Sáng nay, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, tâm bão Goni (bão số 10) cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 820km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.
Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 180km tính từ tâm bão. Như vậy, so với thời điểm mạnh nhất, giật cấp 17 thì bão số 10 đã giảm 5 cấp, từ siêu bão trở thành cơn bão mạnh.
Dự báo, trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 4 giờ ngày 5/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Cấp độ này so với mức siêu bão đã giảm hơn một nửa.
Lý giải về việc siêu bão Goni khi vào Biển Đông giảm cấp liên tục, thạc sĩ Trương Bá Kiên, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu nhận định, bão số 10 chỉ mạnh trước khi đổ bộ vào Philippines và do hoàn lưu bão số 10 nhỏ nên ma sát với địa hình ở Philippines nên sẽ giảm cường độ.
Khi vào Biển Đông, theo ông Kiên, bão Goni gặp điều kiện không thuận lợi như nhiệt độ bề mặt nước biển (SST) lạnh, không khí khô, hoàn lưu nhỏ cùng với tương tác với bão Atsani phía ngoài nên không có khả năng tái cấu trúc lại hoàn lưu tốt như bão số 9.
"Bão Goni đổi hướng nhiều lần và di chuyển chậm hơn bão số 9 nên khi cập bờ khả năng chỉ có cường độ cấp 8-9, thậm chí suy yếu thành áp thấp nhiệt đới", ông Kiên nhận định.
Còn các chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn cho rằng, nếu so với cơn bão Haiyan năm 2013 (cường độ của mạnh ở mức 125kts, trên cấp 17) thì bão cơn bão Goni (cường độ mạnh nhất lúc 21h ngày 31/10 ở mức 120 kts, cuối cấp 17) vẫn kém hơn.
Tuy nhiên, nếu xét trên các đại dương của thế giới thì bão Goni vẫn là cơn bão mạnh nhất cho đến thời điểm hiện tại của năm 2020.
Giải thích về việc bão Goni giảm cấp nhanh khi vào Biển Đông, các chuyên gia của Trung tâm cho hay, vòng đời của một cơn bão trong vũ trụ thường kéo dài khoảng 6 - 8 ngày và với bão Goni, hiện tại đã ở ngày thứ 5 của sự hình thành.
Trước khi vào Biển Đông, đổ bộ vào Philippines cường độ của bão rất mạnh, bởi đây là giai đoạn bão đang phát triển, trưởng thành. Đến khi vào Biển Đông, bão đã ở giai đoạn thoái hóa, nói cách khác là cuối vòng đời một cơn bão nên cấp độ suy giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, trong những ngày qua, không khí lạnh tăng cường trên đất liền, trên biển ở các tỉnh miền Bắc, Trung nước ta cũng là điều kiện không thuận lợi đối với cơn bão. Cụ thể, điều kiện như vậy, sẽ không còn cung cấp nhiều nhiệt lượng nên bão yếu đi.
Cùng với đó, ở khu vực Đông Dương đang có một khối không khí còn gọi là áp cao cận nhiệt đới ấy. Khi áp cao cận nhiệt đới phát triển lên đến độ cao 5.000m sẽ làm cho độ ẩm ở Biển Đông khá là thấp.
Thời điểm Goni đi vào gặp nhiệt độ thấp, vừa ít ẩm sẽ khiến nguồn nuôi dưỡng cho bão bị cắt đi do đó, bão suy yếu dần.
Dù vậy, theo các chuyên gia, bão Goni vẫn sẽ gây mưa lớn cho các tỉnh miền Trung vào giữa tuần sau, khoảng 4-5/11, vùng trọng tâm ảnh hưởng sẽ là khu vực Trung Trung Bộ, đặc biệt là các tỉnh từ Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Bão Goni (Thiên Nga), hình thành ngoài khơi Philippines từ sáng sớm ngày 29/10. Trong điều kiện khí tượng lý tưởng, Goni nhanh chóng mạnh lên thành cơn bão mạnh nhất thế giới trong mùa bão năm nay. Vào thời điểm mạnh nhất là đêm 31/10, rạng sáng ngày 1/11, bão Goni đạt cuối cấp 17, giật cấp 17.
Chính phủ Philippines đã sơ tán gần 1 triệu người đến nơi an toàn hơn trước khi siêu bão Goni với sức gió 225 km/giờ tiếp cận các tỉnh phía đông và đổ bộ vào Catanduanes và Albay (phía đông nam Luzon) thuộc vùng Bicol lúc 4 giờ 50 sáng 1/11 (tức 3 giờ 50 theo giờ Việt Nam).
Nhà chức trách Philippines cho biết cơn bão Goni đã làm ít nhất 4 người chết, nhiều nơi bị mất điện, hư hỏng cơ sở hạ tầng và xảy ra lũ quét.
Theo Hoàng Đan (Pháp Luật & Bạn Đọc)