“Mượn” tên bác sĩ bệnh viện để mồi chài
Nói đội ngũ này lộng hành tại bệnh viện cũng không ngoa. Ghi nhận của PV tại cổng Bệnh viện K (Quán Sứ - Hà Nội), tại đây có khoảng 10 “cò” hoạt động liên tục từ khoảng 5 giờ tới 16 giờ hằng ngày. Đặc biệt đội quân này làm “huyên náo” với những lời lẽ quen thuộc: “Đi khám hả em? Khám gì? Để chị đưa qua đây khám nhanh lắm, lấy kết quả trong ngày luôn”.
6h sáng ngày 26.2, trước cổng Bệnh viện K, phòng đăng ký khám chữa bệnh đã đông chật bệnh nhân đến xếp hàng lấy số, mua sổ khám bệnh để được khám sớm dù phải sau đó cả tiếng đồng hồ bệnh viện mới bắt đầu khám bệnh. Vừa bước chân đến cổng Bệnh viện K, chúng tôi đã gặp ngay một nam thanh niên khoảng 30 tuổi, nhanh nhảu hỏi: “Khám gì? Phải 8h hơn bệnh viện mới mở cửa, phải xếp hàng, chờ đợi chứ, đi theo anh, anh đưa thẳng em vào khám luôn. Chị có thể có mọi dịch vụ khám từ chụp X-quang, sinh thiết, xét nghiệm các loại”.
Anh này còn giải thích quy trình làm việc của mình để tạo độ tin tưởng với bệnh nhân “bây giờ em sẽ dẫn anh lên gặp anh trưởng khoa của viện K, người ta sẽ khám tư vấn cho em”. Khi PV vặn hỏi trưởng khoa nào thì anh ta chỉ biết lu loa: “Bác sĩ Hưng, bác sĩ Hùng của viện K mà em. Bác sĩ của viện K luôn đấy, không phải lo”. Không những thế, anh này còn thông báo nếu có bảo hiểm mà khám tại phòng khám cũng được hưởng đến… 20%.
Loanh quanh một góc khác trước cửa phòng khám tự nguyện BV K, một chị đội mũ lưỡi trai lại lân la: “Khám gì đấy em? Chị đưa đi khám nhanh, lấy kết quả sớm, trả chị 30.000đ nhé”. Lảng ra một góc khác, thêm một người phụ nữ khá xinh đẹp, thả tóc ngang vai tỉ tê: “Chị chỉ lấy của em 50.000 tiền công thôi. Em theo chị sang phòng khám kia mà khám. Bác sĩ của viện K khám cho hẳn hoi. Rồi có người đưa em đi làm các xét nghiệm. Nhanh lắm”. Người phụ nữ đội mũ lưỡi trai nghe thấy chạy tới nói giọng chua ngoa: “Người ta lấy 30 nghìn thì không làm, nó lấy 50 nghìn thì làm…”. Cả “đàn cò” dáo dác tạo nên khoảnh khắc hỗn loạn và nhếch nhác vô cùng ở nơi mà những người bệnh rất cần sự yên tĩnh và tôn trọng.
Không ít người bệnh và người nhà bệnh nhân đã được “đám cò” này chỉ đường đi khám bệnh. Tuy nhiên, các bệnh nhân này lại được đưa tới các địa điểm là phòng khám tư ngay gần bệnh viện, một số các xét nghiệm khác thì được mang vào bệnh viện để lấy kết quả. Bảng giá cả dịch vụ này cũng chênh lệch ở mức cao hơn so với biểu giá của bệnh viện. Với mỗi loại xét nghiệm mức giá này thường cao hơn từ 20 - 30 nghìn đồng. Như vậy với một lần đi khám với rất nhiều hạng mục khám, các xét nghiệm khác nhau, cộng lại, người bệnh phải trả cao hơn cả triệu đồng so với xếp hàng khám trong bệnh viện.
"Cò" (áo đen) đưa bệnh nhân vào khám. |
Trao đổi với PV chiều 26.2, TS Bùi Công Toàn - PGĐ Bệnh viện K khẳng định: “Không có “cò” trong Bệnh viện K, những trường hợp bên ngoài làm “cò” thì tôi không thể quản lý. Thực tế này là không thể tránh khỏi, nó đã tồn tại bao nhiêu năm nay rồi. Lý do là bệnh viện không thể đáp ứng nổi lượng bệnh nhân quá đông nên các phòng khám tư mọc lên để giải quyết nhu cầu đó. Họ mồi chài, lôi kéo bệnh nhân đến phòng khám tư. Nếu người của viện K mà làm cái trò ấy, phát hiện được tôi kỷ luật ngay”.
