Chuyên gia đề xuất mở rộng TP HCM về hướng Long An

11/10/2018 22:37:41

Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, thành phố cần thêm diện tích để phát triển và giải quyết các thách thức đang gặp.

Chiều 11/10, tại hội thảo khoa học Quản lý đô thị trên địa bàn TP HCM: thực trạng, vấn đề và giải pháp, GS.KTS Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) nói rằng, TP HCM có ý nghĩa lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội nên rất cần nghiên cứu quy hoạch vùng để gắn kết.

"Thành phố có không gian phong phú, vì vậy không thể tách để nghiên cứu riêng mà phải đồng bộ với quy hoạch chung", ông Chính nêu quan điểm. Tuy nhiên, điều đáng ngại là TP HCM đang đối diện với nhiều khó khăn như bùng nổ dân số, hệ thống giao thông công cộng không hoàn chỉnh, cơ sở hạ tầng quá tải, tình trạng ngập, kẹt xe... vẫn còn nghiêm trọng.

Để giải quyết các tồn tại và giúp thành phố phát triển hơn, ông Chính đề nghị Chính phủ, trung ương nghiên cứu phương án mở rộng ranh giới thành phố thêm ít nhất 600 km2.

Chuyên gia đề xuất mở rộng TP HCM về hướng Long An
TP HCM có diện tích 2.096 km2, chiếm 0,6% diện tích và 8,56% dân số của cả nước; đóng góp gần 30% tổng thu ngân sách. Ảnh: Hữu Công

"Không nhà quản lý nào ở thành phố đề xuất chuyện này nhưng dưới góc độ là chuyên gia nghiên cứu độc lập, tôi nghĩ nên như thế. Hướng mở rộng có thể về tỉnh Long An - khu vực sẽ tạo điều kiện cho phía Nam thành phố phát triển tốt", ông nói.

Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, phương án một là: lấy sông Vàm Cỏ Đông làm ranh giới tự nhiên, gồm các huyện Cần Giuộc, Cần Đước và một phần huyện Bến Lức. Khi đó, diện tích thành phố sẽ tăng khoảng 50 km2 với dân số khoảng 370.000-420.000 người.

Phương án hai là lấy sống Vàm Cỏ Đông làm ranh giới tự nhiên, gồm các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc; lấy thêm huyện Cần Đước và một phần huyện Bến Lức với diện tích khoảng 95 ha, dân số khoảng 650.000- 700.000 người.

Phát triển đa tâm để giảm kẹt xe, ngập nước

Trong khi đó, PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường (Viện trưởng Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia - Bộ Xây dựng) cảnh báo tình trạng lún bề mặt đất rất đáng lo ngại ở TP HCM. "Nhiều khu vực ở thành phố đang lún nhanh và không có dấu hiệu dừng lại. Trong 116 tuyến đường thường xuyên bị ngập do triều cường thì có 79 tuyến bị ảnh hưởng do lún mặt đất", ông Cường nói.

Ở một khía cạnh khác, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP HCM Phạm Chánh Trực cho rằng, thành phố đang mâu thuẫn giữa phát triển tập trung và phân tán. Đáng lẽ phải phát triển đa tâm nhưng lại làm ngược lại - tất cả đều hút vào quận 1, 3.

"Việc xây dựng đô thị nén như vậy là sai lầm, nếu không muốn nói là sai lầm nghiêm trọng", ông Trực nói và cho rằng thành phố phải quy hoạch là đô thị đa trung tâm để người dân sinh sống, làm việc, hưởng thụ tại chỗ mà không cần phải đi xa. Khi thực hiện giải pháp đa trung tâm thì bài toán ngập nước, kẹt xe sẽ dễ tính toán hơn nhiều.

Sắp xếp lại, không mở rộng

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, với tốc độ 5 năm TP HCM tăng một triệu dân thì đường đi, nhà ở và hạ tầng không thể đáp ứng kịp. Đây là một bài toán khó cho thành phố.

Thành phố có 5 quận diện tích rất nhỏ. Quận nhỏ nhất khoảng 5 km2, trong khi huyện Cần Giờ rộng đến 704 km2 - chênh nhau hơn 140 lần. Nhưng Cần giờ chỉ có 70.000 dân còn các quận nội thành lên đến 600.000 dân - chênh nhau đến 8,7 lần. 

Chỉ tính riêng hai huyện Cần Giờ, Củ Chi đã có diện tích 1.139 km, dân số 900.000 người. Như vậy, dân số 2 huyện này chiếm 10% nhưng diện tích chiếm 54%. "Mô hình hành chính của thành phố đang cực kỳ phân hóa. Thành phố sẽ không kiến nghị xin thêm đất mà phải tính cách sử dụng cho tốt đất ở hai vùng này. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu những đề xuất của các chuyên gia để góp phần hoàn thiện quy hoạch TP HCM", ông Nhân nói.

Trước đó, phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó bí thư Thường trực Tất Thành Cang bày tỏ mong muốn TP HCM sẽ hình thành các khu đô thị mới văn minh hiện đại, bền vững, tạo thêm nhiều điểm nhấn về không gian kiến trúc cảnh quan.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế như phân loại và số lượng quy hoạch nhiều nhưng thiếu gắn kết do chưa có quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch cấp vùng; trong khi quy hoạch các ngành hạ tầng còn manh mún, thiếu tính tích hợp;...

"Bài toán khó của thành phố chính là nhu cầu về nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng so với khả năng cân đối của ngân sách. Hàng năm, nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư các công trình hạ tầng đô thị chỉ đáp ứng khoảng 22%", ông Cang cho biết.

Theo Thiên Ngôn (VnExpress.net)

Nổi bật