Khẳng định xe buýt mang lợi nhiều lợi ích kinh tế, môi trường, nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất giảm lượng phương tiện này vào giờ cao điểm trên một số tuyến đường của Hà Nội đi ngược với nhu cầu thực tiễn và quy tắc giao thông thế giới.
TS Thủy phân tích, trong khi các nước đi trước Việt Nam hàng chục năm về phát triển phương tiện công công như xe buýt, tàu điện ngầm... thì hiện Hà Nội với dân số gần 10 triệu mới có hơn 1.000 đầu xe buýt, năng lực vận chuyển chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đi lại. "Rõ ràng đây là một hạn chế lớn, nếu Hà Nội tiếp tục giảm tần suất hoạt động của xe buýt vào giờ cao điểm, khó có thể giải quyết được bài toán ùn tắc nghiêm trọng như hiện nay", ông Thuỷ khuyến cáo.
Hiến kế giải pháp chống ùn tắc hiện nay, TS Thuỷ cho rằng ngoài việc phát triển phương tiện công cộng, Hà Nội cần tăng cường hơn nữa việc quản lý tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, tại các điểm có rào chắn nên thu hẹp lại và dùng rào di động, khi nào cần thi công thì chắn và khi nào nghỉ thì thu lại để lấy đường cho người dân đi.
|
Theo tiến sĩ Xuân Thuỷ, xe buýt là phương tiện vận tải hành khách ưu việt. Ảnh: Bá Đô |
Đồng tình với nhận định trên của TS Thủy, một số chuyên gia về giao thông phân tích thêm, hiện nay xe buýt tại Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung góp phần hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, cải thiện sự đi lại của các tầng lớp dân cư.
Xe buýt cũng giúp giảm mật độ lưu thông phương tiện, tránh hiện tượng ùn tắc những ngày, giờ cao điểm, hạn chế tai nạn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đầu tư mua sắm phương tiện cá nhân, chi phí nhiên liệu, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước trong khoản chi cải tạo, sửa chữa hệ thống đường xuống cấp do có quá nhiều phương tiện cùng tham gia.
"Chính vì vậy việc phát triển xe buýt, vận chuyển hành khách trong nội đô giờ cao điểm để giảm ùn tắc là việc Hà Nội cần làm chứ không phải là hạn chế", vị chuyên gia này khẳng định.
Là cơ quan thường xuyên tham gia điều hành, phân luồng giảm ùn tắc giao thông, ông Trần Đăng Hải, Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, xe buýt là phương tiện vận chuyển công cộng được nhiều người, tần suất hoạt động cao, cơ động... Sở Giao thông nên tạo điều kiện cho loại hình này được hoạt động theo đúng lộ trình.
Ngoài ra, theo ông Hải, nếu trường hợp ùn tắc kéo dài nên bổ sung giải pháp khác, cụ thể như xe con có khả năng vận chuyển thấp nhưng lưu lượng cao nên có thể giảm xe này xuống trong giờ cao điểm, đưa sang các tuyến khác.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Hà Nội), việc giảm tần suất hoạt động, giảm số xe và di chuyển một số xe buýt hoạt động trên tuyến Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Trần Phú, Nguyễn Trãi... sang các tuyến khác về cơ bản không ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của hành khách. Điều này còn giảm áp lực cho các phương tiện khác lưu thông trên tuyến.
Trước đó, tại hội nghị bàn giải pháp chống ùn tắc giao thông của Hà Nội, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đề nghị Sở Giao thông xem xét phương án di chuyển các tuyến xe buýt đi qua các điểm hay xảy ra ùn tắc sang đường khác và giảm tần suất tuyến xe này trong giờ cao điểm.
Khẳng định xe buýt có khả năng vận chuyển cao, tuy nhiên cũng là một trong những tác nhân gây ùn ứ trong giờ cao điểm, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội nhấn mạnh, thời gian tới Sở sẽ giao Trung tâm điều hành giao thông đô thị nghiên cứu, điều chuyển để giảm thiểu lượng xe buýt đi vào giờ cao điểm tại nút trọng điểm.
Ngày 22/10, Sở Giao thông Hà Nội đưa ra phương án điều chuyển xe buýt để chống ùn tắc như sau: Trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Hà Đông đang có 9 tuyến buýt hoạt động, điều chỉnh tần suất của 3 chuyến và điều chỉnh 2 tuyến, cắt ngang không đi trục Nguyễn Trãi. Trên trục Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy - Cầu Giấy (có dự án Metro Nhổn - Ga Hà Nội) hiện có 12 tuyến, điều chỉnh 5 tuyến cắt ngang không đi trục Xuân Thủy - Cầu Giấy, lưu thông vào tuyến đường Nguyễn Phong Sắc - Trần Thái Tông. |