Ngày 6/1, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, an ninh vẫn làm việc khẩn trương. Sau khi đánh giá, thảo luận, các chuyên gia tại hiện trường đề xuất một số phương án khả thi để nhấc trụ bê tông lên mặt đất.
Phương án dự kiến được các chuyên gia trong nước đồng thuận nhất là sử dụng kết hợp giữa cọc ván thép và ống vách thép trong quá trình làm sạch đất xung quanh trụ bê tông.
Có thể tóm tắt như sau: Cọc ván thép sẽ được đóng xung quanh trụ bê tông tạo thành một bộ khung 4,8m x 4,8m, đất xung quanh trụ được lấy lên bằng gàu xúc (tạm gọi là tầng 1).
Từ đáy tầng 1, dùng ống vách thép đường kính 1,6m đóng xuống đến khi đạt độ sâu của đáy trụ bê tông (tạm gọi là tầng 2) và sau đó đất xung quanh trụ được lấy lên bằng khoan guồng xoắn. Sau khi tiếp cận đáy trụ sẽ dùng hệ thống cáp và cần cẩu nhấc trụ bê tông lên.
UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong chiều và tối nay, lãnh đạo tỉnh và các ngành chuyên môn liên tục xuống hiện trường để nắm tình hình và chỉ đạo triển khai các công việc tiếp theo. Địa phương vẫn duy trì các lực lượng túc trực, an ninh, hậu cần để hỗ trợ tối đa cho lực lượng tại hiện trường.
Phương án trên cũng được quyết định để thực hiện đưa thị thể bé Hạo Nam lên mặt đất.
Như đã thông tin, trưa 31/12/2022, bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp), để nhặt phế liệu. Tại đây, bé Nam không may rơi xuống ống trụ bê tông đường kính 25cm đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m.
Từ đó, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn liên tục tìm mọi cách để giải cứu cháu Nam, nhưng gặp quá nhiều khó khăn. Đến chiều tối 4/1, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thông tin, các cơ quan chức năng tại hiện trường xác định bé trai Thái Lý Hạo Nam đã tử vong.
Vì vậy, hiện nay cơ quan chức năng đang tìm mọi cách đưa thi thể bé lên mặt đất để gia đình lo hậu sự.
Ngoài ra, chiều 5/1, tổ chuyên gia Nhật Bản gồm 8 người đến hiện trường tìm hiểu kỹ càng, tính toán chọn giải pháp tốt nhất để triển khai các công việc tiếp theo.
Theo Hoài Thanh (VietNamNet)