồ đếm ngược là giúp người tham gia giao thông biết căn chỉnh tốc độ hợp lý, biết chính xác khi nào đèn sẽ chuyển màu, từ đó giúp mọi người người điều khiển phương tiện an toàn hơn.

Với đèn không hề có đếm ngược, đơn cử như trường hợp đang đi sát giao lộ thì đèn đột ngột chuyển sang vàng - chắn chắn sẽ gây bất ngờ cho người điều khiển phương tiện và thật khó lường trước những tai nạn có thể xảy ra.

Khi ý thức người dân còn kém, vấn đề cốt yếu là có nên bỏ đồng hồ đếm ngược? và bỏ thế nào là hợp lý?

Khi biết đến đề tài của ĐH GTVT, ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định đề xuất này có thể áp dụng ngay trong thực tiễn giao thông tại Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà quy hoạch, chuyên gia cần có nghiên cứu tổng thể và sâu hơn nữa để xác định nút giao nào nên áp dụng đèn tín hiệu không có đồng hồ đếm ngược.
 

Theo Nông Thuyết (Gia Đình & Xã Hội)