Ở xã Trung Sơn, theo thống kê của giới chức địa phương, số lượng nam, nữ trong độ tuổi kết hôn là 386 thì nam giới có đến 300 người trong khi nữ chỉ có 86 người.
Thanh niên xã Trung Sơn tụ tập. Ảnh: Người đưa tin. |
Tờ Người đưa tin đã dùng cụm từ "300 trai bản 'tranh nhau' 86 sơn nữ" khi phản ánh về thực trạng này.
"Tôi năm nay đã 30 tuổi rồi nhưng vẫn chưa lấy được vợ. Ở xã rất ít con gái nên cũng lo lắm. Trong xóm còn nhiều người tầm tuổi như tôi chưa lấy được vợ, mà còn có người nhiều tuổi hơn nữa", nguồn trên thuật lại lời một người đàn ông ở xóm Ngọt, xã Trung Sơn.
Việc thanh niên ở Trung Sơn ế vợ đã ở tình trạng báo động. Rất nhiều gia đình có con trai tuổi băm cũng không kiếm nổi một cô vợ.
Thậm chí, tờ Nông nghiệp Việt Nam còn cho hay, không chỉ riêng các thanh niên chưa có công ăn việc làm ổn định ế vợ, mà ngay cả đến cán bộ xã cũng... ế vợ. Đó là tình cảnh của anh Đinh Viết Hùng, cán bộ dân số của xã Trung Sơn.
Anh Hùng ăn học đàng hoàng, có công việc ổn định, ngoại hình khá, lại có tài ăn nói nhưng đến nay vẫn "ế dài".
"Các cụ giục em lấy vợ suốt mà chưa hoàn thành được việc đó. Năm nay, các cụ ra tối hậu thư, từ giờ đến cuối năm, nếu em không kiếm được con dâu cho các cụ thì tự làm nhà ra ở riêng", Hùng nói trên tờ Nông nghiệp VN.
Cũng theo nguồn trên, nguyên do của tình trạng này là do những thiếu nữ hễ chớm đến tuổi lập gia đình thường về xuôi tìm việc làm rồi không về quê nữa. Cùng với đó là do mất cân bằng giới tính ở địa phương càng ngày càng tăng.
Những nơi chung cảnh ngộ
Có một địa phương khác ở Việt Nam cũng từng được phản ánh về tình trạng "trắng gái xuân", con trai cả xã khó lấy vợ - đó là xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Trong một dịp về tận xã Lập Lễ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi đi khắp xã, đâu đâu cũng chỉ thấy bóng dáng đàn ông, thanh niên. Họa hoằn lắm mới có một "bóng hồng". Thậm chí, khi vào quán cà phê buổi tối ở đây, tìm mãi không ra bóng dáng thiếu nữ.
Ở đây, các thiếu nữ khi trưởng thành thì đã được mối lái đi làm dâu xứ người, con trai của xã muốn lấy vợ thì phải đi tìm ở các tỉnh lân cận hoặc tỉnh xa.
Với đặc thù là xã làm nghề biển là nhiều, thanh niên phải bám biển mưu sinh, thời gian đi kiếm vợ không có nhiều cũng là nguyên nhân số lượng thanh niên khó lấy vợ gia tăng.
Một nhóm cô dâu quê Hải Phòng lấy chồng Hàn Quốc. Ảnh: Zing.vn |
Ở Hải Phòng, ngoài xã Lập Lễ thì xã Đại Hợp (Kiến Thụy, Hải Phòng) cũng gặp cảnh tương tự khi thiếu nữ lấy chồng ngoại chiếm đa số.
Một chuyện bi hài không thể không nhắc đến, đó là khi ông Hào (thôn Quần Mục, xã Đại Hợp, Kiến Thụy, Hải Phòng) lên UBND xã "bắt đền" vì đứa con trai duy nhất không lấy được vợ. Sự việc xảy ra năm 2013.
Con trai ông Hào khi đó 35 tuổi, đã chọn ngày dạm ngõ với người yêu, anh đi biển để gom góp tiềm cho đám hỏi, thế nhưng, đột ngột người yêu anh bỏ đi lấy chồng Hàn Quốc.
Dù ông Hào sau đó khuyên bảo nhiều nhưng anh con trai chỉ im lặng, quá lo cho con và bức xúc nên ông Hào lên Ủy ban xã "bắt đền" vì con gái ở xã đi lấy chồng ngoại hết.
Cũng ở Đại Hợp, khi gái làng quá khan hiếm, những trai làng đã "lên phương án bảo vệ gái làng" một cách nghiêm ngặt. Những thanh niên ở làng khác tới sẽ bị... "no đòn".
Theo Thành Công (Soha.vn/Trí thức trẻ)