Càng bị cuộc đời vùi dập trong khổ nhục, cô càng ngóng trông thần tượng của mình. Mỗi khi lên giường với những người đàn ông xa lạ để đổi chác, mua bán, trả ơn… cô lại nhắm mắt ái ân với tình đầu đơn phương trong tưởng tượng của mình. Với những người giống anh, trò chơi của cô càng trở nên tuyệt diệu.
Tây Nguyên chiều nay mưa, núi rừng run rẩy trong ướt át và gió buốt. Quán cơm rộng mênh mông, thường có đến cả chục xe đò đổ khách ngồi kín bàn, giờ đìu hiu như chợ chiều. Trước hiên nhà, các ông anh và cháu trai của bà chủ quây quần bên bộ cờ tướng và luôn sẵn sàng với công việc quen thuộc.
Khi có một xe khách qua đường Hồ Chí Minh, họ lại mặc áo mưa lao ra vẫy gọi, mời vào quán cơm. Mấy bà chị cùng các cô cháu gái, nữ phục vụ giờ đang lu bu với chuyện rửa dọn sau bếp.
Ở một góc quán, sáu gã lâm tặc khét tiếng của vùng này cũng là khách quen vẫn đang trong cuộc nhậu sôi nổi. Thủy Cơ ngồi sau quầy, cô vừa cộng sổ và hài lòng với doanh số hơn năm mươi triệu của ngày hôm nay. Sau bao nhiêu gian truân, cuối cùng cô đã đưa được đại gia đình lười biếng, ỉ lại, tối tăm của mình gồm hơn ba chục người lớn nhỏ già trẻ từ miền Tây lên đây. Bây giờ đã là năm thứ bảy, mọi thứ đã đi vào ổn định và chiều hướng ngày càng khá lên.
Từ quán cơm mái lá xập xệ ban đầu mở “đón gió” trên con đường xuyên Việt vừa hình thành, bây giờ gia đình Thủy Cơ đã có cơ ngơi mà ai nhìn vào cũng ao ước. Một quán cơm bề thế cùng một lúc chứa được vài trăm thực khách. Mấy chị của cô còn đặt thêm những quầy bán thổ cẩm, trái cây đặc sản và hàng mỹ nghệ của bà con dân tộc quanh vùng. Thủy Cơ còn xây dựng cả nhà nghỉ, cây xăng, cơ sở vá vỏ ruột ô tô… Đường Hồ Chí Minh bây giờ nằm trong tour du lịch “Về chiến trường xưa”, nên ngoài các chuyến xe đò xuôi ngược Bắc - Nam ngày ngày, còn có đông đảo khách tham quan.
Các cụ ông, cụ bà đầu bạc là cựu chiến sĩ, cựu thanh niên xung phong, luôn tìm về đây với hương hoa và nước mắt khóc những đồng đội thời chiến còn nằm lại đâu đó trên Trường Sơn bao la này. Tuổi trẻ thành thị thường tổ chức theo đoàn dã ngoại, đi đến đâu cũng ca hát tưng bừng và hối hả chụp ảnh cứ như sợ núi rừng hùng vĩ bất ngờ biến mất. Những ông Tây từ Mỹ, Úc, Niu-di-lân… vẫn thường xuất hiện với quần short, áo thun, camera đi thành đoàn lặng lẽ. Họ từng đến đây thời trai trẻ để bắn vào người Việt Nam, đốt phá các làng xóm hiền hòa và bây giờ quay lại với những ân hận ngậm ngùi. Chiến trường xưa với họ còn có cả nét đẹp hoang sơ của núi rừng lẫn cảm giác nặng nề về đồng đội đã mất, về những kỷ niệm đày ải trong cuộc chiến tranh tàn khốc từ quá khứ…
Ảnh minh họa - Nguồn Internet |
Thủy Cơ còn được đếm tiền từ những thợ săn lên đây tìm thú quý cho các quán nhậu ở thành phố, các lâm tặc và hàng ngàn thợ đào vàng từ khắp cả nước đổ về. Cô đã kiếm được rất nhiều tiền từ vùng đất mới, từ con đường đã nổi tiếng thế giới, từ những đoàn người “chinh chiến” với núi rừng và với quá khứ mất mát, đau thương…
Chiều nay tay ôm đống bạc, nhìn mưa Tây Nguyên, Thủy Cơ bỗng thấy lòng trống trải se lạnh. Đã bảy năm rồi, cô dồn hết tâm trí, sức lực cho kinh doanh. Cô mãn nguyện khi thấy đại gia đình mình sung sướng. Các cháu được đến trường với những bộ quần áo và phương tiện đẹp nhất lớp, các anh chị ai cũng mập, sang thêm rất nhiều và bố mẹ trẻ khỏe lại trong niềm tự hào về con cháu, phúc lộc dồi dào, xóm làng kính nể.
