Cô giáo cầm dép đánh trẻ: Trường Sen Vàng có thể bị tước giấy phép

06/02/2017 07:39:00

Trước sự việc có tính chất “bạo hành” trẻ em, học sinh của cô giáo trường Mầm non Sen Vàng, phường Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa bị phát giác, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng cơ sở giáo dục mầm non tư thực trên có thể bị tước giấy phép...

Trước sự việc có tính chất “bạo hành” trẻ em, học sinh của cô giáo trường Mầm non Sen Vàng, phường Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa bị phát giác, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng cơ sở giáo dục mầm non tư thực trên có thể bị tước giấy phép và người đứng đầu cũng có thể bị xử lý theo pháp luật.
 
vu co giao cam dep danh hoc sinh: truong sen vang co the bi tuoc giay phep hinh anh 1
 
Thưa luật sư, những hành động trong clip có tính chất nghiêm trọng như thế nào? Theo luật pháp, sự việc trên cần được xử lý ra sao và có khả năng sẽ bị xử lý hình sự không?

- Pháp luật ghi nhận quyền tự do thân thể, bảo đảm và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín của mọi công dân. Pháp luật không cho phép giáo viên đánh học sinh và ngược lại, không cho phép học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Vì vậy, hành vi giáo viên đánh học sinh là hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của học sinh. Hành vi này có thể gây thương tích hoặc thậm chí tử vong học sinh.

Ngoài ra, hành vi đánh trẻ, uy hiếp dọa nạt trẻ em sẽ tác động không tốt đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình hình thành nhân cách của trẻ, ảnh hưởng đến tương lai, hạnh phúc của trẻ và có thể gây hiểm họa, nguy hại cho xã hội…

Vì vậy, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả để lại mà giáo viên có hành vi hành hung học sinh sẽ bị xử lý theo pháp luật. Các chế tài xử lý ở đây là xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, quy định Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, hình phạt được quy định như sau:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Nếu hậu quả thương tích chưa tới mức nghiêm trọng thì hành vi trên vẫn có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hánh chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, mức phạt được quy định như sau: “3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;   

…”.

Ngoài ra, những người vi phạm trong trường hợp trên sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật lao động theo quy định của Bộ luật lao động hoặc Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, mức độ cao nhất có thể áp dụng là buộc thôi việc.

vu co giao cam dep danh hoc sinh: truong sen vang co the bi tuoc giay phep hinh anh 2
Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.

Vậy, đối với những người đứng đầu cơ sở nuôi dạy trẻ, trường mầm non trên phải có trách nhiệm và bị xử phạt như thế nào, thưa luật sư?

- Đối với cán bộ lãnh đạo quản lý và cơ sở giáo dục để xảy ra bạo hành cũng phải bị xử lý theo pháp luật.

Nếu biết hành vi bạo hành của giáo viên với học sinh mà vẫn khuyến khích, dung túng cho hành vi này thì người quản lý sẽ được xác định là “đồng phạm” trong trường hợp người thực hiện hành vi đánh học sinh bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức độ xử lý với cơ sở giáo dục mầm non (nếu là tư thục) thì có thể bị tước giấy phép khi để xảy ra những trường hợp giáo viên xâm hại tính mạng, sức khỏe của học sinh.

Theo luật sư, giải pháp phòng ngừa tình trạng kể trên là gì?

- Để phòng ngừa tình trạng bạo lực học đường, đặc biệt là bạo lực tại các trường mầm non thì có thể thực hiện các giải pháp như: Tăng cường giáo dục đạo đức, tâm lý, kỹ năng nghiệp vụ của sinh viên khi theo học các cơ sở đào tạo giáo dục giáo viên mầm non. Kịp thời phát hiện và loại thải những sinh viên không có đủ đạo đức để làm nghề giáo;

Tăng cường cơ chế quản lý, giám sát, quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra những vụ bạo hành trẻ em từ chính các giáo viên tại cơ sở giáo dục;

Tăng cường các phương tiện vật chất, kỹ thuật để giám sát, theo dõi hoạt động của trẻ và diễn biến lớp học như  gắn camera, kết nối với người quản lý và phụ huynh học sinh;

Kịp thời phát hiện những biểu hiện tâm, sinh lý, sức khỏe bất thường ở trẻ để phát hiện kịp thời những vụ việc bạo hành, từ đó thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, làm rõ và xử lý người vi phạm theo quy định pháp luật.

Xin cảm ơn luật sư!

Trước đó, Dân Việt đã đưa tin, ngày 5.2, trên mạng xã hội lan truyền clip “trẻ bị cô giáo mầm non lấy dép đánh vào đầu vì “ị” đùn”.

Clip khiến cư dân mạng, các bậc phụ huynh bất bình, sôi sục. Theo đó, clip này quay lại cảnh cô giáo chỉ tay vào mặt học sinh sau đó cầm một chiếc dép tổ ong đập 2 cái vào đầu đứa trẻ khoảng 2 tuổi và quát: “Mày có biết cái gì không?”. Trong clip cũng xuất hiện hình ảnh một cô giáo cho tay vào túi quần, chỉ vào mặt và có những lời nói quát tháo trẻ khi vì các con ị đùn. Mặc kệ đứa trẻ khóc, cô giáo vẫn quát tháo ầm ĩ khiến đứa trẻ vô cùng sợ hãi và càng khóc to hơn.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Kế toán của trường xác nhận, sự việc xảy ra ở trường mầm non Sen Vàng Minh Khai (cơ sở 1 là trường Mầm non Sen Vàng, Xa La, Hà Đông).

Cũng theo bà Hồng, nguồn gốc của clip do một giáo viên trong trường quay và chia sẻ trên mạng xã hội. Sau khi xảy ra sự việc cảnh cô giáo cầm một chiếc dép tổ ong đập 2 cái vào đầu trẻ, buộc nhà trường chấm dứt hợp đồng với hai cô giáo này vì đó là hình ảnh phản giáo dục đối với người giáo viên.

Bên cạnh đó, cô giáo T. – người quay clip, tung lên mạng xã hội cũng tự xin nghỉ việc tại trường Mầm non Sen Vàng.

 
Theo Thành An (Dân Việt)

Nổi bật