Những ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi về thôn Ngô Khê (Bình Nghĩa, Bình Lục, Hà Nam) thăm vợ chồng “bác– cháu” nổi tiếng ở vùng quê thanh bình này. Người chồng là ông Ngô Thanh Học (79 tuổi), còn vợ là chị Nguyễn Thị Bích (37 tuổi).
Dù đã cận Tết nhưng ngôi nhà của vợ chồng ông Học vẫn tuềnh toàng từ ngoài ngõ vào đến tận trong nhà. Khắp nơi trong căn nhà đều được che đậy bằng tấm vải hoen úa hoặc những chiếc bạt đã bạc màu.
Thấy có khách gọi cửa, ông Học tay men theo bờ tường cũ kỹ, chân dò dẫm từng bước chậm chạp mời chúng tôi vào nhà. Trong căn nhà nhỏ chẳng có gì đáng giá, ngoài chiếc tivi đen trắng cũ kỹ và chiếc xe đạp cà tàng.
Khi ông Học rót nước mời khách, cũng là lúc vợ ông - chị Bích vội vã đạp xe mang bát cơm sang nhà bà ngoại cho đứa con gái thứ 3 (2 tuổi) ăn trưa.
Kể với chúng tôi, ông Học cho biết năm 2010 khi ông và vợ quyết định đến với nhau, cả làng quê bàn tán xôn xao. Bởi lẽ lúc đó ông đã ở tuổi 70, còn vợ ông vừa tròn 27 tuổi. “Lúc đó, họ hàng hai bên phản đối, hàng xóm điều tiếng nhiều lắm, họ nói thẳng với vợ tôi rằng lấy cái thằng già đó về làm gì, có sinh con đẻ cái được gì không. Nhưng chúng tôi đều bỏ ngoài tai, quyết định làm đám cưới”, ông Học nói.
Cuộc sống hôn nhân của cặp vợ chồng “bác - cháu” cứ thế êm đềm trôi qua. Những ngày Tết vẫn có thịt lợn, dưa hành, bánh chưng xanh đủ cả. Đến năm 2013, cuộc sống vợ chồng ông Học bắt đầu bước sang trang mới khi chị Bích mang thai đôi.
+0Hai con của ông Học sinh non, đau ốm triền miên khiến gia đình rơi vào cảnh túng quẫn. Tới năm 2016, chị Bích lỡ mang bầu lần 2 khiến cuộc sống vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn. Hiện cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào hơn 1 triệu tiền trợ cấp thương binh hàng tháng.
Nhớ lại cái Tết gần đây, ông Học cho biết nhà cũng không sắm sửa gì, có sao dùng vậy, bánh chưng có năm gói năm không. Các con thì mặc quần áo cũ được mọi người cho chứ vợ chồng ông cũng không có điều kiện để sắm sửa.
Còn năm nay, ông Học và vợ cũng cố gắng chắt chiu mua cho các con cân giò để ăn cải thiện, còn bánh chưng dân làng ai cho thì nhận chứ cũng chẳng có gạo nếp để gói. “Cuộc sống thường ngày chật vật nên Tết cũng như ngày thường thôi. Hai năm nay tôi không gói bánh chưng rồi, tiết kiệm được đồng nào cho các con cái học hay đồng đó”, ông Học tâm sự.
Cũng giống như chồng, chị Bích giờ đây chẳng còn tâm trạng nào để nghĩ đến Tết. “Đã từ rất lâu rồi tôi không được ăn cái Tết đúng nghĩa”, chị Bích nói.
Sống trong cảnh túng quẫn, suốt ngày lo chăm con, chăm chồng ốm đau bệnh tật khiến chị Bích có phần chán nản.
Người phụ nữ này trải lòng: “Vì bọn nhỏ nên chúng tôi mới cố sống với nhau. Giờ đã vậy, tôi chỉ ước giá không lấy ông ấy nhưng thời gian cũng không quay trở lại. Nếu lường hết được thì đã không cưới”.
Sâu thẳm trái tim người phụ nữ này biết rõ chồng đã ở tuổi gần đất xa trời không thể giúp đỡ nhiều, mọi việc trong nhà giờ chỉ mình chị gánh vác từ chăm con tới mọi việc trong nhà. Giờ đây, vì con ốm đau, lại còn nhỏ nên chị Bích cũng không đi làm thêm gì. Cuộc sống tạm bợ của gia đình họ cứ lặng lẽ trôi qua từng ngày.
Kết thúc cuộc trò chuyện, ông Học ngồi nhấp chén nước, ánh mắt nhìn xa xăm và nói: “Giờ tôi gần hết đời rồi, sống sao cũng được chỉ sợ một ngày khi mình không còn nữa không biết vợ con sẽ ra sao”.
Theo Lê Phương (Khampha.vn)