Tối 7/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết tính từ 6 giờ đến 18 giờ 30 ngày 7/8, Bộ Y tế đã công bố thêm 2.094 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong cả ngày 7/8, TP.HCM ghi nhận 3.930 trường hợp nhiễm mới.
Ngày 6/8, TP.HCM ghi nhận 4.060 ca nhiễm mới. Ngày 5/8, TP.HCM ghi nhận 3.883 ca mắc, ngày 4/8 là 3.300 ca mắc. Trong khi đó, trong đợt đỉnh dịch cuối tháng 7, số ca mắc trong ngày lên tới hơn 6000. Như vậy, nhiều ngày liên tiếp, số ca mắc Covid-19 ở TP.HCM bắt đầu "đi ngang" trong biểu đồ.
Trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, TP đã có 117.906 trường hợp nhiễm Covid-19 được công bố. Tổng số ca xuất viện từ khi dịch bệnh bắt đầu đến 7 giờ ngày 7/8 là 62.106 người.
Theo BS Nguyễn Quốc Thái - BV Bạch Mai đang hỗ trợ TP.HCM chống Covid-19 - cho biết số ca mắc "đi ngang" những ngày qua là thành quả trong suốt tháng 7 của toàn thành phố. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng, càng tuân thủ chống dịch bao nhiêu thì số ca mắc sẽ càng giảm, BS Thái nói.
BS Thái cho biết hiện tại TP.HCM nên tập trung vào nhiệm vụ tăng giường bệnh, đặc biệt là giường bệnh hồi sức tích cực, để cứu những bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.
Đến nay, bệnh Covid-19 vẫn là căn bệnh thách thức ngành y, số ca mắc nhiều thì tỷ lệ tử vong sẽ cao lên. Các nước châu Âu, Mỹ có nguồn lực y tế phát triển cũng phải chấp nhận số ca tử vong do Covid-19 lớn.
Tại Việt Nam, bác sĩ Thái cho rằng, nếu không tuân thủ phòng dịch thì hệ thống y tế sẽ quá sức. Như TP.HCM hiện tại, hệ thống y tế đang không đáp ứng được nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Trong vài ngày tới, khi các bệnh viện hồi sức, dã chiến được xây dựng thêm thì bệnh nhân nặng có cơ hội điều trị tốt hơn, BS Thái nói.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, vấn đề quan trọng để đánh giá về đợt dịch này đó là các cơ quan cần xem xét rõ trong số ca nhiễm mới, tỷ lệ ca nặng là bao nhiêu, nguy cơ trở nặng cao hơn hay thấp hơn đợt dịch trước.
Biểu đồ thống kê ca mắc mới có thể đi ngang là do F0 giờ tự làm test nhanh tại nhà, tự lo cho bản thân, đến khi có dấu hiệu cần can thiệp y tế, họ mới báo cho địa phương.
BS Khanh cho rằng điều quan trọng nhất lúc này để giảm tỉ lệ tử vong là phát hiện các ca F0 có nguy cơ cao, hỗ trợ họ tiếp cận với y tế sớm nhất. Đây là mục tiêu then chốt của công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, BS Khanh cho biết cũng cần rà soát nhanh chóng tiêm vắc xin cho nhóm nguy cơ này.
Các gia đình cũng nên chủ động bảo vệ người thân có yếu tố nguy cơ cao như người béo phì, người trên 65 tuổi, người mang bệnh lý nền khác.
TP.HCM cần xem xét còn bao nhiêu F0 có nguy cơ bệnh nặng ngoài cộng đồng, các bệnh nhân đang ở tầng 5, tầng 4 (trong cấp cứu Covid-19) nhưng cơ quan chính quyền chưa biết. Nếu không nắm được số người F0 trên, lúc người bệnh chuyển nặng sẽ không đủ thời gian đưa họ tới bệnh viện kịp thời.
Theo N.Anh (Tổ Quốc)