"Chọi trâu ở Đồ Sơn không phải lễ hội mà chỉ là trò chơi kích thích sự hiếu kỳ của người xem", GS Trần Lâm Biền nói.
Theo GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa, chọi trâu là lễ hội truyền thống của người dân vạn chài vùng biển Đồ Sơn, có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hóa nông nghiệp đồng bằng với văn hóa cư dân ven biển, gắn với nước, mặt trăng và cầu mùa trong sinh hoạt tâm linh của người xưa.
"Tuy nhiên, các hoạt động chọi trâu hiện nay không đáng để gọi là lễ hội truyền thống. Nó quá xa rời bản chất văn hóa đẹp đẽ ông cha tạo ra là cầu cho biển cả êm ả. Người ta đưa nó vượt ra khỏi không gian làng xã và chỉ còn là trò chơi núp bóng lễ hội, kích thích giải trí", GS Biền nói.
Mùa lễ hội 2017 có 32 trâu thi đấu, nhưng phải dừng sau tai nạn trâu số 18 húc chết chủ. Ảnh: Giang Chinh |
GS Biền phân tích, việc tổ chức hoạt động chọi trâu hiện núp dưới góc độ thượng võ, nhưng thực ra là lấy hình ảnh tàn bạo để kích thích tính hiếu kỳ của người xem. "Cần hủy bỏ việc chọi trâu quy mô lớn, bạo lực, chỉ nên duy trì những lễ hội truyền thống trong cấp làng xã", ông đề xuất.
GS.TS Lê Hồng Lý, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu văn hóa, cũng cho rằng chọi trâu ở sân vận động hiện trở nên nguy hiểm khi Ban tổ chức không thể kiểm soát được không gian trâu húc.
“Ở Hải Lựu (Vĩnh Phúc) trước đây tổ chức chọi trâu dưới ao sâu, vì có bùn nên con trâu không thể chạy lồng lên mà chỉ đấu trong đó thôi. Đồ Sơn ngày xưa sân đấu cũng nhỏ chứ không phải ở sân vận động như bây giờ”, ông Lý nói và nhận định hoạt động chọi trâu đang biến thành cuộc đua "cay cú ăn thua", khiến chủ phải gọt sừng trâu để dễ hạ sát đối thủ.
Ông Lý kiến nghị thu hẹp lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn như truyền thống trước đây và không tổ chức bán vé. Người dân có quyền tổ chức lễ hội theo phong tục, nhưng nếu nó diễn ra với quy mô lớn thì rất khó kiểm soát các hoạt động, như xả thịt trâu bán, gọt sừng trâu, cho trâu dùng chất kích thích...
Một số nước châu Âu vẫn giữ lễ hội đấu bò tót truyền thống, thu hút nhiều du khách, dù đã có việc bò húc người. "Điều quan trọng là họ có nhiều biện pháp bảo vệ an toàn cho du khách và duy trì lễ hội lành mạnh", TS Lý nói.
GS Ngô Đức Thịnh, Chủ tịch Hội nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, cho rằng lễ hội chọi trâu đã có thương hiệu, do vậy cơ quan quản lý cần có biện pháp giám sát khâu tổ chức nhằm đảm bảo an toàn, thay vì cấm.
Nên dừng lễ hội liên quan đến động vật
Ông Nguyễn Tam Thanh, cán bộ phúc lợi động vật, Tổ chức động vật châu Á khẳng định, Tổ chức luôn duy trì quan điểm phản đối các lễ hội có sử dụng động vật, bởi những tác động tiêu cực tới xã hội, con người và cả động vật.
“Đó là nơi chen lấn, xô đẩy, tạo ra những tiếng hô hào kích thích tính hung bạo của động vật hoặc một số hành vi tàn bạo khác. Lễ hội liên quan đến động vật còn là nơi tạo sự sợ hại, trơ lì về mặt cảm xúc của những người tham gia, chứng kiến”, ông Thanh nói. Khi tai nạn, chính người trực tiếp tham gia phải chịu thiệt và bị đổ lỗi. Trong khi người tổ chức, đơn vị có trách nhiệm theo dõi, tư vấn mới cần phải xem xét các yếu tố an toàn, tác động tới cộng đồng.
Ông Thanh cho rằng, có nhiều cách để duy trì văn hóa, truyền thống tốt đẹp của người Việt, nhưng chắc chắn không phải qua lễ hội mà động vật bị đối xử tàn ác; hoặc nơi người tham gia chen lấn bon chen nhau. Thực tế, lễ hội sử dụng động vật theo hướng tàn bạo đang bị chính cộng đồng tẩy chay. Nó còn mang hình ảnh tiêu cực, không đúng về Việt Nam với truyền thống nhân văn, yêu hòa bình.
Những pha chọi trâu gay cấn. |
Sau vụ việc trâu húc chết người tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết sẽ tổ chức tham vấn các chuyên gia và cộng đồng để quyết định tổ chức lễ hội chọi trâu hay không. Ngoài ra, người dân sẽ được tuyên truyền, vận động để tổ chức lễ hội một cách hợp lý và đúng văn hóa. Đây chính là phương pháp áp dụng với lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh. Khi được thuyết phục, người dân không chém lợn giữa chỗ đông người mà lui vào chỗ kín đáo hơn.
“Chúng tôi sẽ vận động người dân thu hẹp quy mô lễ hội, thay đổi hình thức, đẩy mạnh giá trị tín ngưỡng tâm linh và văn hóa lên. Lễ hội chọi trâu có hai phần: phần lễ và phần hội. Trong đó, phần hội chọi trâu chỉ là hoạt động phụ chứ không phải chính”, bà Thủy nói.
Trước đó sáng 1/7, tại vòng đấu loại lễ hội chọi trâu quận Đồ Sơn, 32 trâu tham gia 16 trận đấu. Đến trận 14, trâu số 18 húc chủ là ông Đinh Xuân Hướng ngay trong sới chọi khiến nạn nhân tử vong sau nhiều giờ cấp cứu. UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo dừng lễ hội chọi trâu 2017. Con trâu số 18 bị giết để lấy mẫu xét nghiệm tìm có chất kích thích, tăng lực hay không.
Theo Đoàn Loan - Phạm Hương (VnExpress.net)