Sau khoảng 20 ngày điều trị tại 3 bệnh viện dã chiến, cả gia đình đều âm tính với SARS-CoV-2 và trở về nhà, anh Đào Anh Tuấn, quận 2, TP.HCM, vẫn không hiểu vì sao 6 thành viên gồm bố mẹ, anh, vợ chồng em gái và cháu trai 20 tháng tuổi cùng mắc Covid-19.
Do bố mẹ trên 65 tuổi, nhiều bệnh nền nên mọi người đều hạn chế ra ngoài. 3 tháng nay, họ không ra khỏi khu dân cư, chỉ xuống siêu thị ngay dưới tòa nhà để mua đồ. Chung cư tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho cư dân, vì sợ tập trung đông người và nguy cơ lây nhiễm nên gia đình anh không tham gia.
Cả gia đình mắc Covid-19
Sáng 29/7, bố anh Tuấn kêu có cảm giác lạnh. Mọi người nghĩ rằng ông có thể bị cảm lạnh do nằm điều hòa. Hôm sau, ông vẫn nấu cơm, đút thức ăn cho cháu trai Tony (20 tháng tuổi) như mọi khi. Đến tối, ông bắt đầu sốt, dù đã uống thuốc hạ sốt nhưng cảm giác mệt vẫn rõ rệt.
Ngày 1/8, mẹ anh xuất hiện dấu hiệu sốt và khó chịu. Bố anh lại nói đã khỏe, bình thường, đòi đi tiêm vaccine. Lúc này, cả nhà nghĩ ông bà đã mắc Covid-19, bắt đầu đeo khẩu trang dù ở trong nhà và không đưa ông đi tiêm vì sợ lây cho người khác.
Ngày sau, anh Tuấn, em gái và bé Tony có cảm giác ớn lạnh trong người, sợ gió. Đến tối, cả nhà đều sốt. Chỉ mỗi người em rể tên Thịnh không có biểu hiện gì, nên cứ khoảng 30 phút có nhiệm vụ đo nhiệt độ cho mọi người.
"Ai nhiệt độ cao quá thì cách 4-6 tiếng uống hạ sốt, cảm giác dễ chịu được một lúc, nhưng triệu chứng trong người vẫn nguyên", anh Tuấn kể. Trong nhà có sẵn gừng và sả, nên mọi người nấu nước xông liên tục.
Anh Thịnh đặt mua test nhanh, phát hiện cả 6 thành viên đều dương tính với SARS-CoV-2. Gia đình sau đó báo với Ban quản lý chung cư, liên hệ y tế phường xét nghiệm lại lần nữa, chiều hôm đó, họ được đưa đi cách ly.
Nhiều câu hỏi xuất hiện trong đầu từng thành viên, "sẽ được điều trị ở đâu?", "cần mang những gì theo?", "mọi người có được ở với nhau không?". Rồi chiếc xe tải nhỏ cũng đến, chở gia đình anh Tuấn cùng 3-4 gia đình khác, đến trường cấp 2 cách nhà khoảng 3km - nơi được trưng dụng thu dung điều trị F0 qua test nhanh.
"Mình không bao giờ nghĩ đến một ngày "được" ngồi trên xe ưu tiên, mui trần, đi đến đâu còi hú vang đến đó", anh Tuấn nhớ lại.
Trải nghiệm hơn 2 tuần phiêu lưu như "nhập ngũ"
6 người trong gia đình anh Tuấn được ở chung trong một lớp học, ngoài mấy bộ bàn ghế, còn có quạt điện. Phòng vệ sinh dùng chung cả dãy. Khi nhận phòng, họ cùng lau dọn vệ sinh vì có bệnh nhân Covid-19 trước đó từng ở, nay trở nặng được chuyển lên tuyến trên. Họ dùng tấm phông bạt sự kiện được Ban quản lý khu cách ly cho mượn tạm, trải xuống nền đất nằm ngủ.
