Chuyện gã lơ xe sàm sỡ cô gái trẻ và sự thờ ơ đáng sợ của những người xung quanh
"Những cô gái trẻ bị sàm sỡ, trong thang máy, trên xe khách, thậm chí trong nhà vệ sinh", các bạn nữ có thể đã nghe qua, đã đọc rất nhiều nhưng chẳng biết khi nào mình gặp phải.
Tôi từng nghe một cô bạn tâm sự, trên chuyến xe khách chạy đêm kéo dài 7 giờ đồng hồ, cô bị gã phụ xe sàm sỡ. Thay vì la hét ầm ĩ, cô chọn cách im lặng và cam chịu. Thật may, đêm hôm đó, gã chỉ dừng lại ở việc sờ soạng lung tung, rồi bỏ đi sau khi bắt gặp ánh mắt như "muốn ăn tươi nuốt sống" của bạn tôi. Chẳng ai rõ, đêm mai, đêm kia, trên những chuyến xe định mệnh đó, cô gái nào tiếp tục là nạn nhân.
Cách đây mấy hôm, một cô gái trẻ khác rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cô tên Hà Thị M.L., 20 tuổi, sinh viên một trường ĐH ở TP. HCM. Khác với bạn tôi, L. dũng cảm dám nói lên câu chuyện của mình mà không sợ bị dè bỉu. Đêm đó, tên lơ xe bệnh hoạn kéo tay nữ sinh để vào bộ phận sinh dục của hắn. L. đã không la hét, nếu như hắn không vuốt ve mặt, cổ, thậm chí là hôn cô.
"Tôi trợn mắt nhìn chằm chằm, tên lơ xe giật mình, ra hiệu tôi im lặng và lôi ví ra, hắn tính trả tiền, khinh bỉ, ghê tởm. Hắn tính trả tôi bao nhiêu? Chắc 200k. Tôi không lấy, hắn xin lỗi tôi. Một lúc lâu sau, hắn lại giở trò y chang như vậy. Không chịu nổi nữa, tôi nắm khuy quần hắn và la lớn: "BÁC TÀI BẬT ĐÈN, TÊN NÀY SÀM SỠ CON" - L. kể lại.
Tài xế bật đèn và mọi người thức dậy nhìn chằm chằm. Ai nấy đều giật mình. Có thể bạn đã nghĩ, họ - bất kể nam nữ - sẽ lao tới túm cổ tên biến thái kia rồi cho một cú tát đau điếng vào mặt. Hay chí ít tống khứ hắn xuống đường, yêu cầu nhà xe làm rõ ràng mọi chuyện. Nhưng không. Giật mình xong, họ lại nằm xuống tiếp. Họ thừa biết tên kia là kẻ biến thái, nhưng không ai làm gì cả. Họ tặng cho L. một cái nhìn thương cảm, có người cho được 2, 3 cái nhìn, chỉ vậy thôi.
Mọi chuyện kết thúc, trong "êm đẹp", không xô xát, không cãi vã, không ồn ào như trong tưởng tượng. Một vụ sàm sỡ đáng lẽ phải bị lên án bỗng chốc bị dội vào im lặng một cách đáng sợ. Gã lơ xe lại vòng ra trước ngồi, bình thản, ngang nhiên, như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Trong trường hợp này, L. đồng thời là nạn nhân của 2 vụ việc. Chuyện cô bị sàm sỡ là một lẽ, nhưng sự thờ ơ của đám đông trên xe lúc đó còn đáng sợ hơn. L. chỉ có một mình, dám lên tiếng bảo vệ bản thân, nhưng đáp lại cô gái trẻ là sự im lặng của những người ngay bên cạnh cô lúc ấy.
Xe khách Phương Trang sau đó đã cho sa thải gã lơ xe kia. Nhưng quả thực, đó không phải là một giải pháp, mà là một cách giải quyết "nhanh gọn" để xuôi đi cơn bất bình của nạn nhân. Đuổi việc là xong. Đúng ra, họ nên đề nghị cơ quan công an vào cuộc, truy tố tội dâm ô và yêu cầu xin lỗi L. một cách tử tế nhất. Hắn nghĩ có thể dùng 200.000 đồng đưa cho L. để "bịt miệng" cô. Nếu thế thì hắn coi thường danh dự của một con người quá!
Cách đây 3 năm, một bé gái cấp 2 ở TPHCM hoảng loạn kêu cứu khi bị một gã đàn ông lớn tuổi sàm sỡ ngay trên đường. Khi ấy, rất nhiều người qua lại, tuy nhiên không một ai chịu dừng lại giúp đỡ bé. Anh T. - tài xế xe khách đi ngang qua, đã cho xe tấp vào lề đường rồi ra tay cứu giúp nữ sinh này. Ngay khi thấy có người, tên biến thái liền lủi thủi bỏ đi, còn cô bé sau đó được anh T. nhờ bác xe ôm đưa về nhà.
