"Ok, chúng tôi đến ngay!"
23 giờ khuya, khi nhiều nhà đã chìm vào giấc ngủ thì chuông điện thoại của Tôn Thất Vũ (18 tuổi), thành viên của nhóm Báo đêm, bỗng vang lên. Đầu dây bên kia là giọng nói run run của một cô gái: "A lô! Anh ơi, xe em bị thủng lốp ở đường biển Nguyễn Tất Thành, nhờ các anh đến giúp với".
"Ok, chúng tôi đến ngay", vừa cúp máy, Vũ cùng các anh em trong nhóm lập tức xách bộ đồ nghề lên đường. Một đêm tình nguyện của nhóm Báo đêm - SOS Đà Nẵng thường bắt đầu như vậy...
Trong cơn mưa tầm tã những ngày đầu tháng 10, vượt hơn 20 km để đến nơi cô gái với chiếc xe xẹp lốp đang ngồi đợi, các thành viên nhanh chóng lấy "đồ nghề" ra để vá.
Hơn 10 phút, xe được vá xong. Cô gái mừng rỡ, cảm ơn rối rít, rồi mở ví lấy tiền trả công. Đặng Ngọc Tiến (23 tuổi), một thành viên trong nhóm xua tay từ chối, kèm theo nụ cười: "Không lấy tiền em ơi. Tụi anh giúp đỡ miễn phí. Mai mốt em nói bạn bè có ai gặp sự cố gì đêm khuya thì nhớ gọi nhóm Báo đêm để được giúp đỡ nhé".
Cảm kích trước hành động nghĩa hiệp của các chàng trai trẻ, bạn Nguyễn Thị Tuyết Nhung (22 tuổi, sinh viên trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) chia sẻ: "Em dắt xe cả đoạn hơn 3 km dưới mưa rồi, kiếm mãi mới được tiệm sửa xe mà người ta lại từ chối nhận. Có lẽ vì tối cuối tuần, lại trời mưa nên quán họ nghỉ ngơi. May được nhóm SOS Đà Nẵng giúp đỡ chứ không biết làm sao về được đến nhà". Chia tay mọi người, Nhung không quên cảm ơn từng thành viên rồi vội vã trở về nhà trọ, nghỉ ngơi để hôm sau đi học.
Bỗng, chuông điện thoại lại reo lên, một người dân báo tin có vụ tai nạn giao thông ở gần cầu Nam Ô (quận Liên Chiểu), cần được giúp đỡ. Vừa cúp máy, thì chuông điện thoại lại tiếp tục reo, lại thêm một người bị hư xe ở đường 2/9 cần giúp đỡ.
"Phải tách nhóm thôi, giờ 2 người qua đường 2/9 vá xe, còn 4 người lên Nam Ô cứu nạn", Trưởng nhóm Lê Ngọc Tuấn Anh (SN 1995), phân công nhiệm vụ.
"Ok"! - cả nhóm đồng thanh rồi trùm vội cái áo mưa tiện lợi đã rách tả tơi và tốc lên đường. Tại hiện trường vụ tai nạn, một người đàn ông trung niên, người sặc mùi rượu, người ướt đẫm, đang nằm ú ớ bên lề đường.
Ngay lập tức, 2 thành viên trong nhóm cởi chiếc áo mưa ra trùm cho nạn nhân, còn Tôn Thất Vũ nhanh chóng lấy đồ sơ cấp cứu ra, cẩn trọng lấy thuốc sát trùng và băng bó lại vết thương đang rướm máu trên đùi nạn nhân. Nhận thấy tai nạn không quá nghiêm trọng, nhóm đã hỏi địa chỉ và đưa nạn nhân về tận nhà trong sự ngỡ ngàng, cảm kích của người dân xung quanh. Lúc đó đã gần 1 giờ sáng.
Tình người lan tỏa
Nhóm Báo đêm đi vào hoạt động từ đầu tháng 5/2019 với 6 thành viên. Họ đều có chung niềm đam mê du lịch bụi, thích khám phá những cung đường. Và trên những chuyến đi ấy, nhiều lần chứng kiến những trường hợp xe bị thủng lốp giữa đèo, giữa đêm khuya mà không có ai hỗ trợ. Từ đó, các chàng trai đã nảy ra ý định thành lập nhóm cứu hộ này. Ban đầu, mục đích là giúp các bạn phượt Bắc – Nam trong cộng đồng biker khi đi qua khu vực đèo Hải Vân. Sau đó, nhóm mở rộng hoạt động cứu hộ xe ở khu vực nội thành và đường Đà Nẵng đi Hội An.
"Do nhóm mình hay đi chơi về khuya, nhiều lần thấy các cô chú lao động đi làm về muộn mà xe lại bị thủng lốp phải dắt bộ. Trong khi đó, những người vá xe lưu động thì thường lấy tiền rất cao, ít nhất cũng 50.000 đồng cho 1 lần vá. Mà số tiền đó đối với những người lao động nghèo thì không hề nhỏ. Do đó, tụi mình quyết định mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp thành phố để giúp đỡ mọi người", Đặng Ngọc Tiến, chia sẻ.
Cứ thế, ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa, khoảng 7 giờ tối, nhóm bạn trẻ này lại cùng nhau tỏa đi khắp các tuyến đường quanh Đà Nẵng để kịp thời hỗ trợ những trường hợp hư xe, tai nạn cần trợ giúp.
