Độc quyền xe cứu thương là chủ đề gây tranh cãi trong dư luận suốt nhiều năm qua. Phía phản đối cho rằng, việc cho phép mọi loại xe cứu thương vào bệnh viện đưa đón bệnh nhân là cạnh tranh lành mạnh, là sự lựa chọn của người nhà bệnh nhân. Còn phía ủng hộ cũng có cái lý, rằng nếu để nhiều loại ra cứu thương ra vào tùy tiện sẽ làm mất an ninh, trật tự khu vực khuôn viên bệnh viện. Ai cũng có lý lẽ của mình, tuy nhiên, hành xử thế nào cho văn minh, cho đúng mục tiêu "tất cả vì người bệnh" mới là điều quan trọng nhất.
Những ngày qua, bằng camera giấu kín, phóng viên của VTV đã ghi nhận lại được những hình ảnh về tình trạng độc quyền xe cứu thương tại Bệnh viện Quân y 103 (Hà Đông, Hà Nội). Phóng sự tiêu điểm này được phát sóng trên chương trình Chuyển động 24h 18h30' tối ngày 14/8 đã khiến dư luận bức xúc bởi lối hành xử côn đồ, bạo lực của nhóm người "bảo kê" xe cứu thương tại đây.
Clip: Độc quyền xe cứu thương tại bệnh viện: Nỗi sợ hãi của tài xế và người bệnh - Nguồn: VTV |
Không phải xe cấp cứu của bệnh viện, muốn đón bệnh nhân hoặc nộp tiền hoặc bị đánh
Sau khi nhận điện thoại từ người nhà bệnh nhân, một tài xế đánh thẳng xe cứu thương vào cổng viện Bệnh viện Quân Y 103, quận Hà Đông, Hà Nội. Tài xế chưa kịp mở cửa, một thanh niên bất ngờ xuất hiện, áp sát đầu xe và yêu cầu nộp tiền mới được đón bệnh nhân về.
"Các anh muốn chạy thì em thu triệu rưỡi. Muốn chạy thì chạy, không chạy thì tùy các anh thôi. Còn đi đến chỗ nào các anh biết rồi đấy. Nếu muốn chạy thì đưa đây bọn em 1 triệu rưỡi" - nam thanh niên "ngã giá" với tài xế xe cứu thương ngay tại sân bệnh viện.
Không đưa tiền, tài xế xe cứu thương không được đánh xe vào đón bệnh nhân. Thậm chí, khi bệnh nhân đã được người nhà đẩy xe lăn ra xe, chiếc xe cứu thương cũng không thể ra khỏi cổng bệnh viện vì không nộp tiền.
Bệnh nhân được đón là 1 cụ ông mắc bệnh ung thư, bệnh viện không thể chữa trị nên trả về gia đình. Dưới cái nắng 40 độ C ngay cổng bệnh viện, cụ ông này vẫn phải kiên nhẫn nằm chờ, tình trạng sức khỏe đang yếu đi. Quá sốt ruột, người nhà liên tục cầu xin để được về nhưng một thanh niên vẫn kiên quyết từ chối, không mảy may đoái hoài đến người bệnh đã ung thư giai đoạn cuối.
Qua một hồi "mặc cả", nam thanh niên bảo kê giảm giá cho gia đình bệnh nhân 500 ngàn, chỉ còn phải nộp 1 triệu. Tuy nhiên, chuỗi ngày chữa bệnh cho cha già tại bệnh viện đã khiến những người con kiệt quệ, vét hết tất cả số tiền còn lại trên người được 800 nghìn đưa cho nam thanh niên, vẫn không đủ số tiền phải nộp. Tài xế xe cứu thương cũng đành bất chấp đưa bệnh nhân lên xe.
Những tưởng chuyến xe sẽ ra khỏi viện trong bình yên vô sự, nhưng mọi chuyện diễn ra lại khác. Nam thanh niên đứng ngoài chiếc xe, chửi bới, đe dọa tài xế ngồi bên trong với những lời lẽ côn đồ: "Tha cho nốt lần này thôi nhá, lần sau thì cạch mặt bố mày ra nhá". Vừa nói dứt lời, thanh niên này đấm thẳng vào mặt tài xế xe cứu thương khiến tài xế chảy máu mồm.
Qua nhiều ngày theo dõi, nhóm phóng viên của VTV phát hiện người thanh niên trên cùng một nhóm với khoảng 2-3 người khác thường xuyên thoắt ẩn thoắt hiện trong khuôn viên trước sảnh khoa cấp cứu và khoa khám bệnh. Mỗi khi có xe cứu thương ở nơi khác vào đón bệnh nhân, nhóm thanh niên này lập tức có mặt để ngăn cản, đe dọa và không ngại ngần thẳng tay hành hung tài xế.