Tôi là “cò”!
Khoảng hơn 9 giờ sáng ngày 26.2, PV Báo Lao Động có mặt tại cổng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Vừa đi được mấy bước thì một người đàn ông chừng 45 tuổi, đi đến và bắt chuyện. Không e dè hay đề phòng gì xung quanh, người đàn ông này nhanh chóng đặt thẳng vấn đề với chúng tôi: “Muốn khám nhanh không? 200.000 tiền bồi dưỡng cho bác sĩ là xong, lo cho em toàn bộ. Không tin, khám xong rồi gửi tiền cũng được. Có người hướng dẫn tận tình”.
Sau đó, chúng tôi đi theo người đàn ông này về lối phòng khám thì được dẫn đến gặp một người phụ nữ chừng 60 tuổi ăn mặc sang trọng đang ngồi tại hàng ghế chờ tiếp chuyện với một nhóm bệnh nhân khác. Thấy chúng tôi, người phụ nữ này vẻ mặt tươi tỉnh chào đón. “Bệnh gì?” - người phụ nữ hỏi. “Xoang” - chúng tôi trả lời. Vờ lúng túng vì chưa biết người này là ai, PV hỏi “cô là…?”, người phụ nữ này liền nói thẳng: “Cô là cò. Cò bệnh viện. Tên Loan”. Dứt lời, “cò” Loan quay sang dặn một bệnh nhân bên cạnh: “Quang này, em đưa chú đi lấy thuốc đi, máu chú tốt không vấn đề gì em nhé. Một tháng sau đến đây kiểm tra sán khuẩn. Thiếu thuốc gì, ra đây với tôi, tôi dẫn đi mua. Loại thuốc này không nhập trong bệnh viện nhé”.
“Tiếp” xong các bệnh nhân khác, “cò” Loan mới tập trung nói chuyện với chúng tôi về giá cả. Theo lời của Loan, chúng tôi chỉ việc đưa cho ả 200.000 đồng bao gồm tiền bồi dưỡng, hướng dẫn làm thủ tục nhanh, giá rẻ. Xong phần thỏa thuận, “cò” Loan lấy một cuốn sổ ghi tên các bệnh nhân để sẵn trong túi, sau khi ghi tên, địa chỉ mà PV đọc vào sổ, Loan nói: “Giờ cô lấy phiếu cho cháu vào khám. Cháu ra quầy kia đóng tiền, theo giá bệnh viện nhé” rồi dí cuốn sổ vào tay, chỉ chúng tôi đến quầy “Đăng ký khám bệnh: Bộ đội, BHYT, quân nhân tại ngũ, BHYT dầu khí” để đóng tiền.
Như một lệnh bài, chỉ việc cầm cuốn sổ “cò” Loan đưa trên tay và nói lại nguyên văn lời Loan dặn, một điều dưỡng viên tên Nguyễn Thị Thu Hiền ngay lập tức hỏi han và làm thủ tục hướng dẫn chúng tôi đến ô số 3 đóng tiền. Tại đây, chúng tôi nộp cho một nhân viên tên Ngọc 180.000 đồng tiền xét nghiệm tai, mũi, họng (có hóa đơn).
Chưa đầy 2 phút, mọi thủ tục khám bệnh được hoàn thành, không phải chờ đợi. Sau đó, Loan dẫn chúng tôi đến quầy “đăng ký khám bệnh nhân dân” để được lấy phiếu vào khám. Theo quan sát của PV, trong khi rất nhiều bệnh nhân khác đang xếp hàng đợi đến lượt thì “cò” Loan đến gặp thẳng nhân viên trong quầy, nói “ghi cho cô tên bệnh nhân này, tuổi, địa chỉ…”, nhân viên ngay lập tức điền mọi thông tin vào máy tính.
Nhận được phiếu khám, chúng tôi tiếp tục theo bà Loan đến phòng khám tai mũi họng số 3. Tại đây, PV được “cò” Loan dặn dò rất kỹ: “Để giấy đây. Bao giờ họ gọi thì vào. Khám xong, lấy kết quả rồi thì cầm sang phòng bên cạnh, bác sĩ khám cho mình nói khám thêm gì thì khám” rồi Loan vội vã chạy đi kiếm “mồi” khác, không quên để lại số điện thoại.
