Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.389 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.238 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.151 ca.
Theo CDC Hà Nội, từ ngày 18-20/8, Hà Nội sẽ lấy gần 1 triệu mẫu để xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho khu vực nguy cơ cao và 13 nhóm nguy cơ cao.
Về kết quả lấy mẫu xét nghiệm cho đối tượng nguy cơ cao, người sinh sống trong khu vực nguy cơ, khu vực phong tỏa, tính đến 12h00 trưa nay, toàn thành phố đã lấy được 276.888 mẫu, trong đó có 53.734 mẫu âm tính, các mẫu còn lại đang chờ kết quả.
Cụ thể, toàn thành phố đã lấy 17.778 mẫu ở khu vực phong tỏa, 350 mẫu có kết quả âm tính; 119.912 mẫu ở khu vực nguy cơ, 29.974 mẫu âm tính; 139.198 mẫu là đối tượng nguy cơ, 23.410 mẫu âm tính.
PGS.Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội vẫn đang có những diễn biến phức tạp nhưng Hà Nội đang làm tốt việc kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh. Dù vậy, muốn nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, thành phố vẫn cần sự chung tay rất lớn của người dân thực hiện nghiêm chỉ thị 16 và 5K mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, TP cần phải tăng tốc độ tiêm chủng cho nhóm có đối tượng nguy cơ cao.
Ngày 23/8 tới đây, TP Hà Nội sẽ hết thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Về việc thành phố có nên tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách hay không, PGS Huy Nga cho hay, việc kết thúc hay tiếp tục giãn cách thành phố cần phải cân nhắc rất cẩn thận lợi ích và nguy cơ. Hà Nội cho đến nay vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, do vậy có thể cân nhắc tới việc không nên giãn cách toàn thành phố.
"Thay vào đó, chỉ giãn cách ở những khu vực có dịch. Dù có tiếp tục giãn cách hay không thì điều quan trọng nhất đó là 5K. Không gì bằng việc thực hiện 5K. Chỉ có thực hiện đúng 5K mới cắt đứt được chuỗi lây nhiễm, phòng ngừa dịch bệnh. Việc đeo khẩu trang giữ khoảng cách sẽ khó có thể xảy ra lây nhiễm.
Đối với những khu vực không có dịch sẽ giao trách nhiệm cho từng lãnh đạo địa phương hoặc cơ quan đoàn thể. Nếu địa phương, cơ quan nào để xảy ra dịch bệnh thì sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm", PGS Huy Nga nói.
Theo phân tích của PGS Huy Nga, nguy cơ dịch bệnh tại Hà Nội vẫn còn. Sẽ vẫn có trường hợp dương tính phát hiện trong cộng đồng qua sàng lọc đối tượng nguy cơ cao. Nhưng nếu tất cả người dân thực hiện 5K thì khó có thể trở thành ổ dịch.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần phải tiếp tục giám sát lấy mẫu xét nghiệm những người có các triệu chứng: sốt, ho, viêm phổi, người mệt mỏi không rõ nguyên nhân phải vào bệnh viện khám; giám sát chặt tình hình dịch tại các bệnh viện, phòng khám; nên đưa bản đồ dịch bệnh lên mạng để người dân theo dõi.
"Các cửa hàng ăn uống đông người thời điểm sau 23/8 chưa nên mở lại, như quán bia hơi, quán bar, spa. Đặc biệt giai đoạn 2/9 cũng hạn chế đi lại, giám sát chặt người đi từ vùng dịch về. Các hoạt động xe khách liên tỉnh cũng nên đợi sau 2/9 mới quyết định hoạt động trở lại", PGS Huy Nga đưa ra quan điểm.
Đồng quan điểm với PGS Huy Nga, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội, cho rằng thành phố sẽ tiếp tục giãn cách nhưng ở mức độ khác nhau. Hiện thành phố đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, đặc biệt là 1 tháng giãn cách như "lò xo nén", nếu mở cửa ngay lập tức sẽ bung ra khối lượng đi lại rất lớn.
Việc có tiếp tục giãn cách hay không sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng chắc chắn không thể hoàn toàn mở hết trở lại, có thể sẽ không thực hiện Chỉ thị 16 mà sẽ chuyển sang Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19.
Theo Ngọc Minh (Tổ Quốc)