Bệnh nhân 18 tuổi tử vong vì bệnh bạch hầu
Ngày 8/7, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An thông tin về bệnh nhân P.T.C, (SN 2006, trú tại Bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn) tử vong do bệnh bạch hầu.
Trước đó, ngày 24/6, bệnh nhân C. có biểu hiện sốt, ho, đau họng, tự mua thuốc điều trị (thuốc tây và thuốc nam) nhưng không đỡ.
Đến đêm 30/6, bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn với tình trạng mệt mỏi, da, niêm mạc kém hồng, sốt 37,8 độ C, ho, đau họng, khàn tiếng, sưng vùng cổ phải, nuốt đau, nổi hạch góc hàm 2 bên, amydal to có dịch mủ, có giả mạc trắng bám amydal và lưỡi gà, dễ bóc tách. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu.
Ngày 3/7, vào lúc 22h30, bệnh nhân sốt 39 độ C, các biểu hiện khác không thuyên giảm.
Ngày 4/7, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ An điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi sốc nhiễm khuẩn, bạch hầu biến chứng viêm cơ tim; theo dõi đợt cấp suy thận mạn; rối loạn đông máu; giảm tiểu cầu.
23h50 cùng ngày, gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà trong tình trạng nguy kịch. Rạng sáng 5/7, bệnh nhân tử vong trên đường về địa phương.
Trước thông tin về ca tử vong do mắc bạch hầu, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An điều tra dịch tễ xác định có 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong.
Liên quan đến ca bệnh này, CDC Bắc Giang thông báo về một trường hợp xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu. Đây là một trong 2 trường hợp có tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại Kỳ Sơn, Nghệ An.
Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Vi khuẩn này thường tấn công niêm mạc mũi và họng, tạo ra màng màu xám hoặc trắng trên cổ họng, gây khó thở, khó nuốt. Bệnh bạch hầu cũng có thể lây lan sang da và gây ra các tổn thương.
Bạch hầu có thể lây lan với nhiều hình thức khác nhau, phổ biến nhất là qua đường hô hấp.
- Nguyên nhân trực tiếp từ giọt bắn lơ lửng trong không khí từ bệnh nhân bị nhiễm bệnh bạch hầu ho, hắt xì sẽ tạo ra một màn hơi chứa vi khuẩn, mọi người xung quanh có thể hít phải và nhiễm bệnh nếu chưa có miễn dịch chống lại. Bệnh bạch hầu lan rộng chủ yếu qua con đường này, đặc biệt là trong các đám đông người, như phòng khám – bệnh viện, trường học, nhà trẻ …
- Ngoài ra, bệnh bạch hầu còn lây gián tiếp thông qua các vật dụng cá nhân bị nhiễm khuẩn: dùng chung khăn, uống chung ly nước, hoặc tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết hay giọt bắn của người mắc bệnh bạch hầu.
- Bạn cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với những vết thương bị nhiễm khuẩn bạch hầu. Bệnh nhân bị bệnh bạch hầu và những người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu đã điều trị có khả năng truyền bệnh cho những người khác, người chưa được chủng ngừa đối với bạch hầu trong thời gian 6 tuần sau đó, cho dù họ không còn biểu hiện một triệu chứng nào của bệnh.
Triệu chứng của bệnh bạch hầu
Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường xuất hiện từ 2 đến 5 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn, bao gồm:
- Sốt nhẹ (kèm ớn lạnh)
- Ho khan
- Đau họng
- Khàn tiếng
- Khó thở
- Toàn thân đau nhức, mệt mỏi
- Có màng xám hoặc trắng trên cổ họng
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
Trong vài trường hợp, nhiễm vi khuẩn bạch hầu có thể chỉ gây bệnh nhẹ – hoặc không có các dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng.
Người nhiễm bệnh không có triệu chứng, không được phát hiện được coi như là người mang mầm bệnh, họ có thể truyền bệnh cho người khác mà bản thân họ không biết mình chính là người mang bệnh bạch hầu.
Biến chứng của bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?
Bệnh bạch hầu có thể điều trị khỏi nhưng cũng có thể gây tử vong chỉ trong 6-10 ngày. Tỷ lệ tử vong do bệnh trung bình khoảng 5-10%. Biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu có thể ảnh hưởng đến tim, thận và hệ thần kinh, bao gồm:
- Đường hô hấp tắc nghẽn gây khó thở
- Viêm cơ tim
- Tổn thương các dây thần kinh dẫn đến tê liệt
- Bàng quang mất kiểm soát
- Cơ hoành bị tê liệt
- Nhiễm trùng phổi (suy hô hấp hoặc viêm phổi)
- Tử vong
Bệnh bạch hầu có thuốc chữa không? Có vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu không?
Bệnh bạch hầu đã có thuốc điều trị và hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vắc xin. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu, tuy nhiên người bệnh có thể tiêm các loại vắc xin phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu, vừa phòng được bệnh bạch hầu vừa phòng được nhiều bệnh truyền nhiễm khác chỉ trong một mũi tiêm.
Vắc xin phòng bạch hầu hiện có trong tất cả các vắc xin phối hợp như vắc xin phối hợp 3 trong 1; vắc xin phối hợp 4 trong 1; vắc xin phối hợp 5 trong 1; vắc xin phối hợp 6 trong 1.
Điều trị bệnh bạch hầu bằng cách uống thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Người bệnh cần được cách ly và theo dõi chặt chẽ để đề phòng biến chứng.
Nếu nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, cần đi khám bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, để phòng bệnh, mọi người cũng cần chú ý:
- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng khi hắt hơi hoặc ho; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.
- Đảm bảo không gian nhà ở, trường học, các nơi công cộng sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.
- Với những người xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời.
- Người dân sống trong vùng có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc khám chữa bệnh cũng như các chỉ định phòng bệnh của cơ sở y tế.
VH (SHTT)