Đã ba mươi ba tuổi, Thủy Cơ tự thấy mình già, không còn rung động mà chỉ thấy buồn cười hoặc ngao ngán trước những trò tán tỉnh của đàn ông. Cô vốn đẹp, bây giờ lại giàu, tiền bạc và quyền hành với gia đình và đám nhân viên càng làm cô hấp dẫn. Các sếp ở huyện mỗi lần tiếp cấp trên, nhà đầu tư đến làm ăn ở địa phương hay báo, đài thường chọn quán của Thủy Cơ.
Rượu ngoại và các món thịt rừng được chế biến đặc sắc một phần, phần lớn hơn là bà chủ quán quá xinh đẹp với giọng Nam Bộ dễ thương làm họ uống say mèm vẫn chưa thấy đã. Cấp xã, thuế vụ léng phéng đến làm khó, Thủy Cơ phone cho các anh một cú là các chú “lính” ấy phải “lên bờ, xuống ruộng”… Cuộc đời đã sang trang, mọi thứ đến với cô như một giấc mơ…
Gặp lại cố nhân, người tình trong mộng
Trong lúc Thủy Cơ đang thả hồn mông lung thì chiếc xe ôm đưa đến quán một vị khách. Đó là một trung niên rắn rỏi, trùm kín người bằng một áo mưa cánh dơi đen. Anh cởi áo mưa, giũ nước, gấp lại cặp trong nách rồi vào quán, thảy ba lô, áo mưa xuống ghế, gọi một dĩa cơm sườn nướng và ly trà đá. Anh vừa xúc được vài muỗng cơm thì từ bàn nhậu của nhóm lâm tặc, gã mặt áo rằn ri sát nách cầm ly bia sang, dùng tay trái kẹp cổ khách lè nhè:
- Ê!, “lính mới” ở đâu đến đây, uống một ly coi!
Khách gạt gã ra, từ chối:
- Tôi không uống được bia, anh thông cảm!
Gã dằn ly bia xuống bàn, chống nạnh ngắm bộ quần áo dính đất đỏ của khách rồi quát hỏi:
- Mày là dân đãi vàng đi lạc phải không? Hay là gặp cục vàng lớn nuốt mẹ vào bụng rồi bỏ trốn?
Khách không trả lời, cúi mặt xúc cơm. Gã kia chộp cổ áo lôi khách ra khỏi bàn. Tay còn lại gã lục soát khắp người khách. Hắn ở thế thượng phong vì to con hơn và có năm tên đồng bọn nên tỏ ra chủ quan. Thế là chỉ trong nháy mắt đã ăn đòn gối vào dưới bụng và mấy cái chỏ vào sau cổ. Hắn ngã, đẩy văng luôn cái bàn.
Người khách thản nhiên khoanh tay đứng đợi như thách thức. Kẻ gây chiến lồm cồm chống gối đứng dậy, chộp một cái ghế dựa Inox lao vào khách. Đang trong thế tấn công, hắn bỗng sững người buông ghế, nhìn đối thủ trừng trừng, miệng lắp bắp:
- Tay mày có xăm bốn con số bảy… tao nhớ rồi… mày là “Nhạc lửa”… mày là… cảnh sát tha hóa… mày là tên tù trốn trại… Anh em nhào vô bắt nó!
