Chuyên gia lý giải nguyên nhân rắn 'thi nhau xuất hiện' ở khu đô thị Linh Đàm

27/08/2018 11:35:15

Theo GS Huỳnh, Linh Đàm là nơi có hồ rộng, ẩm ướt, cây cối um tùm nên rất thích hợp cho việc trú ẩn, sinh sống của một số loại rắn, thậm chí rắn độc như rắn lục, hổ mang.

Chuyên gia lý giải nguyên nhân rắn 'thi nhau xuất hiện' ở khu đô thị Linh Đàm
Hình ảnh một con rắn được người dân bắt vào tháng 4/2018.

Khu Linh Đàm có nhiều điều kiện thuận lợi cho rắn sinh sống

Liên tiếp các vụ rắn xuất hiện và cắn một cháu bé trong công viên ở khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội) đang khiến cho người dân rất lo lắng.

Trao đổi với PV, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh (Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu động vật bò sát, nhất là rắn) cho biết, rắn phân bố rất rộng, không chỉ rừng mà các khu đô thị, khu công nghiệp, vườn nhà... đều có thể có rắn.

Đặc biệt, ở các khu vực ẩm ướt, xung quanh ao hồ rộng, lùm cây um tùm... đều có thể có rắn sinh sống.

Với khu vực xung quanh Linh Đàm, GS Huỳnh nhận định là nơi có ao hồ rộng, ẩm ướt, cây cối um tùm... nên rất thích hợp cho việc trú ẩn, sinh sống của một số loài rắn như rắn nước, thậm chí các loài rắn độc như rắn lục, hổ mang...

Ngoài ra, do khu vực sinh sống có nhiều thay đổi, bị thu hẹp vì nhà cửa xây dựng nhiều ở Linh Đàm nên rắn chuyển về sinh sống cạnh các hang hốc, bụi cây gần con người.

Bên cạnh đó, từ vấn đề biến đổi khí hậu nên thời gian qua tình hình thời tiết có nhiều bất thường như nóng lạnh liên tục cũng khiến rắn xuất hiện nhiều.

Chuyên gia lý giải nguyên nhân rắn 'thi nhau xuất hiện' ở khu đô thị Linh Đàm - 1
Một con rắn bị tổ bảo vệ bắt được hồi tháng 5-2018

"Đặc biệt sau những ngày mưa gió, thời tiết ẩm ướt, rắn thường ra khỏi nơi trú ẩn tìm các con mồi như ếch, nhái, chuột... để ăn và các công viên, khu dân cư cạnh Linh Đàm sẽ thường là nơi có con mồi để chúng ra kiếm ăn.

Cũng cần nói thêm, mùa này được coi là mùa sinh sản, đẻ trứng của một số loài rắn nên chúng thường xuyên xuất hiện ở ngoài.

Trong quá trình chúng xuất hiện, nếu chẳng may, người dân, đặc biệt các cháu nhỏ chơi trong công viên, bãi cỏ không để ý, vô tình giẫm phải hay va chạm thì rắn sẽ tấn công lại, cắn chúng ta", GS Huỳnh nói.

Để hạn chế việc bị rắn tấn công, GS Đặng Huy Huỳnh cho rằng, điều quan trọng nhất là cần dọn dẹp môi trường, phát quang các bụi rậm trong khu vực công viên, đặc biệt ở khu vực Linh Đàm với hệ thống hồ, cây cối um tùm, tránh rắn xuất hiện, cư trú.

Khi cho các cháu nhỏ vào công viên chơi, nhất là buổi tối cần tránh các khu vực bụi rậm, ẩm ướt, các khu vực không có đèn chiếu sáng. Đi ủng, giày cao cổ và quần dài, đặc biệt khi đi trong đêm tối, đội thêm mũ rộng vành nếu đi ở khu vực nhiều cây cỏ.

Khi bị rắn tấn công, cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp sơ cứu cần thiết và đưa nạn nhân vào các bệnh viện, trung tâm chống độc để xử lý kịp thời.

Cách sơ cứu ban đầu khi bị rắn cắn

Theo TS, bác sĩ Lê Xuân Dương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, việc phân biệt rắn độc và rắn không độc nhiều khi rất khó.

Tuy nhiên có thể nhận ra được một số loại rắn độc thường gặp dựa vào các đặc điểm đặc trưng bên ngoài của rắn. Ví dụ, rắn hổ mang khi chuẩn bị tấn công cổ bạnh, phát âm thanh đặc trưng, rắn cạp nong thân mình khúc vàng khúc đen, rắn cạp nia thân mình khúc trắng khúc đen, họ rắn lục đầu to hình thoi hoặc tam giác.

Rắn độc có thường có hai răng độc lớn (còn gọi là móc độc) và thường ở vị trí răng cửa hàm trên, do đó khi cắn thường để lại vết cắn đặc trưng có thể giúp phân biệt rắn độc. Răng độc đóng vai trò như một kim tiêm dưới da hoặc tiêm vào bắp thịt.

Một số loại rắn hổ mang mặc dù ở cách nạn nhân một khoảng cách vẫn có thể phun nọc độc về phía nạn nhân và gây tổn thương mắt, có thể từ đó gây nhiễm độc toàn thân.

Còn theo các bác sĩ của Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, sau khi bị rắn độc cắn cần sơ cứu ngay, tiến hành trước khi vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Có thể nhờ người khác giúp đỡ hoặc do bản thân bệnh nhân tự làm.

Khi gặp người bị rắn cắn, người xung quanh nên động viện bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng. Tuyệt đối không để bệnh nhân tự đi lại (vì vận động nhiều sẽ làm nọc độc di chuyển vào cơ thể nhanh hơn. Bất động chân, tay bị cắn (có thể bằng nẹp).

Để bộ phận có vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim; Cởi các đồ trang sức (nhẫn, vòng) ở vùng bị cắn.

Nếu rắn hổ cắn có thể gây liệt (hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, rắn biển, rắn hổ mang thường) thì áp dụng kỹ thuật băng ép bất động.

Duy trì biện pháp băng ép và bất động, khẩn trương vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất, tốt nhất là bằng ô tô, đồng thời duy trì băng ép, bất động, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.…

Đặc biệt, theo các bác sĩ của BV Bạch Mai, bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.

Không nên sử dụng Garô sơ cứu bệnh nhân bị rắn cắn 

Bác sĩ Lê Xuân Dương cho biết thêm, trong quá trình sơ cứu bệnh nhân bị rắn cắn không nên sử dụng Garô, vì đây là biện pháp làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch.

Bởi nó gây đau và rất nguy hiểm và không thể duy trì lâu (không quá 40 phút), chân tay rất dễ bị thiếu máu. Nhiều trường hợp sau đó phải cắt cụt chân tay vì garô. Ngoài ra khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng garo ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân bị sốc, đe dọa tính mạng.

Bên cạnh đó, không được trích, rạch, trâm, chọc tại vùng vết cắn: các biện pháp này không có lợi ích, gây hại thêm cho bệnh nhân (tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh,... nhiễm trùng nặng thêm).

Việc hút nọc độc sẽ không có lợi ích và việc chườm đá (chườm lạnh) đã được chứng minh có thể gây hại.

Ngoài ra, không sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo sẽ không có ích lợi, khi đắp có thể gây nhiễm trùng, khi uống có thể gây hại cho nạn nhân. Không nên cố gắng bắt hoặc giết rắn còn nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn phải đem cùng với bệnh nhân đến bệnh viện để nhận dạng.

Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)