Trả 100 triệu để toàn quyền khai thác khuôn viên bệnh viện trong 1 tháng?
Theo những thanh niên bảo kê tại khuôn viên Bệnh viện 103, việc phải trả tiền để ra vào đón bệnh nhân là luật bất thành văn mà tài xế xe cứu thương tuyến tỉnh nào cũng phải biết. Lý do được chính người này tiết lộ: "Anh biết bọn em đầu tư vào đây bao nhiêu tiền mới mua được cái bến này không? Bọn em bỏ ra 100 triệu mua cái bãi của bệnh viện này, thầu 100 triệu 1 tháng, mua cả sảnh luôn".
Thông tin trên được nam thanh niên cho biết, tuy nhiên vẫn cần phải được cơ quan chức năng kiểm chứng, cần thông tin thêm từ chính ban lãnh đạo bệnh viện. Sự việc trả tiền để được toàn quyền khai thác khuôn viên bệnh viện vẫn cần phải tìm hiểu thêm, tuy nhiên điều rõ ràng và có thật, đó chính là nỗi sợ hãi, ám ảnh của tài xế xe cứu thương và người nhà bệnh nhân.
Nỗi ám ảnh của người nhà bệnh nhân và tài xế khi bị "phạt" vì "tội" gọi xe cứu thương bên ngoài
Khi theo dõi sự việc trên, nhiều người thắc mắc tại sao tài xế cùng người nhà bệnh nhân không tìm đến bảo vệ của bệnh viện? Câu trả lời được chia sẻ, là do họ quá sợ hãi và nhút nhát, không thể nghĩ đến việc tìm người giúp đỡ.
Quay trở lại với chiếc xe cứu thương chở bệnh nhân ung thư vừa bị nam thanh niên bắt nộp 1,5 triệu đồng, dù đã ra khỏi cổng bệnh viện, gia đình bệnh nhân vẫn chưa hết hoảng sợ. Điều trị căn bệnh ung thư phổi cho bố kéo dài hơn 1 năm nay vốn đã kiệt quệ, cậu con trai lại phải vét sạch số tiền còn lại là 800 nghìn nộp cho nam thanh niên bảo kê để được đưa bố về vì thứ luật phạt vô lý mà họ đặt ra: "Phạt vì tự ý gọi xe cứu thương bên ngoài đến đón".
Dẫu biết vô lý, nhưng người nhà bệnh nhân vẫn nộp tiền vì muốn tránh rắc rối. Cậu con trai nói: "Người ta bảo không 1 xe nào có thể chở bố em về được. Họ có 4-5 người ở đó nên em nộp phạt cho chắc ăn".
Theo cậu con trai này chia sẻ, tiền gia đình anh gọi xe cứu thương từ ngoài đến đón, cộng với cả tiền "nộp phạt" cho nhóm thanh niên là 4 triệu đồng. Nếu không muốn nộp phạt thì phải gọi xe do nhóm thanh niên kia chỉ định, tuy nhiên giá rất cao, đến 4,5 triệu cho 1 chuyến xe - đắt gấp đôi so với giá gọi xe ngoài.
Còn với những tài xế lái xe cứu thương ngoại tỉnh, dù bị hành hung, đánh chảy máu mồm nhưng vẫn không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù.
"Phải lo giữ tính mạng của mình chứ anh. Lúc đầu nó đánh mình thế, xuống xe nó đánh mình chết, làm sao mà chống cự được" - tài xế xe cứu thương nói.
"Nó dùng tay đánh mình như thế, không nộp tiền không biết lần sau nó đánh mình như nào, có thể bị đâm cũng nên. Bọn nó manh động thì mình phải chịu thôi" - bác sĩ tuyến tỉnh đi cùng xe cứu thương lên tiếng.
Theo phản ánh của nhiều lái xe cứu thương ngoại tỉnh, tình trạng bị cản trở và gây khó khăn mỗi khi đón bệnh nhân tại Bệnh viện Quân y 103 đã diễn ra dai dẳng nhiều năm nay. Thế nên dù có nhận được điện thoại yêu cầu đến đón bệnh nhân tại bệnh viện này, nhiều tài xế xe cứu thương cũng không dám đến chở về.
Hiện sự việc vẫn đang gây bức xúc trong dư luận
Theo Thục Hạnh (Thời Đại)