Mới đây chị V.T.T.M (23 tuổi, quê Trà Vinh, trụ quận 7, TP. HCM) bức xúc chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện bị một trang mạng không rõ nguồn gốc lấy cắp hình ảnh trên facebook của mình để thêu dệt câu chuyện chị đã... chết. Theo đó, trang mạng này đưa ra bản tin với tiêu đề: "Cô gái "CHẾT THÂM TÍM" vì mở QUẠT MÁY khi ngủ - CẢNH BÁO kinh hoàng ẩn sâu trong chiếc quạt máy"
Câu chuyện có đính kèm hình ảnh chị M. đang nằm ngủ cạnh một chiếc quạt đã tử vong với nội dung: "Rất nhiều người chết vì mở quạt trong khi ngủ và mới nhất đây ở tỉnh Đồng Nai đã xảy ra cái chết thương tâm của cô gái trẻ vì ngủ mở quạt điện quá gần mình".
Chị M. cho biết, sau khi câu chuyện và hình ảnh của chị được đăng tải đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Chỉ trong vài ngày, hàng chục trang mạng đăng tải, loan truyền chóng mặt khiến chị rất hoang mang nhưng không biết phải làm thế nào.
Chị M. mở trang mạng có lấy cắp hình ảnh của chị để bịa đặt chia sẻ với chúng tôi. |
Theo chị M., vào đầu tháng 8/2016, chị bất ngờ có người tìm đến tận nhà chị ở để hỏi chuyện... bị quạt làm chết. Lúc đầu chị M. ngạc nhiên vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Lúc đó chị M. còn tỏ thái độ khó chịu và chửi mắng những người đùa giỡn. Sau đó chị lên mạng xem thử mới tá hỏa biết mình bị "khai tử" trong khi vẫn còn khỏe mạnh, sống bình thường.
"Chỉ trong vòng một ngày sau đó, gia đình tôi nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của người thân, bạn bè hỏi thăm. Không hiểu sao tôi đang sống sờ sờ mà người ta lại đưa hình ảnh lên mạng để minh họa cho người chết. Cuộc sống của tôi và gia đình bị đảo lộn rất nhiều kể từ ngày bị một trang mạng không rõ nguồn gốc nói đã chết", chị M. bức xúc nói và cho biết đã liên hệ rất nhiều lần chủ các trang mạng đăng tải thông tin sai sự thật nhưng đều không nhận được phản hồi.
Trang mạng có đăng bài nói về có người chết vì ngủ dưới quạt. Ảnh: chụp màn hình. |
Hình ảnh chị M. đang ngủ bị lấy cắp đăng bài viết nói rằng chị đã chết. Ảnh chụp màn hình. |
Nói về sự thật sau bức ảnh trên, chị M. chia sẻ, trong một lần ngủ trưa có bật quạt vì trời nóng, sau đó bạn bè thân thiết tình cờ chụp hình để "dìm hàng". Tiếp đến, nhân dịp sinh nhật của chị, người bạn này có đăng lên dòng thời gian Facebook để chúc mừng. "Nào ngờ bị "chôm" hình rồi bịa đặt câu chuyện không có thật", chị M. than thở.
Lợi dụng hình ảnh người chết để kêu gọi tiền hỗ trợ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trang mạng trên có tên miền là: http://bantindatviet.com/, không rõ nguồn gốc sở hữu thuộc cơ quan nào. Cho đến thời điểm hiện tại, trang mạng chính đăng thông tin chị M. bị chết vẫn chưa có động thái gỡ bỏ hình ảnh của chị. Cuộc sống hiện tại của chị M. vẫn chưa hết bị xáo trộn. Chị M. cho biết vừa qua cũng nghe thông tin có người lợi dụng hình ảnh của chị để "câu" tiền từ thiện của mọi người.
Chị M. buồn bã tâm sự: "Chuyện lấy hình cá nhân của tôi tung tin đồn bị chết chẳng bức xúc nhiều mặc dù cuộc sống đang có nhiều xáo trộn lắm. Nhưng khi phát hiện họ tiếp tục dùng hình ảnh của mình để nói hoàn cảnh khó khăn nhằm kêu gọi hỗ trợ tiền khiến tôi không thể im lặng".
Theo chị M., chị mong cơ quan chức năng cần can thiệp sớm để trả lại sự thật cho chị cũng như ngăn chặn được những kẻ lừa đảo làm từ thiện.
Được biết trước đây cũng có nhiều trường trường hợp bị bịa đặt câu chuyện như chị M. Điển hình, đầu tháng 1/2016, trên Facebook của một người có tài khoản V.V.C xuất hiện tấm ảnh 2 phụ nữ đứng tuổi ngồi ăn, hút thuốc kèm theo nội dung: "Đây là những người Trung Quốc bắt cóc trẻ em, ai thấy mong báo công an, mọi người chia sẻ để đề phòng".
Tuy nhiên sự thật hai phụ nữ bị ghép tội bắt cóc trẻ em là bà Nguyễn Thị N. (51 tuổi) và Hồ Thị Tuyết T. (47 tuổi, cùng ngụ phường 1, quận 5, TP HCM). Bà N. cho biết tối 30/12/2015, bà cùng một số chị em trong xóm qua quận 8, TP. HCM ăn tiệc. Trong lúc ăn uống, cháu bé 9 tuổi tình cờ chụp hình bà và bà Trinh.
Bà N. và bà T. cũng bị trường hợp bị bêu xấu, bịa đặt bắt cóc suýt bị người đi đường đánh. |
Ngày hôm sau, mẹ của cháu bé đăng lên Facebook với câu nói vui: "Hai người phụ nữ bắt cóc trẻ em". Nhưng sau đó câu nói đùa bị nhiều người chia sẻ "thêm mắm dặm muối" với những tình tiết ly kỳ. Có người còn bịa rằng: "Vừa bắt gặp 2 "nữ quái" cùng một bé trai trên đường Hồng Bàng… Đường dây này hoạt động chuyên nghiệp". Sự việc càng khiến khổ chủ bị vu oan thêm sợ hãi, vì những ngày sau đó đang đi ngoài đường thì bị một số người dân chỉ mặt: "Hai người bắt cóc kìa".
Đây là câu chuyện bịa đặt của những người dùng mạng xã hội để câu like. |
Ngoài ra, thời gian qua cũng có nhiều trường hợp nhân vật bị người khác chụp lén sau đó về "chế" lại câu chuyện không có thật để gây sự phẫn nộ trong dư luận nhằm câu lượt like, lượt theo dõi.
Dùng hình ảnh người sống minh họa cho người chết có thể bị phạt tù Luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn Luật sư TP. HCM nhận định: "Tôi cho rằng đây là một hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác cần phải bị phát hiện kịp thời và xử lí theo quy định của pháp luật một cách nghiêm khắc. Bởi vì, đây là một hành vi có chủ đích, cố tình đánh vào lòng thương của người khác để trục lợi". Theo LS Thảo, đối với hành vi sử dụng hình ảnh của người khác rồi đăng lên Facebook nhằm mục đích xúc phạm, hạ uy tín danh dự của người khác là vi phạm pháp luật theo điểm d, điều 12 Luật công nghệ thông tin 2006. Trong trường hợp hành vi đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín, danh dự thì người bị xúc phạm có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại và xin lỗi công khai. Tùy theo mức độ và hành vi vi phạm mà bị xử phạt hành chính với số tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, trường hợp này, chị M. cũng có thể yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự, về "Tội làm nhục người khác" theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. |
Theo Tứ Quý (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)