Liên quan đến vụ việc Trưởng khoa ĐH Luật cưỡng bức tình dục, đánh đập cô gái trẻ gây xôn xao dư luận thời gian qua, nhiều thắc mắc liệu "nữ chính" đang ở đâu, có an toàn hay không sau nhiều lần bị vị trưởng khoa kia đe dọa?.
Người làm đơn tố cáo là V.N.H (24 tuổi, ở Q.Ba Đình, Hà Nội) và người bị tố là ông L.M.T (trú Q.Hoàng Mai, Hà Nội; Trưởng một khoa của Trường đại học Luật Hà Nội và là nguyên Chủ tịch HĐQT một bệnh viện đa khoa ở Hà Nội).
Ngày 29/3, trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) xác nhận, chị V.N.H. tố cáo bị Chủ tịch HĐQT một bệnh viện, đồng thời là trưởng khoa đại học Luật tại Hà Nội đánh đập, cưỡng bức tình dục đang ở Ngôi nhà Bình Yên từ ngày 13/3 tới nay.
Theo lời bà Hiền, H. tìm đến Ngôi nhà Bình Yên qua sự giới thiệu của một người quen, từ khi vào đến nay, H. luôn trong tình trạng bất ổn, lo lắng, mất ngủ. Tại đây, H. chia sẻ những ngày ngày đầu vào Ngôi nhà Bình Yên vẫn bị ông T. "tra tấn" bằng những tin nhắn đe doạ.
Ghi nhận của Tổ Quốc, sau khi tìm hiểu vụ việc, Trung tâm đã có công văn gửi tới các cơ quan chức năng để phối hợp xác minh và hỗ trợ. Nguyện vọng của nạn nhân là sớm được giải quyết dứt điểm vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện tại, Ban lãnh đạo Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đang ưu tiên việc giúp chị H. ổn định tâm lý. "Về quan điểm, Ngôi nhà Bình Yên không quy kết, không phán xét ai. Nhiệm vụ đó là của các cơ quan có thẩm quyền", bà Hiền nói.
Ngày 28/3, Công an quận Hoàng Mai đã tới Trung tâm để làm việc. Tuy nhiên do chị H. vẫn còn bất ổn về tâm lý nên đã viết đơn xin tạm hoãn làm việc với các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, theo thông tin trên báo Thanh Niên, chiều 28/3, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có thông tin về vụ việc trên.
"Hiện nay, nhà trường đã giao cho các đơn vị chức năng trong trường tiếp nhận, thụ lý, xác minh, làm rõ và giải quyết theo thẩm quyền; đảm bảo khách quan, nghiêm minh, đúng quy định; kiên quyết xử lý vi phạm (nếu có), không né tránh, không bao che. Kết quả giải quyết vụ việc sẽ được nhà trường thông tin cụ thể", đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội trao đổi với Dân Trí.
Theo đơn tố giác, ông T. là đồng nghiệp, học trò của mẹ chị N.H., nhờ đó hai người quen nhau. Sau tốt nghiệp Đại học, chị được ông T. mời về bệnh viện của mình làm việc và hứa sẽ định hướng, chỉ bảo trong công việc.
Trong thời gian làm việc tại bệnh viện, chị H. tố cáo ông T. dù đã có vợ con nhưng vẫn gạ gẫm chị quan hệ tình dục, nhưng cô gái đã từ chối.
Trong đơn, chị H. cho biết một lần đi du lịch, ông T. đã chuốc rượu và cưỡng hiếp chị. Sau lần này, người đàn ông dùng mọi thủ đoạn để ép cô gái bước vào mối quan hệ không chính thức và đe dọa nếu không chấp thuận sẽ bị tung clip nóng.
Từ khoảng tháng 1/2020 đến tháng 1/2022, chị H. nhiều lần bị ông T. bạo lực tinh thần và cưỡng bức tình dục.
Khi quá mệt mỏi, H. muốn chấm dứt quan hệ, ông T. liền đưa H. tới khách sạn đánh đập, doạ giết. Cho đến khi H. quỳ gối, hứa nhận làm "vợ bé bí mật" mới được ông T. buông tha.
Tiếp đó, ngày 26/1/2022, ông T. đánh, đấm liên tục vào đầu, mắt, mặt, đạp vào các khớp gối của chị H. khi chị đề nghị chấm dứt mối quan hệ. Ngày 27/1/2022, ông T. đưa chị vào 1 khách sạn trên địa bàn TP. Hà Nội và 2 lần hãm hiếp.
Những ngày sau đó, ông T. liên tiếp bạo hành tinh thần của chị H. qua tin nhắn, gọi điện thoại và gặp mặt trực tiếp, thậm chí ông T. còn nhắn tin khủng bố, đe dọa và thách thức mẹ chị H. bằng tin nhắn khi chị H. chặn số điện thoại của ông T..
Ngôi nhà Bình Yên được thành lập vào ngày 8/3/2007 theo chỉ đạo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và giao cho Trung tâm Phụ nữ và Phát triển quản lý, vận hành. Tại Hà Nội có 02 Ngôi nhà Bình Yên, hỗ trợ phụ nữ trẻ em bị BLGĐ, bị xâm hại và một ngôi nhà dành cho phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về.
Đến năm 2018, Ngôi nhà Bình Yên đã được nhân rộng tại thành phố Cần Thơ. Các Ngôi nhà Bình Yên đều được giữ bí mật về địa chỉ và sẽ thay đổi cơ sở nếu không còn an toàn.
Mục đích của Ngôi nhà Bình Yên là hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện cho nạn nhân, giúp phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tạo điều kiện để tái hòa nhập an toàn và bền vững thông qua các dịch vụ hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng và pháp lý, góp phần thực hiện đồng bộ, đầy đủ theo quy định của luật pháp trong phòng, chống bạo lực gia đình và mua bán người.
Theo HT (2Sao/VietNamNet)