Những ngày cuối năm, ông Hoàng Văn Đạt (Hạ Hòa, Phú Thọ) tất bật với công việc “đền ơn đáp nghĩa”. Ông cho biết, cuộc sống của ông còn khó khăn nhưng cuối năm là lúc các gia đình làm “việc âm việc dương” như bốc mộ, vì thế ông phải thu xếp lo công việc gia đình và hàng xóm sao cho phù hợp.
Theo lời kể của ông Đạt, trong tháng 11 Âm lịch năm 2018, ông bốc hơn chục ngôi mộ và không hề gặp chút khó khăn nào. Nhưng những người “đồng nghiệp” của ông gặp không ít những trắc trở.
Đó là câu chuyện của những người đã mất được chục năm khi sang cát cơ thể chưa tiêu hết. Lúc đó, cả người nhà và người bốc mộ phải thống nhất với nhau thuê xe mang đi thiêu ở nhà hỏa táng.
“Dù tôi chưa gặp trường hợp như vậy, nhưng trong quá trình đi cải mả tôi đã gặp những trường hợp bốc lên phải dùng lẹm nứa hoặc dóc từng thớ thịt cho sạch để an táng người đã khuất”, ông Đạt nói.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Nô En (Quản lý Đài hóa thân hòa vũ, Công viên Thiên Đức – Phù Ninh, Phú Thọ) cho biết, anh đã gặp không ít những trường hợp khi hung táng nhưng chưa tiêu hết phải mang đến lò hỏa thiêu để làm sạch.
“Những trường hợp đó là bất khả kháng, chúng tôi vẫn phải làm khi họ mang đến chứ không nề hà gì. Thậm chí có trường hợp khi đến quấn chăn cuốn chiếu, cũng có những trường hợp khi mang đến vẫn còn nguyên áo quan. Đó là việc tâm linh nên chúng tôi vẫn phải làm”, anh Nô En chia sẻ.
Theo ông Hoàng Văn Đạt, đối với những trường hợp như vậy có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất là do những người tử vong sau quá trình bệnh tật quá lâu phải dùng lượng thuốc nhất định để điều trị. Trong số những loại thuốc đó có những thuốc thuộc chất có hóa học không phân hủy được nên mới xảy ra như vậy.
Trường hợp thứ hai có thể do ánh sáng, do một vấn đề nào đó nên có thể sẽ phân hủy lâu hơn, tuy nhiên, điều đó rất khó giải thích.
Ông Đạt cho rằng, trong thời đại ngày nay tốt nhất các gia đình nên đi hỏa táng vừa để đảm bảo môi trường, vừa để không ảnh hưởng đến những gia đình khác. “Hỏa táng hiện giờ theo tôi được biết có nhiều phương thức, có thể lấy nguyên cốt tro hoặc lấy được cả xương nên tôi nghĩ các gia đình khi có người quá cố thì cho đi hỏa táng để làm sao tiện lợi nhất cho cả gia đình và xã hội”, ông Đạt chia sẻ.
Cũng theo người đàn ông này, ông cũng không muốn truyền nghề cho ai vì đây là công việc của những thế hệ xa xưa. Còn hiện nay trong cuộc sống hiện đại, mọi người nên áp dụng những tiến bộ để không mất thời gian công sức.
Đồng quan điểm trên, anh Nguyễn Nô En chia sẻ tại Đài hóa thân hoàn vũ luôn phục vụ người dân bất cứ lúc nào và trong bất kể trường hợp nào. Kể cả những trường hợp hung táng chưa tiêu hết hay tai nạn giao thông và những trường hợp trôi sông do đuối nước nhiều ngày.
Theo Lê Phương (Khampha.vn)