Mấy ngày qua, mạng xã hội xuất hiện 4 clip “nóng” nghi là của một lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự ở tỉnh Hậu Giang thu hút sự chú ý của dư luận.
Cụ thể, 4 clip này xuất hiện trên mạng xã hội từ ngày 20/2 (mỗi clip dài khoảng 3 phút) ghi lại cảnh quan hệ của đôi nam nữ trong khách sạn được cho là ở tỉnh Hậu Giang. Đáng chú ý, đoạn clip cho thấy, nhân vật nam giống một lãnh đạo của cơ quan thi hành án dân sự ở Hậu Giang.
Trao đổi với báo chí ngày 26/2, ông Cam Quang Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, cơ quan này đang xác minh thông tin một cán bộ thi hành án lộ clip “nóng” trên mạng xã hội trên.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết hiện vẫn chưa xác định được người đàn ông trong đoạn clip là ai. Tuy nhiên, qua hình ảnh lan truyền thì nhân vật nam này giống một cán bộ thi hành án trong tỉnh này. Đồng thời cho biết, tuần tới Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy sẽ họp và phân công tiến hành xác minh, thực hiện các bước theo quy định.
Trước đó cũng tại tỉnh Hậu Giang, tháng 8/2018, Uỷ ban kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang đã vào cuộc xác minh và xử lý kỷ luật ông Võ Văn Leo, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, Phó Cục trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang (nghỉ hưu từ ngày 1/8/2018) với hình thức cảnh cáo vì quan hệ bất chính với một phụ nữ đã có gia đình.
Trước khi ông Võ Văn Leo có quyết định nghỉ hưu hơn một tháng, UBKT Tỉnh ủy Hậu Giang có nhận đơn của ông L.T.B. (ngụ thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) tố cáo ông Leo có quan hệ bất chính với vợ của ông. Qua xác minh, với chứng cứ đầy đủ, ông Leo đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình.
Dư luận cho rằng, trường hợp nhân vật chính trong 4 clip “nóng” nghi là của một lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự ở tỉnh Hậu Giang thì dù cán bộ này là ai cũng sẽ bị xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định hiện hành. Bởi hành vi trên đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức lối sống, gây ảnh hưởng xấy đến uy tín của tổ chức Đảng và cơ quan nơi cán bộ này đang công tác hoặc từng công tác, tạo dư luận xấu trong nhân dân.
Nếu là lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự ở tỉnh Hậu Giang, cán bộ này vốn là người am hiểu pháp luật và các quy định Đảng viên không được làm nhưng lại vi phạm một cách nghiêm trọng làm giảm sút uy tín của các cơ quan tư pháp, cán bộ ngành tư pháp, làm giảm sút lòng tin của người dân về công bằng, lẽ phải. Một người có hiểu biết pháp luật lại có lối sống không mẫu mực, suy đồi đạo đức, phẩm chất người cán bộ thì không xứng đáng đứng đầu cơ quan tư pháp hay một cán bộ công chức công tác tại cơ quan này.
Bởi vậy, việc thực hiện hình thức kỷ luật với bị lãnh đạo này là hoàn toàn có căn cứ. Kỷ luật sẽ bao gồm kỷ luật đảng và kỷ luật công chức. Hình thức cao nhất có thể áp dụng là cho ra khỏi đảng và cách chức.
Tại Điều 13 Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật theo hình thức cách chức nếu có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây: Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ; không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng; bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ; Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
Đối với công chức giữ các chức danh tư pháp, việc áp dụng hình thức kỷ luật cách chức được thực hiện theo quy định của Nghị định 34/2011/NĐ-CP và quy định của pháp luật chuyên ngành.
Cụ thể, theo Điều 14 Nghị định 34/2011/NĐ-CP Quy định về hình thức buộc thôi việc. Đây là hình thức kỷ luật nặng nhất, được áp dụng đối với công chức có các hành vi vi phạm pháp luật sau: Bị phạt tù mà không được hưởng án treo; Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị; Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 03 lần liên tiếp; Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
Tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm kỷ luật mà công chức vi phạm bị xử lý bằng các hình thức khác nhau.
Với người lãnh đạo mà không mẫu mực, lối sống suy đồi, vi phạm đạo đức tác phong như vậy thì không xứng đáng đứng đầu cơ quan tư pháp bởi vậy áp dụng hình thức cách chức, luân chuyển công tác là cần thiết. Trường hợp còn nhiều vi phạm khác nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội thì còn có thể áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc.
Ngoài ra còn xem xét hình thức kỷ luật đảng theo quy định của đảng. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi, nguyên nhân, và hậu quả để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Theo Tâm Đức (Kienthuc.net.vn)