Dưới ánh đèn điện, mặt khách biến sắc.
Từ sau quầy thâu ngân cách một dãy bàn, nãy giờ Thủy Cơ thót tim trước trận đánh nhau của khách. Cô nghe rõ từng lời gã lâm tặc vừa nói. Cô nhìn sang ông khách trung niên và giật mình. Cô sợ mình nằm mơ nên lấy tay giật tóc mai. Cô lại chộp ly nước chanh lạnh buốt uống cạn. Mắt cô vẫn không rời người khách mặc quần Kaki vàng và áo thun xám. Cái dáng đứng ngang tàng đó sao quen quá? Cũng quần Kaki, áo thun cộc tay…
- Tụi bây đã biết thì tao cũng không giấu. Đúng, tao là “Nhạc lửa”… Tao được trả tự do chứ không phải trốn trại. Bây giờ tao chẳng còn gì để mất, tụi bây muốn gì tao cũng chấp nhận!
Thủy Cơ như muốn khụy xuống. Hai bàn tay bấu trên mặt quầy rịn mồ hôi. Đúng là “cố nhân”, không thể nhầm lẫn vào đâu được! Cô định thần và bước nhanh ra khỏi quầy. Cả sáu tên lâm tặc đang vây quanh khách. Có tên đã rút dao bấm. Mặt tên nào cũng đằng đằng sát khí. Tên mặc quần short nhiều túi, áo thun đen dí chai bia bể đít đưa ra những mảnh nhọn hoắt về phía “Nhạc lửa”, gằn từng tiếng:
- Đ.m… mày hết thời rồi. Mày làm gì còn súng, còn quân, còn quyền… để dí bắt tụi tao nữa. Một thằng đàn em tao bị mày bắn chết, ba thằng khác lãnh án mười năm. Tao cũng ăn cơm tù mòn răng vì mày… hôm nay, máu phải trả bằng máu!
Không khí căng như dây đàn. Thủy Cơ không kịp suy nghĩ, cô lao ra đứng dang tay che chắn cho “Nhạc lửa”. Nỗi sợ hãi biến đâu mất để giờ đây Thủy Cơ hóa dữ tợn như hổ mẹ giơ nanh vuốt bảo vệ con. Cô hét lên:
- Không được đụng đến người này! Sáu chim, Tiến hói, Ngân cụt… các anh mà đụng đến anh ấy là … là… tôi… liều luôn đó.
“Nhạc lửa” gạt Thủy Cơ ra, cất giọng lạnh lùng:
- Đây là ân oán của tụi nó với tôi, cô không cần xen vào và tôi cũng không cần đàn bà giúp đỡ. Tụi bây dám chơi tay đôi từng thằng không?
Lúc này các anh chị em của Thủy Cơ và nhân viên của quán nghe ồn ào, thấy chuyện căng thẳng đã chạy đến khá đông. Thủy Cơ ôm chặt “Nhạc lửa”, chỉ đạo quyết liệt:
- Lấy dao, lấy búa ra đây, bảo vệ người này. Tuấn (cháu) lấy xe máy lên báo công an xã, anh Tùng (nhân viên) gọi điện thọai cho công an huyện, nhanh lên…
Đám lâm tặc thấy đã có gần ba chục người, lại nghe công an sắp đến nên không dám ra tay. Trước khi lên chiếc xe Jeep mui trần bê bết sình đất, một tên còn hăm Thủy Cơ:
- Cô đã tuyên chiến trước, đừng ân hận nhé… đồ đĩ! Tụi tao sẽ ủi sập quán cơm với khách sạn này, đốt luôn cây xăng của mày để coi mấy thằng bồ chức to của mày làm gì được?!
- Tại sao cô lại liều lĩnh cứu tôi?
- Vì anh là khách của quán!
- Cô bất chấp sinh mệnh của mình và cả gia đình; bất chấp tài sản bạc tỷ vì… lợi nhuận từ dĩa cơm sườn và ly trà đá của tôi sao?