Trong 4 ngày, cả gia đình tự chăm sóc nhau, động viên "coi như 2 tuần đi nhập ngũ". Anh Tuấn nhớ lại đêm đầu tiên thật khủng khiếp. Bố mẹ anh tiếp tục sốt cao, đặc biệt là mẹ. Cơ thể bà trải qua cảm giác nóng lạnh thất thường, được các con lấy khăn ướt lau người, xoa bóp chân tay. Sau hơn một tiếng uống thuốc hạ sốt, bà cũng giảm nhiệt độ.
"Mẹ vừa giảm sốt được lúc thì bố sốt cao. Bố đỡ sốt, thì lại đến cơn sốt của mẹ, cứ lần lượt như vậy đến hết đêm. Những lúc như này nếu không có người thân bên cạnh thì thật nguy hiểm", anh nói.
Ngày thứ 2, người bé Tony đầy những nốt sưng đỏ vì nằm dưới nền đất, đêm qua nhiều muỗi và dĩn. Cả nhà cùng ra sân trường phơi nắng. Sốt nhiều khiến vị giác, khứu giác của họ mất hẳn. Không ai còn ngửi thấy mùi vị dù bôi dầu gió ngay sát mũi. Mỗi khi ăn cơm, họ cảm giác như đang nhai "rơm", vừa khó ăn vừa buồn nôn. Nhìn những hộp cơm, mà trên đó có dán chữ "hộp cơm tình thương", lòng không cầm được, mọi người cố gắng nhai và nuốt.
"Với những người mắc Covid-19 thì lúc này cần nhất là năng lượng nhưng không thể ăn nổi thì lấy đâu sức đề kháng. Mẹ còn pha thêm nước lọc vào cháo để dễ nuốt, nhưng cũng chỉ ăn được một phần nhỏ", anh Tuấn kể.
Bạn bè, người thân tiếp tế một ít đồ đạc cần thiết, quan trọng nhất là cái màn, để em bé không sợ bị muỗi đốt ban đêm. Bé Tony bắt đầu hết sốt, nhưng cả nhà đêm xuống lại "thi nhau" sốt, phải tự chăm sóc nhau, từ đun nước để xông, hòa nước chanh mật ong, lau người hay đo nhiệt độ.
Ngày thứ 3, anh Thịnh sốt cao từ 2h chiều, có lúc lên đến 41 độ C, dù những ngày trước không có triệu chứng. Anh uống thuốc hạ sốt hay lau người cũng không thuyên giảm, cả nhà đều lo lắng. Mãi đến 18h tối, cơn sốt mới dứt, cơ thể thoát mồ hôi và giảm nhiệt, nhưng đêm hôm đó vẫn xấp xỉ mức 39,5 độ C.
Hôm sau, cả nhà được test PCR, buổi chiều mẹ anh Tuấn sốt nhiều hơn. Y tế phường xuống đo SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại biên), mới biết tình trạng bà trở nặng do có nhiều bệnh nền, được chuyển lên Bệnh viện Dã chiến số 8. Anh Tuấn xin đi cùng chăm sóc mẹ, nhưng không được. Hai ngày sau, bà phải hỗ trợ thở bằng oxy.
Đến ngày thứ 5, những người còn lại được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến số 10 - chuyên điều trị bệnh nhân nhẹ và không triệu chứng. Do tuổi cao, bố anh Tuấn không được nhập viện, phải quay về trường học chờ thêm 2 ngày nữa, mới được sắp xếp chuyển lên khu điều trị Covid-19 của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Ngày thứ 7, anh Tuấn được chuyển sang cùng phòng và bệnh viện với mẹ. Lúc chuyển đồ từ Bệnh viện dã chiến số 10 qua bệnh viện số 8, anh gần như kiệt sức vì mấy ngày qua không ăn được gì.
