Đó là trường hợp của chị L.T.N. (29 tuổi, ngụ Tây Ninh). Trong lúc đang làm việc thì N. gặp nạn khi bị kim thêu thảm cỏ nhân tạo đâm thủng, xuyên sâu qua ngón tay trỏ bàn tay phải.
Bệnh nhân rất đau đớn và được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Xuyên Á Tây Ninh với cây kim xuyên vẫn đang đâm thủng ngón tay.
Tại khoa Cấp cứu, qua thăm khám cùng các kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình đã hội chẩn, giải thích, tư vấn cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh về quyết định thuật tiến hành phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật và cắt lọc vết thương.
Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ. Ekip phẫu thuật đã tiến hành sát trùng rửa sạch cây kim và cắt cây kim làm đôi. Tiếp đến, các bác sĩ tiến hành rút dị vật ra, đồng thời mở rộng vết thương lấy hết những sợi chỉ còn sót ra ngoài.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sinh hiệu ổn định, vết thương ngón trỏ bàn tay phải giảm đau nhiều, không dịch thấm băng, đầu ngón hồng các ngón tay cử động được.
Theo các bác sĩ, trong sơ cứu và cấp cứu các trường hợp bị vật nhọn đâm vào cơ thể, không được rút dị vật ra, ngay cả tại phòng cấp cứu. Đặc biệt là khi nghi ngờ dị vật có đâm vào mạch máu lớn.
"Dị vật có tác dụng như một nút cầm máu tạm, khi vội vã rút ra bệnh nhân có thể chết vì chảy máu ồ ạt.
Ngoài ra, rút dị vật còn làm cho tổn thương mạch máu, thần kinh thêm trầm trọng, tạo khó khăn cho việc xử trí tổn thương. Rút dị vật chỉ được thực hiện trong phòng mổ bởi phẫu thuật viên.
Điều cần làm là sơ cứu đúng cách, cố định dị vật và không nên cố gắng rút các dị vật ra khỏi vết thương. Đồng thời nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất" - thành viên ekip mổ nói.
Theo Hoàng Lê (Pháp Luật & Bạn Đọc)