Đáng trân quý hơn, các thành viên của nhóm đều là những chàng trai 9X và 10X, mỗi người một hoàn cảnh và họ đều không giàu vật chất nhưng lại rất giàu tình người. Đó là Phan Ngọc Nhân, cậu sinh viên năm 2 trường Đại học Duy Tân. Ban ngày đi học, đêm về chạy grab kiếm thêm thu nhập, nhưng Nhân vẫn nhiệt tình tham gia cùng nhóm để hỗ trợ người gặp nạn.
Đó là Tôn Thất Anh Vũ, cậu nhóc 19 tuổi từng là "người quen" của công an phường vì quậy phá, thậm chí có lúc nghe lời bạn xấu rủ rê, Vũ đã dùng thử ma túy. Thế nhưng, bây giờ lịch trình mỗi ngày của Vũ là ban ngày làm việc ở tiệm sửa xe, tranh thủ học thêm nghề xăm, tối rong ruổi trên khắp các nẻo đường để giúp đỡ người khác.
Khi hỏi về những khó khăn khi làm công việc "không công" này, các bạn trẻ trong nhóm đều cười trừ. Khó khăn lớn nhất có lẽ là từ phía gia đình. Bởi, hầu hết các thành viên đều là con trai một trong nhà nên cha mẹ đều phản đối kịch liệt khi họ bắt đầu công việc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm này.
"Tụi em hầu hết đều là con một trong nhà nên ba má giữ kỹ lắm. Với nữa là ba má sợ tụi em tụ tập chơi bời, lêu lổng buổi đêm. Nhiều khi đang ngủ mà có người gọi hỗ trợ, má hỏi đi đâu thì nói là con ra mua ít đồ rồi về, rồi đi mãi đến tờ mờ sáng mới về. Sau này hoạt động của nhóm được nhiều người biết đến thì gia đình cũng hiểu và động viên tụi em, điều đó khích lệ các thành viên rất nhiều", Tôn Thất Vũ cười tươi, kể.
Do lực lượng mỏng, nên nhóm chia theo khu vực và cử các thành viên phụ trách. Số điện thoại liên hệ của các thành viên được đăng trên trang facebook của nhóm.
"Tuy là có người phụ trách theo khu vực nhưng hầu hết tụi em đều phải chạy khắp, phần vì nhóm chỉ có 2 bộ đồ nghề, phần vì các bạn cũng bận việc riêng nên khi cứ có người gọi nhờ hỗ trợ thì bất kì ở đâu, tụi em cũng sẽ đến", Phan Ngọc Nhân, chia sẻ.
Suốt gần 6 tháng hoạt động, nhóm đã hỗ trợ được hơn 500 trường hợp bị tai nạn, hỏng xe. Mỗi đêm, nếu rảnh rỗi thì chỉ có 2,3 ca cứu hộ, nhưng cũng có đêm cũng gần 20 ca liên tục, khiến các thành viên nhóm chẳng được nghỉ tay.
Theo lời nhóm phó Đặng Ngọc Tiến, nhóm làm việc vì cái tâm nhưng thời gian đầu không ít người đã từ chối nhận lời giúp đỡ của nhóm bởi lẽ không ai tin rằng thời buổi này lại sẵn sàng có người lọ mọ đêm khuya giúp đỡ người khác không công.
Mặt khác, vì cứu hộ miễn phí nên nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của nhóm không bảo đảm. Toàn bộ quỹ hoạt động đều từ mọi người quyên góp, ủng hộ. Cảm kích trước sự giúp đỡ nhiệt tình của nhóm, nhiều người đã gửi tiền hỗ trợ xăng xe. Tuy nhiên, các thành viên quyết định lập một quỹ trên Facebook để công khai. Số tiền ấy, một phần nhóm dùng để mua dụng cụ, đồ đạc phục vụ công việc cứu hộ, phần còn lại để tổ chức các chương trình từ thiện.
Dịp Tết Trung thu vừa qua, nhóm cũng đã tổ chức chương trình Trung thu cho các em nhỏ mồ côi đang sống tại chùa Quang Châu. Trong chương trình, nhóm đã trao 120 phần quà là bánh, kẹo, lồng đèn cho các em nhỏ. Nhóm còn thuê đội lân, tổ chức múa lân vui Trung thu cho các em nhỏ.
"Tất cả tiền hỗ trợ từ mạnh thường quân đều được công khai và sử dụng đúng mục đích. Tụi mình chưa từng lấy một đồng quỹ để dùng cho bản thân. Đó là điều chắc chắn!", Đặng Ngọc Tiến, cam kết.
Tuy khó khăn vậy, nhưng động lực để SOS Đà Nẵng hoạt động đó chính là những lời cảm ơn, những nụ cười ấm áp của người bị nạn. "Dù lời cảm ơn chẳng thể đổi thành tiền, nhưng khiến mình vui và hạnh phúc vì đã giúp đỡ được nhiều người, làm những việc có ích cho xã hội...", Tôn Thất Vũ, tâm sự.
3 giờ sáng, trời vẫn đang mưa réo rắt, chuông điện thoại nhờ hỗ trợ lại reo. Những chàng "báo đêm" tuổi mới mười tám, đôi mươi lại lao đi trong màn đêm để giúp đỡ những người gặp nạn. Đà Nẵng những ngày này cuối Thu trời bắt đầu se lạnh, nhất là càng về khuya. Nhưng đêm nay, đi cùng những chàng trai Báo đêm (SOS Đà Nẵng) này và nhìn những việc họ làm, tự nhiên tôi thấy lòng ấm áp lạ thường.
Theo Hà Nam (Trí Thức Trẻ)