“Cơ hội cuối” của Đại học Hùng Vương?

08/05/2016 22:53:00

Ngày mai 9.5, Đại hội Cổ đông bất thường năm 2016 của ĐH Hùng Vương TP.HCM chính thức diễn ra. Đây được xem là “cơ hội cuối” của trường này trước khi “tối hậu thư” buộc trường phải ngừng hoạt động nếu không “khắc phục những sai sót và mâu thuẫn nội bộ” của Bộ GD-ĐT chính thức đến hạn vào ngày 31.8 tới…

Ngày mai 9.5, Đại hội Cổ đông bất thường năm 2016 của ĐH Hùng Vương TP.HCM chính thức diễn ra. Đây được xem là “cơ hội cuối” của trường này trước khi “tối hậu thư” buộc trường phải ngừng hoạt động nếu không “khắc phục những sai sót và mâu thuẫn nội bộ” của Bộ GD-ĐT chính thức đến hạn vào ngày 31.8 tới…

Phát hành gần 20 triệu cổ phần

Cụ thể, với tờ trình về kế hoạch tăng vốn điều lệ, việc tăng vốn được thực hiện theo phương thức là huy động vốn điều lệ tăng thêm trong vòng 1 năm. Theo đó, cổ phần được phát hành là cổ phần phổ thông (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần), số lượng cổ phần được phát hành dự kiến là 19,8 triệu cổ phần. Vốn điều lệ trước khi phát hành là 52 tỉ đồng, vốn điều lệ sau khi phát hành là 250 tỉ đồng. Thời gian phát hành là trong năm 2016-2017. 

 

“co hoi cuoi” cua dai hoc hung vuong? hinh anh 1
Cảnh náo loạn trước ĐH Hùng Vương năm 2014 do mâu thuẫn giữa các bên trong việc chuyển trụ sở đến nỗi phải nhờ đến lực lượng cảnh sát cơ động giữ trật tự…

Mục tiêu của đợt phát hành cổ phần này là nhằm kiện toàn các yêu cầu về vốn, cơ sở vật chất và đội ngũ đào tạo theo quy định để xin Bộ GD-ĐT cho tuyển sinh trở lại trong năm 2016.

Tuy nhiên, đối tượng phát hành của cổ phiếu lần này chỉ gói gọi trong số các cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện là 10:39 (mỗi cổ đông sở hữu 10 cổ phần sẽ được mua 39 cổ phần). Số lượng cổ phần được mua sẽ được làm tròn số xuống nếu không phải là số nguyên.

Ngoài ra, đối với số cổ phiếu lẻ, không bán hết cho cổ đông hiện hữu sẽ được Hội đồng Quản trị phân phối cho đối tượng khác với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phần.

Bên cạnh việc tăng vốn điều lệ, Hội đồng Quản trị cũng sẽ tiến hành bầu Hội đồng Quản trị và ban Kiểm soát mới; đồng thời cũng thông qua dự thảo và quy chế hoạt động mới của trường.

Trước đó, trao đổi với báo chí, bà Tạ Thị Kiều An, Phó hiệu trưởng thường trực của trường nhấn mạnh, điều quan trọng nhất bây giờ là tổ chức thành công đại hội cổ đông để bầu ra hội đồng quản trị mới. Sau đó, bầu ra hiệu trưởng để có người đại diện pháp lý.

“Các cổ đông đã sẵn sàng góp vốn 250 tỉ đồng và 5 ha đất. Phải có hội đồng quản trị và hiệu trưởng thì trường mới có thể tiếp nhận khoản vốn này. Từ đó đầu tư vào cơ sở vật chất, cán bộ giảng viên”, bà An cho hay.

Có “suôn sẻ”?

Quyết tâm của Hội đồng Quản trị Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM ở lần đại hội bất thường này là rất lớn, thế nhưng sẽ rất khó khăn bởi “mâu thuẫn nội bộ” trong nhà trường đến nay vẫn ở trong tình trạng như “nước với lửa”. Thực tế, trong thời gian rất dài vừa qua, trường nhiều lần tổ chức đại hội cổ đông nhưng do nội bộ mâu thuẫn, quyền lợi giữa các bên không thống nhất nên cuối cùng không đi đến kết quả nào. Vì lẽ đó, trong khi các trường khác nhanh chóng khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc ngừng tuyển sinh, trở lại hoạt động thì Trường Hùng Vương TP.HCM vẫn bế tắc do không giải quyết được mâu thuẫn nội bộ và liên tục bị đình chỉ tuyển sinh trong nhiều năm.

Bộ GD-ĐT cũng đã nhiều lần “lên tiếng” yêu cầu trường giải quyết các vấn đề nội bộ, khắc phục được nguyên nhân dừng tuyển sinh cũng như có các biện pháp đủ mạnh để cải thiện tình hình. Song, mâu thuẫn cứ tiếp tục tiếp diễn và Bộ GD-ĐT phải ra…“tối hậu thư”. Cụ thể, theo thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Bộ đã thông báo với trường nếu như đến ngày 31.8.2016 trường vẫn chưa khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến việc ngừng tuyển sinh thì nhà trường cần tính toán tới khả năng phải ngừng hoạt động”.

Trước nguy cơ bị đình chỉ hoạt động, Trường ĐH Hùng Vương tìm mọi cách để đạt được những yêu cầu của Bộ nhằm được tuyển sinh trở lại. Bà Tạ Thị Kiều An, Phó hiệu trưởng thường trực của trường nói: “Trường đang gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi tha thiết mong các cấp có thẩm quyền như Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM hướng dẫn, hỗ trợ để có thể tổ chức thành công đại hội cổ đông, hoàn thiện cơ cấu để có thể tiếp nhận đầu tư mới, từ đó mới có thể phát triển đội ngũ giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất, tiếp tục tuyển sinh…

Mọi cố gắng là thế nhưng đến thời điểm hiện tại, mâu thuẫn giữa các bên vẫn chưa được dàn xếp thì liệu các bên có chịu cùng nhau ngồi lại để bàn “giải pháp cuối cùng” nhằm cứu một ngôi trường với hơn 20 năm tuổi đời? Câu trả lời vẫn chờ ở đại hội ngày mai.

Theo Quốc Hải (Dân Việt)

Nổi bật