"Nên mua bảo hiểm khi còn trẻ và còn khỏe" là lời khuyên mà có lẽ tất cả chúng ta đều đã nghe đến mòn cả tai, vì bảo hiểm là thứ nên mua từ khi chưa có nhu cầu sử dụng, chứ tới lúc có bệnh mới lật đật tìm mua thì đã quá muộn rồi.
Tầm quan trọng của bảo hiểm nói chung là thứ không thể phủ nhận. Đâu phải tự nhiên mà cứ mỗi lần đi khám, mỗi lần không may nhập viện, nhân viên y tế lại luôn hỏi chúng ta “thế có bảo hiểm không?”.
Dẫu vậy, quyết định mua bảo hiểm không phải lúc nào cũng là một quyết định đúng đắn, nhất là khi người mua không hiểu rõ bản chất cũng như các quy định trong hợp đồng bảo hiểm.
"Mất 200 triệu" sau 9 năm đóng bảo hiểm chỉ vì không đọc kỹ hợp đồng
Mới đây, trên MXH Threads, một người dùng đã kể lại trải nghiệm có phần không mấy vui vẻ của mình khi mua bảo hiểm nhân thọ.
Câu chuyện có thể tóm tắt như sau: Năm 2015 khi mở thẻ tại một ngân hàng nọ, “bảnh” này được nhân viên ngân hàng giới thiệu mua bảo hiểm nhân thọ. Cô đã ký hợp đồng và đóng phí bảo hiểm được 9 năm với tổng số tiền đã đóng là 600 triệu đồng. Tuy nhiên gần đây khi kiểm tra khoản tiền đã đóng trên ứng dụng của đơn vị bảo hiểm, cô thấy số tiền trong hợp đồng chỉ là 407 triệu đồng, chứ không phải 600 triệu đồng.
Sở dĩ, số tiền thực có trong hợp đồng thấp hơn số tiền thực đóng là vì trong một vài năm đầu sau khi ký hợp đồng bảo hiểm , khách hàng (ở đây là người mua bảo hiểm) sẽ bị trừ 3 khoản phí: Phí ban đầu, phí rủi ro, phí quản lý hợp đồng. Bản thân cô gái trong câu chuyện này cũng thừa nhận sai lầm của bản thân là đã không đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm.
Bài đăng hiện vẫn đang thu hút sự quan tâm của CĐM. Trong phần bình luận, có người an ủi, có người chia sẻ bài học đắt giá tương tự, cũng có người cho rằng đơn vị bảo hiểm không có lỗi, lỗi nằm ở tư vấn viên và ở chính người mua bảo hiểm.
Hiểu sao cho đúng về trường hợp “mất 200 triệu sau 9 năm đóng bảo hiểm”?
Liện hệ với chị Thanh Nhàn - Chuyên viên tư vấn bảo hiểm (tại một đơn vị bảo hiểm không liên quan tới đơn vị bảo hiểm trong câu chuyện phía trên), để hỏi về trường hợp “mất 200 triệu sau 9 năm đóng bảo hiểm”, chúng tôi nhận được lời giải thích như sau.
“Với câu chuyện này, nói rằng ngân hàng hay bên bảo hiểm đang lừa đảo là không đúng, và cũng rất khó để bạn ấy có thể kiện đòi bồi thường, vì 2 lý do.
Thứ nhất: Bạn ấy mua bảo hiểm khi mở thẻ tại ngân hàng, nhân viên ngân hàng cũng nói rõ với bạn là “mua bảo hiểm nhân thọ” - như những gì bạn chia sẻ trong bài viết, chứ họ không nói đó là “gửi tiết kiệm” hay “đầu tư có lãi”. Nếu nhân viên ngân hàng mời bạn ấy mua bảo hiểm nhân thọ mà lại nói rằng đó là khoản tiết kiệm hay khoản đầu tư, vậy thì mới là lừa đảo.
Thứ hai : Thành thật mà nói thì trong khoảng 3 năm đầu khi mới ký hợp đồng bảo hiểm, tất cả các đơn vị bảo hiểm đều thu khá nhiều khoản phí theo quy định của Bộ Tài chính. Khoản phí này có thể lên tới 90% số tiền mà chủ hợp đồng bảo hiểm đóng hàng năm. Khoảng thời gian quy định đóng phí ban đầu cũng như tỷ lệ đóng của khoản phí này sẽ khác nhau, tùy vào từng đơn vị bảo hiểm, tuy nhiên mức chênh lệch giữa các đơn vị bảo hiểm, là không quá lớn”.
Chị Thanh Nhàn cũng khẳng định rằng trong trường hợp này, có thể do bạn tư vấn bảo hiểm không tư vấn kỹ cho khách hàng về các khoản phí ban đầu, cũng có thể do bản thân người mua bảo hiểm không đọc kỹ hợp đồng nên mới có cảm giác “bị lừa”.
Mua bảo hiểm nhân thọ “qua ngân hàng” có khác gì mua trực tiếp từ đơn vị bảo hiểm hay không?
Trường hợp của bạn trẻ trong câu chuyện phía trên, việc mua bảo hiểm nhân thọ có thể được coi là “vấn đề phát sinh” khi mở thẻ ngân hàng. Vậy mua bảo hiểm nhân thọ “qua ngân hàng” có khác gì mua trực tiếp từ đơn vị bảo hiểm hay không?
“Về bản chất thì không khác gì cả vì mỗi gói bảo hiểm đều có giá trị và điều khoản riêng, không quan trọng là bạn mua qua đâu. Tuy nhiên, mua bảo hiểm nhân thọ qua sự tư vấn của nhân viên ngân hàng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thứ nhất: Nghiệp vụ bảo hiểm của các bạn nhân viên ngân hàng có thể không vững bằng chuyên viên tư vấn bảo hiểm, nên quá trình tư vấn trước khi ký hợp đồng bảo hiểm có thể sẽ xảy ra thiếu sót hoặc không được chi tiết, kỹ càng. Đương nhiên có rất nhiều bạn nhân viên ngân hàng tư vấn mua bảo hiểm có tâm và các bạn cũng giỏi nghiệp vụ bảo hiểm, nhưng cũng không thể loại trừ trường hợp mình không may gặp phải người tư vấn thiếu kiến thức.
Thứ hai : Các bạn nhân viên ngân hàng không thể liên tục đi làm hồ sơ bồi thường cho khách hàng như chuyên viên tư vấn bảo hiểm, nên thường thì các bạn nhân viên ngân hàng chỉ bán mỗi gói bảo hiểm nhân thọ và bỏ qua việc tư vấn/thiết kế gói bảo hiểm sức khỏe kèm theo. Bản chất của bảo hiểm nhân thọ là trong trường hợp rủi ro nhất là tử vong thì mới được nhận tiền. Chứ đi khám, ốm đau nằm viện hoặc thậm chí là bị ung thư cần chữa trị thì bạn cũng chưa chắc đã được bảo hiểm nhân thọ chi trả. ” - Chị Thanh Nhàn giải thích.
Theo Ngọc Linh (Nhịp Sống Thị Trường)