Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, chúng tôi có dịp ghé thăm lại Di tích 48 Hàng Ngang, nơi Bác Hồ soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập. Đồng thời, có cơ hội được trò chuyện với Nhà giáo Trịnh Lương, con trai cả doanh nhân Trịnh Văn Bô (chủ nhân ngôi nhà). Qua câu chuyện ông kể, chúng tôi đã có thêm nhiều khám phá thú vị về gia đình vốn là đại tư sản này...
Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô (ảnh trên), gia đình và các hoạt động thời trẻ (Ảnh chụp lại tại triển lãm 48 Hàng Ngang) |
Bỏ cuộc sống nhung lụa để theo cách mạng
Nhắc đến gia đình Doanh nhân Trịnh Văn Bô, nhiều người thường nghĩ ngay đến những đóng góp về tài chính của gia đình ông đối với cách mạng nước nhà. Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ về tiền của, gia đình họ Trịnh này còn chấp nhận mọi gian khổ, từ bỏ cuộc sống giàu sang phú quý để đi theo tiếng gọi của cách mạng.
Kế thừa truyền thống kinh doanh của dòng họ, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ bắt đầu buôn bán tơ lụa, vải vóc từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Cửa hiệu Phúc Lợi của ông bà nổi danh trong giới công thương và là gia đình giàu có nhất nhì Hà thành lúc bấy giờ.
Trong những ngày khí thế cách mạng sục sôi mùa thu 1945 tại Hà Nội, toàn bộ tầng 2 căn nhà 48 Hàng Ngang của ông bà Trịnh Văn Bô được bố trí làm nơi làm việc của Bác Hồ và 15 người trong Thường vụ Trung ương Đảng. Cũng chính tại đây, bản “Tuyên ngôn Độc lập” đã ra đời. Theo nhà giáo Trịnh Lương, giữ gìn sự an toàn của Bác Hồ cùng các cộng sự trong suốt hơn một tháng (24/8 – 27/9/1945) Người ở và làm việc tại số nhà 48 Hàng Ngang mà không hề xảy ra sự cố nào, có thể coi là điều quý giá nhất đối với gia đình ông.
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ hiện sống tại căn biệt thự cổ xưa trên đường Hoàng Diệu (Hà Nội). |
Khi Thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam, ông Trịnh Văn Bô đang công tác trong Chính phủ kháng chiến tại Việt Bắc. “Cậu ấm” Trịnh Lương khi ấy mới 13 tuổi đã cùng bà nội, mẹ và 4 em nhỏ tản cư lên Cao Bằng. Trong suốt cuộc hành trình phải trèo đèo, lội suối, nguy hiểm luôn rình rập thế nhưng bà chủ đài các nơi phồn hoa đô hội, các cậu ấm, cô chiêu đã không hề than vãn nửa lời. “Mẹ tôi thường ngày đi đâu cũng có xe đưa xe đón. Ấy thế mà trải qua hơn một tháng trời đi bộ ròng rã, ăn rau rừng, uống nước suối, tinh thần của bà vẫn rất phấn trấn”, ông Trịnh Lương kể lại khoảng thời gian gian nan nhưng đầy quyết tâm của gia đình mình.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 19/12/1946, bà Minh Hồ vượt chặng đường vài chục cây số từ Hoài Đức (Hà Tây cũ) về Hà Nội lấy áo trấn thủ mà gia đình đặt may để ủng hộ các chiến sĩ cách mạng. Thân gái một mình nhưng bà mẹ 5 con này vẫn gan dạ vượt qua mưa bom bão đạn, lao vào chốn hiểm nguy, đơn giản vì bà biết các binh sĩ đang rất cần số áo ấy. Nhờ đó, các chiến sĩ đã có thêm chiếc áo ấm trong mùa đông Hà Nội quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Khâm phục trước ý chí của một phụ nữ kiên cường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói với bà rằng: “Chị đang sống cuộc sống sung sướng, giàu sang phú quý, trên chăn dưới đệm. Giờ theo cách mạng gian khổ, nguy hiểm đủ bề mà chị vẫn chịu được thì kháng chiến nhất định sẽ thắng lợi”.
Nhà giáo Trịnh Lương nhớ lại những hồi ức 70 năm về trước tại căn nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội. Ảnh: N.Mai |
Theo lời bà Giao Cầm, trong một lần khi cụ Hoàng Thị Minh Hồ đưa khay thức ăn vào mời Bác Hồ, Bác hỏi tên, bà Hồ nói: “Cháu là Trịnh Văn Bô ạ”. Bác bảo: “Chắc Trịnh Văn Bô là tên chú ấy, Bác muốn biết tên cô”. “Dạ, cháu tên là Hoàng Thị Hồ”.
Khi nghe nữ chủ nhà trẻ tuổi đáp, Bác trầm ngâm một lát rồi nói tiếp: “Cháu tuổi trẻ, nhưng có tấm lòng người phụ nữ Việt Nam. Cháu giàu của, lại giàu tình thương người nghèo khó, giúp người hoạt động vì nước. Cháu là người yêu nước, vẹn cả hai vai: đảm đang việc nhà, tham gia việc nước. Cháu rất thông minh, chắc chắn sau này sẽ làm được việc lớn. Cháu nên đệm thêm chữ “Minh” ở sau tên của mình”.
Theo lời “gợi ý” của Bác Hồ, năm 1948, bà Hồ đã chính thức cải tên đệm thành “Minh Hồ” như tên gọi hiện nay để khắc ghi công lao to tớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của nước nhà.
Bằng cả tấm lòng thành với cách mạng, với Bác Hồ, bà Minh Hồ đã hiến căn nhà 48 Hàng Ngang làm di tích lịch sử của đất nước. Tầng 1 xưa kia là cửa hàng, nay là nơi trưng bày hình ảnh, hiện vật về con đường giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tầng 2 gần như được giữ nguyên trạng, thành một chứng tích lịch sử quan trọng: Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đóng góp lớn cho nền tài chính cách mạng non trẻ Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, gia đình Doanh nhân Trịnh Văn Bô đã ủng hộ 8,5 vạn đồng Đông Dương, tương đương 212,5 lượng vàng cho Chính phủ Việt Minh. Sau Cách mạng tháng Tám, gia đình được tiến cử vào Ban vận động “Quỹ Độc lập”. Gia đình Doanh nhân Trịnh Văn Bô đã tiếp tục ủng hộ Quỹ Độc lập 20 vạn đồng Đông Dương, tương đương 500 lượng vàng. Ngoài ra, còn vận động thêm được hơn 1 triệu đồng Đông Dương cho Quỹ. Trong “Tuần lễ Vàng”, ông bà Bô đã đóng góp 103 lượng vàng và vận động ủng hộ thêm trên 1.000 lạng vàng nữa. Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, lúc bấy giờ, toàn bộ ngân khố của Chính phủ Cách mạng Lâm thời chỉ có 1,2 triệu đồng Đông Dương, đa phần không thể lưu thông. Trong khi đó, chỉ riêng gia đình ông bà Trịnh Văn Bô đã ủng hộ cho Chính phủ 5.147 lượng vàng, tương đương với 2 triệu đồng Đông Dương. |