Nhiều ngày qua, mặt nước ở ven Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ chuyển màu xanh lạ. Tại khu vực mặt nước chuyển màu xanh, xuất hiện cá chết nổi, hoặc có chỗ cá chỉ bơi yếu ớt.
Ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, mặt nước Hồ Gươm, đặc biệt là khu vực ven bờ đang có hiện tượng chuyển thành màu xanh, nổi váng lềnh bềnh,… nhiều nhất là chỗ giáp đường Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay và Lê Thái Tổ.
Nhiều người dân sinh sống quanh khu vực này cho biết, mặt hồ có biểu hiện trên khoảng một tuần nay, mỗi khi trời nắng, gió đưa mùi tanh từ dưới hồ phả lên rất khó ngửi. Nguyên nhân được người dân đồn đoán là hiện tượng nở hoa của tảo độc từng xuất hiện nhiều tại các hồ trên địa bàn thành phố sau khi tiến hành nạo vét.
Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Hà Đình Đức, người có nhiều năm nghiên cứu sinh học và hồ Gươm cho rằng, hiện tượng trên bằng mắt thường không thể đánh giá nguyên nhân được. "Việc này phải để các chuyên gia nghiên cứu lấy mẫu mang về phân tích bằng phương tiện kỹ thuật rõ ràng và có những biện pháp ngăn chặn cụ thể" - PGS.TS Hà Đình Đức nói.
Theo PGS Hà Đình Đức, Hồ Gươm có hai nhóm tảo đặc biệt quan trọng là tảo lục - tảo cho màu xanh của hồ và tảo lam - gần với tảo lục nhưng loại tảo này tiết ra nhiều chất độc gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ. Cho nên muốn giữ được màu xanh của hồ Gươm chính là phải giữ, bảo vệ được tảo lục.
GS.TSKH Dương Đức Tiến – chuyên gia hàng đầu về Ngành Tảo Việt Nam khẳng định: “Hiện tượng dải nước xanh xuất hiện tại Hồ Gươm là do các vi khuẩn lam hay còn gọi là tảo lam bùng nổ”.
Theo GS.TSKH Dương Đức Tiến, đây là loại tảo có chứa độc tố gây hại cho các sinh vật ở hồ, thường phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa giữa mùa Xuân và mùa Hạ
“Thời tiết giao thời giữa mùa Xuân – Hạ làm vi khuẩn lam phát triển theo cấp số nhân hay còn được gọi là hiện tượng tảo nở hoa. Việc vi khuẩn lam phát triển khiến cho màu nước tại hồ không đẹp, làm mất đi vẻ đẹp của hồ. Hơn nữa, Hồ Gươm vừa cải tạo xong không nên để vi khuẩn này phát triển. Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp vớt hết đi để trả lại vẻ đẹp cho Hồ Gươm” – GS.TSKH Dương Đức Tiến nói.
GS.TSKH Dương Đức Tiến khuyến cáo, khi cơ quan chức năng vớt tảo này lên bờ cần cho vào thùng kín chuyển đi nơi khác tiêu hủy, không được đổ bừa bãi lên bờ hoặc ra môi trường, vì để khô loài tảo này sẽ nhờ gió lại phát tán tiếp và có thể gây bệnh cho con người.
Nói về loài tảo đặc hữu ở Hồ Gươm, GS.TSKH Dương Đức Tiến cho rằng, trong Hồ Gươm có hàng trăm loài vi tảo, do đó việc phát triển cần có sự chọn lọc. Đối với những loài đặc hữu thì nên giữ còn loại tảo độc nên loại bỏ.
“Tảo lục là ngành tảo lớn có ở nhiều hồ khác nhưng tại Hồ Gươm, loài này mang tính riêng biệt, không những quý hiếm với Việt Nam mà quý hiếm với thế giới. Tảo này tạo nên màu xanh đặc trưng cho Hồ Gươm. Cũng bởi vì có màu xanh đó nên Hồ Gươm còn được nhiều người gọi với tên là Hồ Lục Thủy, đã có nhà khoa học từng nghiên cứu phát triển để biến loài tảo này thành những nhiên liệu đốt. Do vậy, nếu không bảo vệ tốt thì chúng ta sẽ có lỗi với đời sau” - GS.TSKH Dương Đức Tiến nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại diện công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội lý giải, váng xanh ở Hồ Hoàn Kiếm hiện nay không phải là tảo nở hoa vì hồ đã được làm sạch. Ngày 13.4, công ty Thoát nước Hà Nội đã thả, cấy tảo lục xuống hồ Hoàn Kiếm nhằm tạo màu xanh đặc hữu riêng có của hồ này.
Cụ thể đã có 22 can nước chứa tảo lục nguyên thủy của Hồ Gươm (mỗi can 100 lít) đã được đưa xuống hồ. Những can nước chứa tảo lục này được lấy ở hồ trước khi nạo vét vào dịp cuối năm 2017. Sau khi lấy mẫu tảo lục, công ty nuôi giữ ở phòng thí nghiệm, đảm bảo sinh trưởng tốt khi được thả ra môi trường tự nhiên. Hiện, công ty đang theo dõi, đánh giá để có cách làm hiệu quả hơn trong việc lấy lại màu xanh cho hồ.
Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, cuối năm 2017, TP.Hà Nội thông qua phương án cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm. Theo đí, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã tiến hành nạo vét tổng thể Hồ Gươm với kinh phí khoảng 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để tránh tình trạng cạn nước và ô nhiễm.
Thời gian thực hiện từ đầu tháng 12.2017 đến khoảng đầu tháng 2.2018. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 29 tỷ đồng. Việc thi công triển khai bằng cả cơ giới và thủ công với hàng nghìn mét khối bùn đất được lấy khỏi hồ. Trước khi tiến hành nạo vét, nhiều chuyên gia sinh học đã đưa ra cảnh báo rằng, việc nạo vét nếu không được làm đúng cách sẽ khiến các loài tảo quý hiếm ở Hồ Gươm mất đi.
Theo Hoàng Thanh (Dân Việt)