Không nơi nào thừa nhận
Hơn 100 cư dân sống tại tòa nhà Đông Đô (ngõ 100 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) dù đã dọn về ở cả năm, nhưng không biết gia đình mình thuộc địa phận phường nào. Nguyên nhân chỉ vì chung cư Đông Đô nằm trên địa bàn 2 phường, 2 quận. Đó là phường Xuân La, quận Tây Hồ và phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.
Chị Nguyễn Bích, cư dân tòa nhà nói: “Chúng tôi lên phường Nghĩa Đô nhưng chính quyền không dám xác nhận rồi chỉ sang phường Xuân La. Tuy nhiên, khi sang đó cũng chỉ nhận được cái lắc đầu vì họ chưa xác định được địa giới hành chính. Vì không ai xác nhận thuộc phường nào nên cả năm nay tôi không xin được học cho con. Gia đình tôi chọn mua dự án thuộc quận Cầu Giấy với mục đích cho con đi học dễ dàng, nhưng cuối cùng con cũng đành phải học trường tư do gia đình không làm được hộ khẩu”.
Còn bác Kim Quý cũng khổ sở vì không chuyển được sinh hoạt Đảng do phường không xác nhận. “Tôi theo con cái chuyển từ Mai Động xuống đây để trông nom cháu. Do không chuyển được sinh hoạt Đảng nên mỗi lần họp tôi phải chạy ngược lên phố”, bác Quý nói. Cũng do sống trong cảnh vô thừa nhận nên cư dân tòa nhà phải chịu điện giá cao gấp đôi so với người dân trong khu vực (3.000 đồng/số điện). “Chúng tôi như bị bỏ rơi giữa Thủ đô hiện đại. Đến quyền công dân tối thiểu về nhân thân cũng không ai dám xác nhận. Vậy khi có sự cố trộm cắp, gây rối trật tự ở toà chung cư, ai sẽ đứng ra bảo vệ cư dân”, một cư dân tòa nhà nói.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Minh Cường, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) cũng cho biết, tòa nhà Đông Đô chỉ có 1/4 thuộc phường Nghĩa Đô. “Đúng ra đất thuộc phường nào, phường đó quản lý. Nếu như 2 tòa nhà khác nhau sẽ dễ quản lý. Đằng này cùng một toà. Có trường hợp cùng một căn hộ nhưng nằm trên 2 phường nên chúng tôi không biết phân chia thế nào. Phường đang chờ UBND thành phố có văn bản giao cho địa bàn phường nào quản lý từ đó mới có căn cứ để làm những thủ tục khác cho cư dân”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, Sở Nội vụ cũng đang xin điều chỉnh địa giới để chung cư Đông Đô thuộc phường Nghĩa Đô quản lý.
Chung cư Đông Đô (Hà Nội) sống bơ vơ giữa Thủ đô vì không phường nào nhận. Ảnh: Duy Bách. |
Xác một nơi, hồn một nẻo
Nhiều năm nay, nhiều người dân tại phố Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa thể đổi sổ đỏ sang quận Cầu Giấy do điều chỉnh địa giới hành chính. Trước đây, khu đất này nằm giáp ranh giữa xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm và phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Hà Nội cũng đã từng tạm giao cho phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy quản lý về mặt hành chính khu đất này. Hàng trăm hộ dân những tưởng được về quận Cầu Giấy, nhưng khi huyện Từ Liêm được tách làm 2 quận, cư dân tại đây bỗng dưng lại thuộc quận Bắc Từ Liêm.
“Khi điều chỉnh địa giới hành chính, cơ quan chức năng đã không tính đến vùng giáp ranh mà Hà Nội đã tạm giao khiến người dân sống trên cùng một mảnh đất nhưng sổ đỏ một địa chỉ và hộ khẩu một địa chỉ khác”, bà Thu Hoa (Trần Cung, Cầu Giấy, Hà Nội) nói.
Đại diện lãnh đạo quận Cầu Giấy cho rằng, trước đây, Hà Nội có tạm giao 10 tổ dân phố tại Cổ Nhuế cho quận Cầu Giấy quản lý, nhưng Thủ tướng có quyết định cao nhất về thay đổi địa giới hành chính. Sau khi lên quận, 10 tổ dân phố này thuộc phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm và mọi giấy tờ về sổ đỏ, hộ khẩu phải theo quận Bắc Từ Liêm.
Tương tự, nhiều hộ dân sinh sống tại xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội cũng rơi vào hoàn cảnh “hồn” Hà Nội, “xác” Lương Sơn khi chưa chuyển đổi được sổ đỏ từ Hòa Bình thành Hà Nội. Việc chậm trễ trong quá trình đổi sổ đỏ khiến người dân bức xúc. Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Chủ tịch huyện Quốc Oai cho biết, vừa qua, thành phố và huyện có chỉ đạo trong năm 2016 sẽ có bản cấp đổi lại đất nông nghiệp của nhân dân Thủ đô, chứ không riêng huyện Quốc Oai. Còn đất ở đến hết 30/6/2017 sẽ cấp hết cho các hộ dân trên địa bàn. Theo ông Quyền, xã Đông Xuân sáp nhập vào huyện Quốc Oai, Hà Nội từ năm 2008. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi thủ tục của người dân về sổ đỏ chậm.
Theo ông Quyền, không có vướng mắc về việc cấp đổi lại sổ đỏ của người dân xã Đồng Xuân. Tuy nhiên, chính người dân cũng không biết đi làm lại sổ gây chậm trễ trong quá trình chuyển đổi.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng, hiện tượng “sống treo” giữa Thủ đô diễn ra nhiều năm khi tách quận, huyện và sáp nhập các vùng vào Hà Nội. Đáng ra, khi làm quy hoạch đô thị, các cơ quan quản lý phải tính đến vùng giáp ranh để cư dân không bị bơ vơ khi bỗng dưng được lên quận. Có không ít những trường hợp bi hài: Ở cùng một nhà nhưng giấy khai sinh của các thành viên trong gia đình với địa chỉ khác nhau. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà còn gây khó khăn trong quá trình quản lý cư dân của địa phương. |
Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)