Dù pháp luật chưa công nhận nhưng vì khát khao được sống với giới tính thật, nhiều người đã liều mình để phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
Chấp nhận trả giá
Tại hội thảo nêu trên, nhiều câu chuyện thực tế về hành trình CĐGT đã được chính người trong cuộc chia sẻ.
|
Jessica - Nguyễn Hữu Toàn kể về hành trình chuyển đổi giới tính của mình |
Theo Jessica, khó khăn lớn nhất sau khi chuyển giới là vẫn chưa được pháp luật công nhận giới tính nữ nên cô vẫn phải sử dụng tên khai sinh... Nguyễn Hữu Toàn trong nhiều công việc. “Vì giấy tờ giới tính là nam nhưng bề ngoài là nữ nên mỗi khi đi máy bay, giao dịch ngân hàng, khám nghĩa vụ quân sự…, tôi phải giải thích rất nhiều mới được chấp nhận. Mong xã hội chấp nhận và có luật, có một lối mở cho những người như chúng tôi” - Jessica bày tỏ.
Dù nung nấu ý định thay đổi hình hài “hồn Trương Ba, da hàng thịt” nhưng không ít người cho biết họ phải có nghị lực ghê gớm mới vượt qua nỗi đau đớn về thể xác trong quá trình CĐGT. “Vì khao khát, mơ ước làm con gái nên bao nhiêu đau đớn tôi đều chịu. Ngay cả khi chết, tôi cũng muốn chết trong thân phận là phụ nữ” - một người chuyển giới thổ lộ.
Hải Minh, người chuyển giới từ nữ sang nam cách đây 2 tháng, cho hay anh đã vỡ òa cảm xúc khi được phẫu thuật. “Mong muốn lớn nhất hiện nay của tôi là có cơ sở y tế về chăm sóc và tư vấn cho những người chuyển giới, để chúng tôi được tiếp cận với kiến thức cơ bản nhất về lĩnh vực này, nhằm hạn chế những người theo phong trào muốn CĐGT làm ảnh hưởng tới những người có mong muốn thực sự” - Hải Minh bộc bạch.
Đại diện Trung tâm ICS (tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam) cho rằng điều lo lắng hiện nay đối với người muốn phẫu thuật chuyển giới là phẫu thuật không an toàn, thiếu chăm sóc y tế, hậu phẫu không tốt. Trong khi đó, chi phí phẫu thuật CĐGT ở các bệnh viện (BV) uy tín trên thế giới lại rất cao. Để phẫu thuật chuyển giới từ nữ sang nam tốn khoảng 30.000 USD, từ nam sang nữ khoảng 35.000 USD, chưa kể các dịch vụ khác như liệu pháp hoóc-môn, thay đổi giọng nói, phẫu thuật thẩm mỹ...
Lo tiếp tay cho chuyển giới “chui”
Đại diện Bộ Y tế cho biết cơ quan này đang hoàn thiện bản góp ý dự thảo Bộ Luật Dân sự sửa đổi, trong đó đề cập nội dung thực hiện CĐGT. Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, dự thảo do Quốc hội đưa ra lấy ý kiến có 2 phương án: Không cho phép, không thừa nhận CĐGT tại Việt Nam như lâu nay; trong một số trường hợp đặc biệt thì có thể thực hiện việc CĐGT nhưng phải được cơ quan thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Ông Quang cho biết dù chưa có khảo sát về nhu cầu CĐGT nhưng thực tế cho thấy nhiều người đã chấp nhận các nguy cơ về sức khỏe - như: đau đớn, giảm tuổi thọ, mất khả năng sinh sản... - để được chuyển giới, được sống với chính mình. “Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng khi CĐGT, chấp nhận liệu trình sử dụng hoóc-môn hằng ngày, người chuyển giới đã tự tước đi 20 năm được sống của mình. Ngoài ra, có rất nhiều thiệt thòi khác tác động trực tiếp đến người CĐGT nhưng họ vẫn chấp nhận, vẫn muốn được sống thực với giới tính mong muốn của mình” - ông nói.
Ông Quang cho rằng với người mong muốn được chuyển giới, họ không được sống với giới tính thật của mình và không được sống với giới tính mà mình mong muốn, vô tình xã hội đã gây tổn thương về mặt tâm lý, kéo theo sự kỳ thị và phân biệt đối xử. “Vì thế, tôi cho rằng không thể né tránh, phải nhìn vào quyền lợi của họ, quyền được sống thật với giới tính của họ để pháp luật nên cân nhắc cho phép thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt. Hiện Bộ Y tế chưa có văn bản chính thức đề xuất công nhận chuyển giới nhưng cá nhân tôi nghiêng về phương án cần thừa nhận cho người chuyển giới tại Việt Nam. Thực tế, có cấm thì những người có nguyện vọng vẫn phẫu thuật “chui” để đạt mong muốn” - ông dẫn chứng.
Theo các chuyên gia y tế, đến nay, chuyển giới vẫn là vấn đề phức tạp vì việc CĐGT không chỉ làm thay đổi bề ngoài sinh học mà còn có những thay đổi về mặt tâm lý, xã hội đối với cơ thể và giới tính mới. Do đó, cần có quá trình kiểm tra tâm lý lâu dài, điều trị hoóc-môn nội tiết trước và sau khi phẫu thuật.
