Chiều 10/4, Bộ Y tế đã công bố ca bệnh số 257 là bệnh nhân nữ, 15 tuổi, trú tại xóm Hội, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân là học sinh, đang nghỉ học ở nhà, không đi đâu.
Ngày 20/3, BN243 (bạn của bố bệnh nhân) đến nhà chơi và nói chuyện với bố bệnh nhân.
Ngày 8/4, bệnh nhân có biểu hiện sốt, chảy nước mũi. Một ngày sau, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm.
Ngày 10/4, xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Bố bệnh nhân cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Liên quan đến trường hợp này, một số người đã nêu câu hỏi về đường lây nhiễm, khi người bố tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân 243 có kết quả âm tính, nhưng người con gái lại có kết quả dương tính.
Trả lời về vấn đề này, chiều 11/4, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc virus SARS-CoV-2 từ một người có thể lây cho người này, mà không lây cho người kia là điều bình thường.
Ông nói, thực tế cũng đã có những trường hợp tương tự xảy ra ở cả Việt Nam và một số nước.
Phân tích về việc lây nhiễm, PGS.TS Phu nêu, việc virus SARS-CoV-2 lây cho người này, không lây cho người khác còn phụ thuộc vào vấn đề tiếp xúc hay khả năng phòng vệ của người đang lành bệnh.
"Hiện nay, chúng ta đang xác định có 2 đường lây nhiễm:
Thứ nhất: Tiếp xúc trực tiếp, trao đổi, trò chuyển với nhau..., trong quá trình đó, các giọt nước bọt từ người mang virus bắn ra và người lành hít, nhận phải sẽ bị, còn không hít nhận sẽ không bị nhiễm.
Thứ hai: Các giọt nước bọt, virus có rơi, bắn ra, bám trên bề mặt nào đó và một người nào đó, sờ vào rồi đưa lên mắt, mũi miệng thì có khả năng nhiễm bệnh. Nếu không sờ vào đó sẽ không bị.
Thêm vào đó, cũng có trường hợp tiếp xúc với người mang virus nhưng không bị nhiễm, có kết quả xét nghiệm âm tính, là do sức đề kháng của cơ thể họ.
Do đó, không phải tất cả mọi người đều bị lây nhiễm và phải xem rõ hành vi tiếp xúc mới có thể đánh giá được chính xác", PGS.TS Phu phân tích.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, tình hình dịch bệnh như hiện nay đang ở giai đoạn rất nguy hiểm, có sự lây lan trong cộng đồng, ở nhiều nơi chưa tìm được nguồn lan truyền nên người dân cần nâng cao cảnh giác, nâng cao ý thức phòng chống bệnh.
Đối với người dân ở ổ dịch Hạ Lôi (Mê Linh), ông Phu khuyến cáo, mọi người cần khai báo đầy đủ việc tiếp xúc với người nhiễm bệnh, thực hiện nghiêm túc việc cách ly, khoanh vùng dập dịch.
Với người dân nói chung, ông Phu nhấn mạnh mọi người cần nghiêm túc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng về cách ly, giãn cách xã hội, không có việc quá cần thiết thì nên ở nhà, không ra đường.
Dịch đã lan ra cộng đồng, các nguồn bệnh ở nhiều nơi chưa được tìm thấy, đặc biệt có trường hợp dù nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng hay triệu chứng rất nhẹ..., ông Phu lý giải.
PGS.TS Trần Đắc Phu đề nghị người dân không nên tự ý đi đăng ký xét nghiệm hay dùng các loại thuốc được lan truyền trên mạng để uống nhằm phòng chống Covid-19, chỉ thực hiện theo đúng các khuyến cáo, yêu cầu khi cần thiết trong trường hợp nghi ngờ của cơ quan y tế.
Theo Hoàng Đan (Tổ Quốc)