Trước đó, vợ anh đã từng can ngăn chồng mình xuống xe lo việc bao đồng. Anh T. bảo chị sợ tên kia có vũ khí nóng, chứ không phải chị thờ ơ trước tiếng kêu cứu yếu ớt của bé gái. Nếu không có sự quyết liệt của ai đó, trong câu chuyện này là anh T., thì dù có hay không, mọi chuyện đều có thể đi đến kết cục đáng lo ngại nhất trong xã hội hiện nay. Đó là sự vô cảm.
Tại sao chúng ta lại chọn cách im lặng?
Quay lại câu chuyện của L. 20 tuổi, cô gái trẻ đủ hiểu thân thể mình quý giá đến nhường nào. Nhưng những người xung quanh thì không. Ai cũng có chút vị kỉ trong người, kỳ thực đôi khi lại dùng không đúng lúc.
Có thể trong số những người im lặng trên chuyến xe hôm đó, họ vẫn thường lên án các vụ sàm sỡ khác. Họ có thể là người đã từng ngồi trước màn hình máy tính, giận dữ để lại một bình luận chỉ trích đám đông vô cảm trong một câu chuyện nào đó, trong một cái clip nào đó. Nhưng khi chuyện tương tự diễn ra ngay trước mắt, họ lại chọn cách im lặng. Vì sao lại thế?
Họ sợ rắc rối?
Họ muốn được yên thân?
Họ không liên quan?
Thực sự có nhiều lý do khiến chúng ta chọn cách im lặng. Bạn sợ, đó là lý do chung của những người thờ ơ. Theo lí thuyết, việc ngăn chặn những hành động sàm sỡ, biến thái không phải của người dân, mà đó là việc của công an, của những người đảm bảo an ninh trật tự. Họ đã được trang bị kĩ năng đầy đủ trong những trường hợp này. Nhưng thế không có nghĩa là chúng ta phải phó mặc tính mạng cho những người có trách nhiệm. Trong tình trạng thế, những người bình thường như chúng ta càng phải tự giúp đỡ nhau. Không phải là sự can thiệp tay chân, bạo lực, mà là một tiếng nói phản đối đồng lòng của đám đông, để L. biết rằng cô còn có "đồng minh" là những người đang ở rất gần mình.
Nhưng L. đã không nhận được sự giúp đỡ đó.
Vậy, trong những tình huống tương tự, thử hỏi có ai dám dũng cảm lên tiếng? Nếu L. yếu ớt, sợ sệt, cô đã chọn cách im lặng. Nhưng thật may, cô đủ dũng cảm để bảo vệ chính mình trước khi được người khác bảo vệ.
Người tốt có đang ít dần đi hay không? Chắc chắn là không phải. Người Việt vốn được đánh giá là sống tình cảm, không thờ ơ, nhưng vì sự e ngại, lo sợ bị liên luỵ, nên chẳng mấy ai muốn làm Lục Vân Tiên thời nay. Có thể 100% mọi người sẽ muốn giúp đỡ L., nhưng nếu có rắc rối bất ngờ xảy đến, họ sợ mình sẽ bị vạ lây. Chuyện này đã có và nhiều người đã biết.
Trên thực tế, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Canada, Australia,... đã ban hành luật người tốt để khuyến khích hành động giúp đỡ người lạ mặt gặp nạn mà không sợ bị kiện tụng. Isarel yêu cầu người xung quanh trợ giúp người gặp nạn và có thể được bồi hoàn sau đó. Ở Đức, người thờ ơ không giúp đỡ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn người giúp đỡ được pháp luật bảo vệ nếu thực hiện hành động với sự thiện chí. Dù quy định theo hướng nào, "luật người tốt" hay "nghĩa vụ giúp đỡ", mục đích đều hướng tới sự kết dính xã hội, đề cao tinh thần giúp đỡ người khác trong hoạn nạn.
M.L.King - nhà hoạt hoạt động nhân quyền Mĩ gốc Phi, người được nhận giải Nobel về Hòa bình năm 1964 đã từng phát biểu: "Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn là vì sự im lặng đáng sợ của những người tốt". Đừng nghĩ rằng người tốt im lặng sẽ không ảnh hưởng đến ai. Sự im lặng của họ đang gián tiếp khiến cho những lời nói và hành động của kẻ xấu được đà lấn tới và làm biến chất nét nhân văn của xã hội.
Bao năm qua chúng ta nói nhiều và rất nhiều về căn bệnh thờ ơ, vô cảm. Nhưng sao điều này không giảm đi mà ngày một tăng lên theo thời gian? Nên nhớ, làm ngơ trước cái xấu là đồng loã. Và có thể một ngày, chính bản thân mình hay người thân có thể là một phiên bản khác cô gái trẻ đáng thương kia, lúc cần sự chung tay bảo vệ thì chỉ nhận được ánh mắt né tránh của đám đông sợ phiền lụy.
Phải chăng, điều cốt lõi là một bộ luật quyết liệt cả về phía người giúp đỡ và người được giúp đỡ, để chúng ta bớt sợ? Nhưng trước khi đợi chờ một bộ luật, cuộc đời cứ vài lần rước hoạ vào thân đi, để biết rằng sự thờ ơ đáng sợ đến nhường nào.
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)