Cô gái khuyết tật ở Huế vẽ tranh bằng chân và lời nói dối đẫm nước mắt của người mẹ

05/03/2018 09:02:26

Bằng đôi chân tật nguyền, suốt nhiều năm qua, cô gái 26 tuổi ấy đã vẽ nên những bức tranh có gam màu tươi sáng như chính ước mơ, khát vọng của mình, với tâm niệm sẽ bán tranh kiếm tiền nuôi mẹ.

"Tranh của con bán đủ tiền mua gạo cả tuần rồi!"

Hơn 2 tiếng vượt cung đường ngoằn ngoèo, từ thành phố Huế tôi tìm lên xã núi Hương Bình, thị xã Hương Trà, để được tận mắt chứng kiến "tài nghệ" của cô gái vẽ tranh bằng chân. Cô gái ấy là Huỳnh Thị Thảnh (26 tuổi), khi chào đời đã mang thân hình co quắp, chân tay dị dạng.

Cô gái khuyết tật ở Huế vẽ tranh bằng chân và lời nói dối đẫm nước mắt của người mẹ
Hơn 20 năm qua, Thảnh đã vẽ nên những bức tranh bằng đôi chân tật nguyền của mình.

Chúng tôi đến đúng lúc cô Huỳnh Thị Liên (66 tuổi, mẹ Thảnh) vừa đi chợ về. Đang ngồi trên xe lăn, thấy mẹ Thảnh khua tay, miệng ú ớ cố ra hiệu điều gì đó. Như hiểu chuyện, bà Liên liền chạy lại, móc trong túi ra vài đồng bạc lẻ "khoe" với con rồi nói: "Tranh của con hôm nay bán được nhiều tiền lắm, đủ tiền mua gạo ăn cả tuần luôn, yên tâm nhé". Dứt lời, bà Liên vội quay mặt đi, còn Thảnh nở miệng cười dù rất khó nhọc.

Thấy khách có vẻ thắc mắc, không đợi tôi hỏi, bà Liên ra hiệu gọi tôi ra sân rồi thì thầm: "Tôi nói dối cho con bé vui, chứ tranh của nó mà ai mua. Tội nghiệp, suốt mấy chục năm nay nó nằm vẽ tranh với niềm tin để bán kiếm tiền nuôi tôi….".

Cô gái khuyết tật ở Huế vẽ tranh bằng chân và lời nói dối đẫm nước mắt của người mẹ - 1
Căn nhà tuềnh toàng mà mẹ con Thảnh ở nằm sâu hun hút bên dưới con đường tỉnh lộ.
Cô gái khuyết tật ở Huế vẽ tranh bằng chân và lời nói dối đẫm nước mắt của người mẹ - 2
Cầm bút, mở nắp hay xoay đầu đều được Thảnh thực hiện thuần thục bằng đôi chân của mình.

Bà Liên vốn là người ở vùng biển Thuận An (huyện Phú Vang), do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình dắt díu nhau lên đây làm kinh tế mới. Tại đây, bà từng đi thanh niên xung phong và dân quân tự vệ rồi bị phơi nhiễm chất độc da cam từ lúc nào chẳng hay.

Cũng như bao người phụ nữ khác, bà từng ước mơ có một gia đình hạnh phúc. Thế nhưng "đời không như là mơ", bởi những bất hạnh cứ "vồ vập" đến với bà. Vốn đã khổ khi cưới nhầm người chồng tệ bạc, khi bà sinh đứa con thứ 2 thì gã đàn ông này cũng bỏ đi không một lời từ biệt. Một thời gian sau, bà "kiếm con" với người đàn ông khác và sinh đôi được 2 đứa con, trong đó có Thảnh.

"Tôi sinh 3 lần được 4 đứa con nhưng chỉ có đứa con gái đầu là bình thường, nhưng nó có chồng ở tận Đồng Tháp và cũng nghèo nên lâu rồi không về quê. Đứa con trai thứ 2 thì chết khi mới 25 ngày tuổi. Đứa sinh đôi cùng Thảnh cũng chết lúc mới 7 tháng tuổi. Chúng đều chết do bị bệnh giống Thảnh…", bà Liên nghẹn ngào.

Cô gái khuyết tật ở Huế vẽ tranh bằng chân và lời nói dối đẫm nước mắt của người mẹ - 3
Để con gái vui, người mẹ tội nghiệp vừa phải gồng gánh nuôi con, vừa nói dối rằng tranh của con bán được nhiều tiền lắm...

Cô gái khuyết tật ở Huế vẽ tranh bằng chân và lời nói dối đẫm nước mắt của người mẹ - 4

Cô gái khuyết tật ở Huế vẽ tranh bằng chân và lời nói dối đẫm nước mắt của người mẹ - 5
Tứ chi bị liệt, suốt ngày Thảnh chỉ nằm lăn lóc trên nền nhà, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ mẹ.

Sinh ra đã tật nguyền, lại không có cha nên Thảnh phải mang họ mẹ. Cái tên "Thảnh" cũng được bà Liên đặt với mong ước con mình luôn được thảnh thơi. Thương con bệnh tật, bán sạch tài sản, bà Liên ôm con chạy chữa khắp nơi. Thế nhưng, tiền hết mà bệnh tình không thuyên giảm, bà đành ngậm ngùi mang con về. Từ đó, tuổi thơ của Thảnh chỉ biết lê lết trong nhà và nhìn các bạn cùng trang lứa ngày ngày chạy nhảy, nô đùa qua khung cửa sổ.