"Nhưng khi lên đến cầu thang nhìn thấy một em gái mặc bộ đồ bảo hộ màu trắng ngồi bệt xuống nền trước cửa cầu thang, đợi để hướng dẫn mình về phòng, mình hiểu được phần nào vất vả của những người phải trực và phục vụ ở đây. Có lẽ mình chỉ ở đây vài ngày, nhưng họ không biết khi nào được về nhà. Do đó, mỗi lần dù cơm có đến muộn, khô hoặc nhão quá, mình cũng cố gắng phải ăn được nhiều nhất có thể", anh nói.
Thời điểm này, mẹ anh bớt sốt, chuyển sang ho nhiều, mệt mỏi, khó thở và đi tiểu rất nhiều. Có người nhà cùng điều trị nên tinh thần bà khá lên, các triệu chứng bệnh giảm được một phần. Tuy nhiên, đến ngày thứ 10, trong lúc đi vệ sinh, bà bị ngã, mắt lờ đờ. Do mẹ có tiền sử bị loãng xương nên anh Tuấn không dám đỡ bà dậy, vội gọi bác sĩ khám và cho thuốc giảm đau. 2 ngày sau, bà không thể tự đứng lên, luôn kêu đau và không đi vệ sinh được, con trai luôn phải dìu mẹ.
Ngày 17/8, hai mẹ con anh Tuấn được xuất viện về nhà sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Trước đó, gia đình em gái cũng đã được công bố khỏi bệnh. Bố anh vẫn điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, sức khỏe tốt lên nhiều, đến chiều 25/8 cũng đã được đoàn tụ với gia đình.
Cả nhà dần trở lại cuộc sống bình thường, ăn uống thậm chí còn nhiều hơn trước khi mắc Covid-19. Dù nhiều ngày điều trị sút đi vài cân nhưng anh Tuấn cảm nhận được gia đình rất may mắn vì đã "chiến thắng" Covid-19.
"Đúng là trải nghiệm hơn 2 tuần cũng phiêu lưu như "nhập ngũ"", anh nói.
"Hãy bình tĩnh, luôn nghĩ rằng mình sẽ chiến thắng Covid-19"
Anh Tuấn nói bản thân đúc rút được một vài bài học từ những ngày bị Covid-19 "hành hạ", rằng bất cứ ai cũng có thể trở thành F0, như gia đình anh, dù đã rất cẩn thận.
Theo anh, mỗi gia đình nên chuẩn bị sẵn một số vật dụng, thuốc men cần thiết như máy đo nhiệt độ, thiết bị đo nồng độ oxy trong máu, thuốc hạ sốt, thuốc ho, thuốc tiêu chảy, nước muối súc miệng và rửa mũi, vitamin C (nhưng không nên quá lạm dụng có thể ảnh hưởng đến thận), gừng, sả dùng để xông.
Nếu không may dương tính và phải đi cách ly, mọi người nên mang đầy đủ đồ dùng thiết yếu.
Nếu trong gia đình, F0 có khả năng tự chăm sóc, thì nên tự cách ly tuyệt đối với những người còn lại. Ngược lại, nếu người đó không có khả năng, như người già, có nhiều bệnh lý nền, thì nhất định phải có một người khỏe mạnh bên cạnh.
Các F0 phải cố gắng ăn. Ăn bất cứ thứ gì cũng được, bởi nếu không sẽ bị kiệt sức, không đủ sức chiến đấu với Covid-19. Dù thức ăn có như rơm, sống hay nhão, F0 cũng phải cố nhai và nuốt.
Người bệnh cũng cần thường xuyên đo nhiệt độ và nồng độ oxy trong máu, súc miệng và rửa mũi hàng ngày.
"Điều cuối cùng, hãy bình tĩnh, luôn nghĩ rằng mình sẽ chiến thắng Covid-19. Dù thế nào cũng không nên quá lo lắng, tâm lý cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến này", anh Tuấn nhắn nhủ.
Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)