“Không loại trừ trường hợp sau khi CĐGT xong, người đó lại muốn quay về giới tính ban đầu vì không thể thích nghi được trong một cơ thể mới và những trở ngại trong chuyện hòa nhập xã hội. Mặt khác, nếu ghi nhận quyền được chuyển giới sẽ kéo theo các phức tạp về mặt pháp lý, đặc biệt là trong quan hệ hôn nhân gia đình” - một chuyên gia lo ngại.
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề CĐGT được nêu ra. Năm 2005, Bộ Y tế từng đưa ra đề xuất này nhưng vì nhiều lý do nên chưa được Quốc hội thông qua. “Hiện trên thế giới chỉ có hơn 20 quốc gia thừa nhận CĐGT, trong đó khu vực châu Á có 5 nước: Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Nepal và Thái Lan” - ông Quang cho biết.
Phẫu thuật không khó nhưng không dám làm!
Trước những lo ngại về phẫu thuật chuyển giới, PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội) - một trong những cơ sở được thực hiện can thiệp y tế xác định lại giới tính, cho biết nhiều BV ở Việt Nam thực hiện được phẫu thuật này. Thời gian qua, những cơ sở được phép xác định lại giới tính đã thực hiện các can thiệp “sửa chữa” bộ phận liên quan đến giới tính bị khiếm khuyết, đồng thời cấp giấy chứng nhận xác định nhân thân cho người đã thực hiện phẫu thuật, làm cơ sở để người đó làm lại các giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, việc phẫu thuật chuyển giới hiện chưa được phép thực hiện.
PGS-TS Trần Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Nhi Việt Nam - một trong những chuyên gia hàng đầu nước ta về phẫu thuật cơ quan sinh dục, khẳng định về mặt y học và kỹ thuật, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện tốt việc chuyển giới. “Hiện chúng ta được thực hiện các kỹ thuật để can thiệp CĐGT cho những người không bị khuyết tật giới tính. Nhiều người đã đến bày tỏ mong muốn phẫu thuật chuyển giới nhưng tôi từ chối, không dám mổ vì nếu thực hiện là sai quy định của pháp luật. Kể cả có nhiều tiền đến mấy cũng không ai dám làm” - ông băn khoăn.
PGS Bích cho rằng với những cơ sở pháp lý và khoa học về vấn đề này, đã đến lúc cần phải quy định vấn đề chuyển giới trong luật; cần nhìn nhận lại tại sao nước ngoài họ làm và nếu chúng ta được phép thì làm đến đâu cho đúng. “Khi vấn đề chuyển giới được pháp luật thừa nhận, những ai được thực hiện, thực hiện như thế nào và giải quyết trường hợp những người đã đi nước ngoài để chuyển giới..., cần phải có nghị định riêng về nội dung này” - ông nhấn mạnh. Các chuyên gia đều cho rằng nếu vấn đề này được thông qua, cần có những quy định chặt chẽ, nhằm tránh hiện tượng CĐGT do tâm lý đua đòi của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
GS-TS Đỗ Kim Sơn, nguyên Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam, cho rằng cần phải có quy định về việc CĐGT vì nếu không quy định thì gần như hủy hoại cuộc đời họ hoặc kéo theo các hệ lụy khác như chuyển giới “chui”. Khi họ chuyển giới trở về lại không được thừa nhận, như vậy khác gì đẩy họ ra khỏi hệ thống quản lý của pháp luật?
Ở Việt Nam, gần 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có, tức là nam nhưng trong suy nghĩ của họ là nữ và ngược lại. Khoảng 500-1.000 người đã ra nước ngoài chuyển giới và trở về Việt Nam sinh song. |
Cuộc sống, sinh hoạt đảo lộn Ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp, cho biết Ban Soạn thảo Bộ Luật Dân sự sửa đổi sẽ nghiên cứu kỹ các ý kiến đóng góp xung quanh việc CĐGT để có lựa chọn đúng đắn. Theo ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực - sau khi phẫu thuật CĐGT, do hình hài đã khác xa so với giấy tờ cá nhân trước đó, những người chuyển giới chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt. Riêng với những trường hợp có quyết định của cơ quan thẩm quyền thì được phép xác định lại giới tính, được thay đổi thông tin cá nhân. “Việc này phải được nhìn dưới góc độ pháp lý trong bối cảnh nhà nước vẫn chưa cho phép hôn nhân đồng giới. Nếu cho phép người CĐGT được thay đổi lại thông tin, hình ảnh trên giấy tờ cá nhân thì họ có thể mang giấy tờ đó đi đăng ký kết hôn. Cứ sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới mà về Việt Nam cho phép thay đổi giấy tờ thì gián tiếp chấp nhận hôn nhân đồng giới mất rồi” - ông Khanh băn khoăn. Ông Khanh nêu quan điểm: Nếu nhà nước coi việc thực hiện chuyển giới là quyền dân sự thì cần quy định trong Bộ Luật Dân sự. Hiện nay, chỉ có Nghị định 158/2005 quy định về việc xác định lại giới tính, trong khi chưa có căn cứ nào khác để cấp lại giấy tờ cho những người chuyển giới. Ngành công an cũng chưa có quy định nào. “Vậy nên, trước đây đã có chuyện Nguyễn Thị A. dù đi phẫu thuật để trở thành nam giới thì vẫn phải là Nguyễn Thị A. thôi” - ông Khanh ví dụ. N.Quyết |