Ban đầu, mọi thủ tục diễn ra một cách nhanh chóng nhưng đợi 10 phút sau vẫn không thấy bác sĩ gọi, PV nhắn tin cho “cò” Loan thắc mắc. Lúc này, Loan giải thích: “Phải chờ mấy người khám ở trong kia xong thì mình mới khám được. Cứ chờ đi nhé”.
Tại phòng khám lúc này có 7 bệnh nhân gồm cả bệnh nhân khám theo BHYT và dịch vụ. Một bệnh nhân than thở: “Đợi từ sáng đến hơn 10 giờ mới được gọi vào khám đấy”. Tuy nhiên khi đang khám đến người thứ 3 thì bác sĩ N.H.P có điện thoại nói “chị vào đi”. Một lúc sau, một phụ nữ trẻ dắt theo con trai gõ cửa xin vào. Bác sỹ P lúc này nói: “Các bác thông cảm cho em khám nhờ cho chị em trước nhé, nhanh thôi”.
Khám xong bệnh theo đúng thủ tục trên giấy tờ đã được hướng dẫn, chúng tôi lên quầy thuốc và gọi điện cho “cò” Loan để gặp gỡ nói lời “cảm ơn”. Một lúc sau, “cò” Loan xuất hiện, đòi dẫn chúng tôi đi lấy thuốc nhưng lấy lý do sẽ lấy thuốc tại nhà thuốc của người nhà để từ chối. “Thế cô sẽ rút đơn cho em, em cầm đơn thuốc về mua sau cũng được”, rồi dẫn chúng tôi đến cửa số 8. Trong khi rất nhiều người đang xếp hàng đợi để đến lượt mình lấy thuốc thì “cò” Loan xộc thẳng vào ô của nhân viên tên Liên nói: “Người đẹp ơi cho chị xin cái đơn, không lấy thuốc”. Người phụ nữ tên Liên nhanh chóng in phiếu rồi trả lại đơn thuốc cho Loan. Quay ra với chúng tôi, bà Loan bảo như thế này là xong, rồi hí hửng: “Nếu tự em đi, không bao giờ em khám xong được giờ này.
Rồi “cò” này kể tiếp: “Cò bây giờ nhiều lắm. Nhưng chúng chỉ lừa bệnh nhân thôi. Nói đưa cho chúng nó 50.000, 100.000 rồi chúng đưa đến chỗ này chỗ kia nhưng mãi chả xong được. Còn nhờ cô thì cô giúp ngay, chỉ 200.000 thôi. Cháu đi làm 1 xét nghiệm, cô lấy 200.000 thì người khác làm mười mấy xét nghiệm cô cũng chỉ lấy từng đó thôi.
Gần 11h trưa ngày 26.2, PV tiếp tục đến Bệnh viện Mắt Trung ương để tìm hiểu về vấn nạn “cò” y tế lộng hành. Vừa mới đến nơi, 2 phụ nữ một già, một trẻ đã đến trước mặt, chìa ra tập sổ khám bệnh rồi mời chào. “Giờ này không khám nữa đâu. Nhưng nếu muốn thì vẫn khám được. Mắt bị sao? Cho chị xin 5.000 tiền sổ, 20.000 tiền bồi dưỡng cho chị đi. Chị khám dịch vụ thôi nhé” - người phụ nữ chừng hơn 40 tuổi vừa hỏi, vừa ghi sổ. Sau đó, người này bốc máy gọi cho một người khác, nói: “Giúp cho chị một bệnh nhân, đo khúc xạ, soi thị lực mắt cho em nó. Khám tổng quát 3 bước. Cho em nó về luôn”. Đoạn, người này quay ra chúng tôi, giục: “Tổng tiền khám 400.000, kẹp vào sổ đi. Xong chị đưa vào. Tiến sĩ khám cho em đấy, không phải bác sĩ thường. Không tin em vào ô số 8 (quầy đăng ký khám giáo sư, trưởng khoa) xem giá rồi ra đây”.
Đưa 25.000 đồng cho người phụ nữ ấy xong chúng tôi vào cửa số 8 thì khu vực này đã hết giờ làm việc. Trên quầy ghi là đăng ký khám giáo sư, phó giáo sư, trưởng khoa… Giá khám 300.000 đồng/lần. Tuy nhiên, khi đi tìm lại người phụ nữ lúc nãy thì người này đã biến mất, hai người phụ nữ khác xuất hiện với những lời mời chào tương tự. Khi chúng tôi nói “đắt lắm, không khám được”, mấy người này liền đổi giọng ngay: “Thôi đi đi, giờ này còn ai khám nữa mà kỳ kèo”.