- Chồng cô đâu, sao không ra cho tôi mời một ly tạ ơn…
- Tôi không có chồng, không muốn lấy chồng!
- Cô biết tôi phải không?
- … Thôi anh lên phòng nghỉ đi! Anh cứ ngủ ở đây, ăn ở đây, có tiền thì trả một ít, không thì… từ từ trả sau.
Im lặng một lúc, Thủy Cơ lại hỏi:
- Vợ con anh đâu?
“Nhạc lửa” lặng lẽ xoay ly bia:
- Chúng tôi ly dị rồi, hai đứa con ở với mẹ. Tôi còn một ít tiền, lên đây tính mua miếng đất làm rẫy sống lây lất qua ngày! Chuyện về tôi báo chí đăng suốt cả năm, cả nước biết, Việt kiều ở hải ngoại cũng biết, có lẽ cô cũng không lạ phải không?
- Bảy năm nay tôi không đọc báo, không xem thời sự trên ti vi…
Đêm đó Thủy Cơ mất ngủ. Cô cố quên, nhưng chuyện của mười năm trước cứ hành cô lật qua, lật lại trên tấm nệm êm ái. Ngày đó cũng trên tấm nệm trải ra trắng tinh của khách sạn, cô đã khiếp đảm đến ngất lịm khi quái nhân Singapore với khuôn mặt dị dạng và cái bụng to như bò cái sắp đẻ, lăn lên, làm cái giường rung chuyển như muốn sập. Cô bán đời con gái trong mười ngày để có mười lăm triệu đồng giúp bố mẹ sửa nhà.
Ngày thứ tư trong cái địa ngục kinh tởm đó, lực lượng hình cảnh ập vào. Họ theo đường dây Sextour chuyên cung cấp “gà” cho khách ngoại quốc. Thủy Cơ nhớ như in thời khắc khủng khiếp, khi hai nữ cảnh sát sau khi mặc lại quần áo cho cô (vì cô sợ quá không còn cử động được chân tay), dìu cô đến bàn ký biên bản.
Đúng lúc đó, một rừng máy ảnh, máy quay phim chĩa vào cô. Thủy Cơ đã nghĩ đến chuyện cắn lưỡi tự sát thì anh ấy - lúc đó cô chưa biết là “Nhạc lửa”, xuất hiện. Anh đã ngang tàng bất chấp lệnh cấp trên, không cho báo, đài quay phim chụp ảnh cô. Anh đã đi thẳng vào trái tim đầy mặc cảm tội lỗi của cô bằng hành động và tính cách quá mạnh mẽ, anh hùng.
Những ngày tháng sau đó, Thủy Cơ không thể quên được anh. Càng bị cuộc đời vùi dập trong khổ nhục, cô càng ngóng trông thần tượng của mình. Mỗi khi lên giường với những người đàn ông xa lạ để đổi chác, mua bán, trả ơn… cô lại nhắm mắt ái ân với tình đầu đơn phương trong tưởng tượng của mình. Với những người giống anh, trò chơi của cô càng trở nên tuyệt diệu. Cái dáng đứng ngang tàng, khí phách mà vô cùng nhân hậu đó, với tâm hồn của cô, là cái đẹp hơn mọi cái đẹp. Nó tước đọat hết tình yêu của cô với tất cả đàn ông còn lại trên đời. Cô đã yêu thương, kỳ vọng vào anh để rồi rã rời thất vọng khi tai nghe, mắt thấy anh là đồng bọn với trùm giang hồ Tám beo, đồng hành với các tổ chức phạm pháp, đồng lõa với tội lỗi mà chúng gây ra. Anh là cảnh sát tha hóa!
Thủy Cơ úp gối vào mặt, lăn lộn bức bối giữa những yêu thương và hờn trách thần tượng mười năm trước của mình. Cô thiếp đi với ý nghĩ lạ lùng - anh là một phần trong số phận của cô - cái phần cay nghiệt nhất và cũng ngọt ngào nhất!
Theo Nhà văn Lại Văn Long (Công An TPHCM)