Cô gái vẫn ngày đêm vẽ tranh vì nghĩ rằng có thể nuôi mẹ

Năm lên 7 tuổi, thấy các bạn cắp sách đến trường, Thảnh cũng đòi đi học. Thế nhưng bế con đến khắp các trường xin nhập học, bà Liên đều chỉ nhận được những cái lắc đầu. Tứ chi tật nguyền nhưng Thảnh lại rất thông minh. Nằm ở nhà nhưng được mẹ hướng dẫn, Thảnh đã tự tập đánh vần, viết chữ và vẽ tranh bằng chính đôi chân không lành lặn.

Cô gái khuyết tật ở Huế vẽ tranh bằng chân và lời nói dối đẫm nước mắt của người mẹ - 6
Chỉ cần thấy con gái vui là bà Liên đã mãn nguyện.

Cô gái khuyết tật ở Huế vẽ tranh bằng chân và lời nói dối đẫm nước mắt của người mẹ - 7

Cô gái khuyết tật ở Huế vẽ tranh bằng chân và lời nói dối đẫm nước mắt của người mẹ - 8

Cô gái khuyết tật ở Huế vẽ tranh bằng chân và lời nói dối đẫm nước mắt của người mẹ - 9
Suốt 27 năm qua, những gì mà Thảnh biết và tiếp xúc chỉ là nền nhà, mẹ và bút chì, sáp màu.

Ban đầu những bức tranh của Thảnh chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc không hình hài trên nền gạch, tường nhà. Thấy Thảnh mê vẽ, bà Liên bán mấy con gà để mua giấy, bút màu cho con. Ngày mới tập cầm bút, các ngón chân Thảnh sưng tấy, đau nhức vì phải cử động liên tục. Có lần, cố gắng vẽ xong một bức tranh rồi Thảnh bỗng dưng ngất lịm. Thế nhưng không từ bỏ đam mê, Thảnh vẫn miệt mài luyện tập. Sau một thời gian thì em cũng có thể điều khiển được đôi chân để vẽ nên ước mơ của mình.

Ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên Thảnh chỉ vẽ bằng trí tưởng tượng và những cảm nhận màu sắc của bản thân. Những bức tranh Thảnh vẽ chủ yếu về chủ đề bạn bè, gia đình và những ước mơ của chính mình. Như Thảnh tự vẽ mình đang ngồi xe lăn và được mẹ đẩy đi chơi, được làm cô giáo đang dạy học cho trẻ tật nguyền. Thảnh cũng vẽ và mơ về một tình yêu đôi lứa, vẽ đôi trai gái cùng nhau dạo bước trên con đường làng thơ mộng…

Cô gái khuyết tật ở Huế vẽ tranh bằng chân và lời nói dối đẫm nước mắt của người mẹ - 10
Thảnh vui khi tin rằng tranh của mình được nhiều người mua để có tiền nuôi mẹ...
Cô gái khuyết tật ở Huế vẽ tranh bằng chân và lời nói dối đẫm nước mắt của người mẹ - 11
Nhiều năm qua, mẹ con bà Liên chỉ biết sống tằn tiện nhờ vào số tiền trợ cấp người khuyết tật của Thảnh.

Vừa được mẹ bế khỏi chiếc xe lăn đặt xuống nền nhà, Thảnh liền đưa chân kẹp giấy bút rồi bắt đầu vẽ. "Em sẽ cố gắng vẽ thật nhiều tranh để bán kiếm tiền sửa nhà, mua thuốc cho mẹ và cả em nữa…", Thảnh hồn nhiên cố ú ớ thành lời.

Nhìn Thảnh xoay đủ kiểu nằm để kéo những nét vẽ thành hình, tôi càng khâm phục ý chí và nghị lực của em. Chợt nhìn sang bên cạnh, tôi thấy mẹ em đang cố kiềm chế những giọt nước mắt trước câu nói ngây ngô của con. "Nó thích vẽ nên suốt ngày bắt tui soạn dụng cụ ra để vẽ. Mặc dù tranh nó vẽ không bán được đồng nào nhưng cứ mỗi lần nhìn con bé hào hứng vẽ với tâm niệm bán kiếm tiền nuôi mẹ, thế là tôi mãn nguyện rồi.", bà Liên mĩm cười, tâm sự.

Cô gái khuyết tật ở Huế vẽ tranh bằng chân và lời nói dối đẫm nước mắt của người mẹ - 12
Thảnh chỉ có thể nhìn thế giới bên ngoài qua ô cửa.

Chia tay cô gái tật nguyền ra về khi trời vừa nhá nhem tối, bà Liên lại loay hoay vào bếp chuẩn bị bữa cơm tối, Thảnh thì vẫn nằm giữa nền nhà và cố gắng điều khiển đôi chân để vẽ tranh. Một ngày trôi qua của hai mẹ con cứ đều đặn lặp đi lặp lại như thế. Lặng lẽ nhưng ấm áp tình thương.

Theo Hà Nam (Trí Thức Trẻ)

Nổi bật