Clip 'làm tài xế cũng áp lực': Ngoài sự dung tục là thái độ chủ quan chết người

11/05/2024 06:50:04

Trước những hành vi trong loạt clip “làm tài xế cũng áp lực”, nhiều người bức xúc cho rằng điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, phản ánh thái độ chủ quan chết người của tài xế.

Gần đây, mạng xã hội liên tục xuất hiện các clip với nội dung "làm tài xế cũng áp lực", ghi lại tình huống tài xế tham gia giao thông có hành động phản cảm, dung tục, thiếu quan sát khi điều khiển ô tô.

VietNamNet đã phản ánh vấn đề trên và góc độ pháp luật liên quan qua bài viết “Lái xe vi phạm hàng loạt lỗi với clip 'làm tài xế cũng áp lực'”.

Sau bài viết, nhiều bạn đọc đã bày tỏ bức xúc về những hành vi trong các clip và cho rằng, rất dung tục, phản cảm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, thể hiện thái độ chủ quan chết người của tài xế.

Clip 'làm tài xế cũng áp lực': Ngoài sự dung tục là thái độ chủ quan chết người
Tài xế liên tục có cử chỉ thân mật trong khi vẫn điều khiển xe. Ảnh chụp màn hình

Bạn đọc Thanh Hiền nêu ý kiến: “Trong những clip trên, cả tài xế và người ngồi ghế phụ đều thiếu ý thức trách nhiệm. Phải cấm giao xe cho những người này”.

Tương tự, bạn đọc Nguyễn Văn Hai nhấn mạnh, tất cả đều từ ý thức mà ra. Những clip này dù là thật hay dàn dựng để giải trí thì cũng đáng lên án.

Trước việc đại diện Cục CSGT chỉ ra hàng loạt lỗi, trong đó có lỗi không thắt dây an toàn xuất hiện trong các clip, bạn đọc Nguyễn Văn Hai bình luận: “Tôi biết nhiều người không thích thắt dây an toàn, kêu vướng víu khó chịu, hễ tới đoạn nào có công an mới thắt dây an toàn để tránh bị bắt lỗi, bị phạt. Vây nên khi tai nạn xảy ra, hậu quả không thể cứu vãn”.

Một số bạn đọc cho rằng cơ quan chức năng cần xử phạt các tài xế trong loạt clip vì hành vi vi phạm luật giao thông đã rõ ràng. Thậm chí, tình huống tài xế là người dàn dựng, tung clip lên mạng để "câu view" thì cần xử phạt thêm cả hành vi này.

Ở một góc nhìn khác, một số bạn đọc đặt vấn đề về việc một số tài xế tranh thủ "làm việc riêng", thiếu tập trung quan sát trong khi lái xe trên đường phố đông người.

Bạn đọc Hoàng Bách phản ánh: “Tôi thấy chuyện phổ biến hơn là tài xế vừa lái xe vừa buôn điện thoại rất lâu, đầu óc phân tán, lỡ có gì bất ngờ xảy ra trên đường thì không kịp phản xạ, nguy cơ tai nạn rất lớn”.

Trong khi đó, bạn đọc Trọng Khanh cho rằng, trong lúc lái xe, chỉ cần tranh thủ cởi áo khoác, tháo tất, đi giày... cũng có thể dẫn tới tai họa, đằng này còn quay ngang, quay ngửa, thân mật trên ô tô. “Nhiều người chủ quan quá”, bạn đọc này nhận xét.

Một bạn đọc khác nêu tình huống nhiều tài xế chủ quan, nghĩ rằng mình có kinh nghiệm lái tốt, điều khiển xe trên đường vắng, đẹp thì khó xảy ra tai nạn. Nhưng thực tế, việc lái xe gắn với an nguy, sinh mạng của bản thân tài xế và nhiều người khác, một khi xe còn lăn bánh trên đường thì chưa thể nói trước điều gì.

Bạn đọc Tú Nam nhắc lại câu nói “phía sau tay lái là sự sống” để nhấn mạnh vai trò của người lái xe, đồng thời nhắn nhủ “đã ngồi vào ghế lái, phải có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng”.

Còn bạn đọc Trần Ngọc Dương gửi thông điệp tới các tài xế: “Đừng bao giờ quên lái xe là công việc cần sự tập trung cao độ của các giác quan, sự nhanh nhạy và nhịp nhàng trong các phản xạ”.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Dương (giáo viên dạy lái xe hơn 10 năm) cho biết, lái ô tô là công việc lao động nặng nhọc, căng thẳng, thường xuyên phải quan sát và thực hiện các thao tác chính xác. Nếu lơ là, không tập trung hoặc chậm xử lý một chút là có thể xảy ra tai nạn nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội.

“Tài xế phải luôn ý thức rằng đang dùng chung đường với nhiều người khác (người đi bộ, người đi xe đạp hay người đang điều khiển phương tiện cơ giới khác) nên cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông, chấp hành sự điều khiển và chỉ dẫn của người điều khiển giao thông”, ông Dương nhấn mạnh.

Theo Lý Đào (VietNamNet)