Chuyện tử tế nơi 'rốn lũ' Quảng Bình: Người đàn ông cụt chân nhà cửa tan hoang vẫn theo đoàn cứu trợ đi giúp đỡ người khác

23/10/2020 19:26:22

Nhà cửa chỉ còn là đống đổ nát, vợ và hai con gửi nhờ nhà ngoại tránh lũ. Anh Mệnh, người đàn ông cụt một bàn chân hằng ngày vẫn theo các đoàn xe cứu hộ chỉ đường, phụ giúp mang nhu yếu phẩm đến với bà con vùng lũ.

Trưa 23/10, sau khi cùng đoàn cứu hộ mang đồ ăn, thức uống cứu trợ cho bà con xã An Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Đang di chuyển dọc đường bắt xe xin đi nhờ từ trung tâm huyện Lệ Thủy về nơi nghỉ ngơi, chúng tôi tình cờ gặp anh Nguyễn Văn Mạnh (41 tuổi, trú xã Hồng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ).

Dáng người thấp, da ngăm đen, người đàn ông chỉ còn một bàn chân vui vẻ nói với chúng tôi trên xe: "Anh đi mấy ngày ni rồi, giờ nhà cửa tan hoang có về cũng thế nên đi phụ giúp cứu trợ bà con", nói rồi anh Mạnh đưa chúng tôi về ngôi nhà của anh nằm sâu trong con ngõ ở xã Hồng Thuỷ.

Chuyện tử tế nơi 'rốn lũ' Quảng Bình: Người đàn ông cụt chân nhà cửa tan hoang vẫn theo đoàn cứu trợ đi giúp đỡ người khác
Anh Nguyễn Văn Mạnh (41 tuổi, trú xã Hồng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình).

Sau 4 ngày cơn lũ lịch sử đi qua, con đường làng dẫn vào nhà anh Mạnh, heo, gà chết, trôi khắp nơi. Những tài sản khác như lúa gạo, xe máy, tivi, tủ lạnh sau những ngày ngập chìm trong nước nay người dân mang ra phơi mong mỏi có thể tận dụng để dùng hay chí ít để bán sắt vụn.

Sau những bước chân lội bì bõm dưới nước, thời điểm chúng tôi tìm đến nhà ngôi nhà anh hiện ra trước mắt chỉ còn trơ lại mái ngói đỏ, bốn phía xung quanh bị sập sau trận nước dâng đêm ngày 18. Mọi tài sản và vật nuôi trong nhà đều đã bị nước lũ cuốn trôi hết cả.

Chuyện tử tế nơi 'rốn lũ' Quảng Bình: Người đàn ông cụt chân nhà cửa tan hoang vẫn theo đoàn cứu trợ đi giúp đỡ người khác - 1
Ngôi nhà anh Mạnh hiện ra trước mắt chỉ còn trơ lại mái ngói đỏ, bốn phía xung quanh bị sập sau trận nước dâng đêm ngày 18. Mọi tài sản và vật nuôi trong nhà đều đã bị nước lũ cuốn trôi hết cả.

Chứng kiến cảnh đó anh Mạnh chỉ biết thở dài: "Tối bữa đó mưa to, khi nước dâng làm sập một bức tường tôi đưa vợ và hai con lên nhà ngoại tránh lũ. Còn mình thì ở lại trông coi tài sản xem có vớt vát được gì không, đến khi nước càng dâng cao, sóng to tôi mới chạy khỏi nhà. Giờ thì còn thấy mỗi mái ngói 4 bề đổ sập hết", anh Mạnh chia sẻ.

Anh Mạnh kể, khi 1 bức tường của ngôi nhà anh sập xuống nước lũ dâng rất nhanh và nhấn chìm mọi thứ. Những ngày lũ ăn uống rất khổ cực, mọi tài sản gần như bị nước lũ cuốn trôi hết cả.

Chuyện tử tế nơi 'rốn lũ' Quảng Bình: Người đàn ông cụt chân nhà cửa tan hoang vẫn theo đoàn cứu trợ đi giúp đỡ người khác - 2
Từ hôm nhà đổ sập đến khi nước rút, anh Mạnh ở nhờ nhà hàng xóm rồi cũng xin ăn nhờ cơm luôn. Vợ cùng hai con cũng biết ăn nhờ qua ngày, nước đã rút nhưng không có nhà để về.

Thế rồi, từ hôm nhà đổ sập đến khi nước rút, anh Mạnh ở nhờ nhà hàng xóm rồi cũng xin ăn nhờ cơm luôn. Vợ cùng hai con cũng chỉ biết ăn nhờ qua ngày, nước đã rút nhưng không có nhà để về.

"Những ngày dài sống trong cảnh nước lũ mênh mông, nhà lại không có gia đình tôi sống nhờ vào người thân, bà con hàng xóm. Ai có cho gì thì ăn nấy, món ăn chủ yếu hàng ngày là mì tôm.

