Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, thiên tai năm 2023 xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.145 trận thiên tai. Đây cũng là năm bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền.
"Thống kê từ năm 1945 đến nay, đây là năm thứ 3 Việt Nam không có cơn bão đổ bộ vào đất liền. Tuy nhiên, sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân", ông Luận chia sẻ.
Lãnh đạo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai dẫn chứng như đợt mưa lớn đầu tháng 8/2023 tại khu vực miền núi Bắc Bộ làm 17 người chết, mất tích. Sạt lở đất tại nhiều điểm khu vực Tây Nguyên, trong đó nghiêm trọng nhất tại đèo Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng làm 6 người chết, hay mưa lớn, lũ gây ngập lụt diện rộng tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng...
Thống kê cho thấy, trong năm 2023, thiên tai đã làm 169 người chết, mất tích (giảm 3% so với năm 2022). Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng (bằng 42% so với năm 2022).
Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng và Thủy văn – Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, 2023 là năm nóng nhất từ trước đến nay do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu nước khô hạn, mưa lớn ở Trung Bộ… Tần suất xảy ra giông lốc trên đất liền và trên biển cũng nhiều hơn, gây tai nạn với tàu thuyền, ngư dân
Dự báo về thời tiết năm 2024, ông Cường cho biết, hiện tượng El Nino có thể kéo dài đến giữa năm. Sau đó chuyển sang pha trung tính và chuyển sang La Nina (pha lạnh) trong nửa cuối năm. Năm 2024 tiếp tục là năm nóng nhưng không bằng năm 2023.
"Mùa đông năm nay có xu hướng ấm và ẩm hơn. Nửa đầu năm thiên hướng nắng nóng, thiếu nước, hạn hán ở Bắc Bộ, đặc biệt Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Các khu vực này có nguy cơ thiếu nước ngọt, thiếu nước sinh hoạt và thiếu nước sản xuất.
Từ giữa năm đến cuối năm, nhiệt độ có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm, mưa nhiều hơn. Dưới tác động của La Nina (pha lạnh), khả năng bão hoạt động nhiều hơn trên Biển Đông trung bình nhiều năm. Bão có thể không mạnh nhưng mưa do bão lớn hơn, kéo dài ngày, trọng tâm ở khu vực Trung Bộ", ông Cường cho biết.
Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng và Thủy văn đề nghị các bộ ngành địa phương tăng cường truyền thông hướng dẫn các địa phương kiểm tra phòng ngừa hiện tượng thiên tai cực đoan như giông, lốc, gió mạnh trên biển gây thiệt hại tàu thuyền của người dân.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai trong năm 2024 cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai, tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu.
Theo đó, đơn vị cũng cần tham mưu kịp thời để Ban Chỉ đạo chỉ đạo các địa phương sẵn sàng ứng phó thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, đồng thời đề xuất các biện pháp khắc phục khẩn cấp, kịp thời hỗ trợ trung, dài hại cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Theo Dương Hưng (Tiền Phong)