Chuyện tử tế nơi 'rốn lũ' Quảng Bình: Người đàn ông cụt chân nhà cửa tan hoang vẫn theo đoàn cứu trợ đi giúp đỡ người khác - 3

Tôi mất một bàn chân trong một lần bị tai nạn nên không đi làm được gì, vợ chồng ở nhà chăn nuôi với làm ruộng. Đợt này vợ mới sinh thằng cu mới được 10 tháng nên cũng không đi làm được mà ở nhà chăm con.

Nhà cửa ông bà để lại nên hai vợ chồng sửa sang rồi làm lụng tiết kiệm đến đâu, sắm đồ đạc trong nhà tới đó. Giờ bao nhiêu tài sản, đồ đạc mất hết, đến cái ti vi mới mua cũng không kịp mang ra ngoài", anh Mạnh nghẹn ngào.

Chuyện tử tế nơi 'rốn lũ' Quảng Bình: Người đàn ông cụt chân nhà cửa tan hoang vẫn theo đoàn cứu trợ đi giúp đỡ người khác - 4
Sau khi phụ giúp đoàn cứu hộ hỗ trợ người dân vùng lũ, anh Mạnh trở về căn nhà tan hoang trên tay cầm đôi giày nhỏ mang về cho cậu con trai 10 tháng tuổi.

Làm người dẫn đường rồi phụ giúp đoàn cứu trợ cho người dân từ sáng. Chiều về anh Mạnh xách trên tay túi quần áo cùng một đôi giày cho cậu con trai nhỏ 10 tháng tuổi ngậm ngùi về lại ngôi nhà đã đổ nát.

"Chừ nhà cửa ri rồi kệ để đó, ngày mai, ngày mốt có đoàn cứu trợ cần phụ giúp thì mình lại lên đường. Cái mong muốn nhất hiện giờ là có tiền để dựng lại nhà đón vợ con về chứ không đi ở nhờ mãi được", anh Mạnh tâm sự.

Chuyện tử tế nơi 'rốn lũ' Quảng Bình: Người đàn ông cụt chân nhà cửa tan hoang vẫn theo đoàn cứu trợ đi giúp đỡ người khác - 5
Người đàn ông cụt 1 bàn chân dù nhà cửa tan hoang vẫn nhiệt tình hỗ trợ đoàn cứu hộ giúp dân.

Là một trong số nhiều đoàn cứu trợ từ nhiều địa phương cùng hướng về miền Trung sau cơn lũ lịch sử, anh Phong (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) cho biết, giữa đoàn cứu trợ của anh và anh Mạnh tuy không quen biết nhưng rồi tất cả vì bà con vùng lũ họ bỗng trở thành bạn đồng hành suốt mấy ngày qua.

"Tôi được người quen bảo xuống tới Lệ Thủy thì nhờ người dân ở đó dẫn đường, may sao gặp được anh Mạnh rồi 3 anh em đồng hành với nhau cho đến giờ. Ban đầu chúng tôi gặp, cho đồ anh còn không lấy.

Không nghĩ nhà cửa anh Mạnh như thế mà còn nhiệt đình đi cùng chúng tôi cả ngày để phát đồ cho bà con vùng lũ. Về đến đây mới thấy người dân ở đây tình cảm", anh Phong cho biết.

Chuyện tử tế nơi 'rốn lũ' Quảng Bình: Người đàn ông cụt chân nhà cửa tan hoang vẫn theo đoàn cứu trợ đi giúp đỡ người khác - 6
Anh Phong (giữa), ngạc nhiên về người đàn ông tên Mạnh dù nhà cửa tan hoang vẫn nhiệt tình đi hỗ trợ đoàn cứu hộ của anh.

Chia sẻ về câu chuyện khi đi cứu trợ, anh Phong cho biết dù mình mang nhiều đồ ăn, thức uống quần áo... theo tuy nhiên nhiều lúc thương người dân cho hết đồ, đến khi quá bữa không còn gì ăn thì chính mình lại phải đi xin đoàn khác.

"Bộ đồ này tôi mặc 3 ngày nay còn chưa thay, có hôm phát hết đồ anh em không còn gì ăn lại phải đi xin. Mình từ cứu trợ thành người đi xin ăn", anh Phong cười.

Chuyện tử tế nơi 'rốn lũ' Quảng Bình: Người đàn ông cụt chân nhà cửa tan hoang vẫn theo đoàn cứu trợ đi giúp đỡ người khác - 7
Những ngôi nhà tan hoang sau cơn lũ lịch sử ở Quảng Bình.

Theo chia sẻ của anh Phong, dù việc cứu trợ có chút vất vả nhưng khi nghĩ đến những người dân họ đang chới với trong vùng nước lũ, chờ đợi được hỗ trợ lại khiến anh thêm động lực tiếp tục công việc.

"Đi vào sâu bên trong những nơi bị ngập, có những người họ nói hai ba ngày chưa ăn, cầm hộp cơm mà run run, có những người mất trắng tài sản ngồi thất thần. Thấy cảnh đó thôi mình đã không cầm lòng lại được", anh Phong chia sẻ.

Theo Gia Đoàn (Pháp luật & Bạn đọc)

Nổi bật