Tự tay nhốt con vào cũi suốt 15 năm dài
Theo lời hướng dẫn của người dân địa phương, men theo con đường ngoằn ngoèo giữa núi rừng Vĩnh Kim (xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An), chúng tôi mới đến ngôi nhà bà Ngân Thị Thường (71 tuổi). Ngôi nhà đã cũ, mốc rêu xanh nằm cô đơn giữa núi rừng. Trong nhà trống hoác không có vật gì đáng giá.
Tìm mãi mới thấy bà Thường đang đứng ở một chiếc cũi rộng chưa đầy 2m2 giữa khu vườn nhà. Ngồi trong cũi là một người đàn ông nhỏ thó, ngơ ngác nhìn ra. Gần 15 năm nay, bà dường như đã quen việc này. Thế nhưng đối với những người khách lạ thì, việc một con người bị nhốt trong cũi là cảnh tượng vô cùng kinh hoàng.
Người đàn ông tóc tai bù xù, trần truồng, chỉ quấn trên người một chiếc chăn mỏng. Người này là Lương Văn Quý (31 tuổi, con trai út bà Thường).
Bà Thường cho biết, con trai mình vốn sinh ra khỏe mạnh, bình thường như 7 người con khác của bà. Một ngày cách đây 15 năm, anh Quý đột nhiên mang chứng hoang tưởng sau một trận ốm. Dù đã đưa con trai mình đi chạy chữa khắp các bệnh viện, rồi vào cả những trại tâm thần nhưng không được.
"Hôm đó vừa ăn cơm xong, Quý nó đột nhiên cầm theo con dao ra ngoài sân tự chặt đứt một ngón tay của mình, vứt ra ngoài vườn rồi hô hoán cả nhà đi tìm giúp mình khiến ai nấy cũng hoảng loạn cả. Sau đó, chúng tôi đưa Quý vào bệnh viện tâm thần chữa trị nhưng cũng không được", bà Thường nhớ lại.
Chàng thanh niên đang khỏe mạnh đột nhiên mang bệnh hoang tưởng nặng, luôn có cảm giác có người theo dõi nên Quý luôn cầm theo dao, côn... phòng thủ bên mình.
Không những nhiều lần bỏ đi khắp nơi khiến gia đình phải tá hỏa đi tìm, anh Quý còn phá phách đồ đạc trong nhà, cầm dao dọa giết các thành viên trong gia đình và những người xung quanh mỗi lúc lên cơn.
Bà Thường rầu rĩ nói, dù đã làm mọi cách nhưng không thành, sau khi bàn bạc gia đình đã buộc lòng phải dựng một chiếc cũi bằng mấy ván gỗ tạm bợ ở phía sau vườn nhà rồi nhốt Quý vào để cậu không thể bỏ đi lang thang và phá phách nữa.
Kể từ đó, Quý chỉ mới ra khỏi chiếc cũi này 1 lần duy nhất vào 5 năm trước khi gia đình phá và làm lại chiếc cũi này.
"Không biết rồi mai mốt tôi chết thì..."
Vào năm 2010, chồng bà Thường bị tai biến phải nằm liệt giường suốt 5 năm rồi mất. Cuộc sống vốn đã vất vả khi chỉ dựa vào mấy vạt rẫy, nay lại phải chạy chữa thuốc thang cho chồng khiến gia đình hoàn toàn kiệt quệ.
Những đứa con của vợ chồng ông bà sau khi khôn lớn cũng dần rời nhà đi làm ăn xa. Giờ chồng đã mất, căn nhà thêm trống trải khi chỉ có một mình bà chăm sóc anh Quý.
Suốt gần 15 năm qua, dường như người mẹ già này chưa có được một giấc ngủ trọn vẹn khi phải luôn canh cánh canh chừng cho cậu con trai nằm cô quạnh một mình ngoài vườn.
Chiếc cũi chỉ rộng chừng 2m2 là nơi sinh hoạt hằng ngày, ăn uống của anh Quý. Nhiều năm qua, không kể mưa gió, mùa đông giá lạnh, người đàn ông này đều không chịu mặc quần áo, chăn màn. Mỗi lần người thân đưa vật dụng gì vào cũng đều bị xé nát...
Tuy nhiên, trừ những lúc lên cơn thì ngoài ra Quý cũng ít la hét và chỉ ngồi yên một chỗ trong chiếc cũi. Thỉnh thoảng, người đàn ông này lại hát những bài hát không đầu, không đuôi suốt cả tiếng đồng hồ.
"Không biết như vậy có phải quá tàn nhẫn không, nhưng sợ nếu thả ra thì Quý nó lại phá, làm hại đến bản thân và mọi người xung quanh thì càng tội hơn. Không biết rồi mai mốt tôi chết thì...", bà Thường nghẹn ngào bỏ dở câu nói khi nhắc đến tương lai của Quý.
Ngồi bên bậc thềm nhà, bà im lặng khi nghĩ về tương lai mơ hồ phía trước. Khi bà ngày một già đi, khi sức khỏe không cho phép nữa thì bà không biết ai sẽ chăm sóc anh Quý, quãng đời còn lại của anh liệu có lúc nào có thể trở về như trước kia.
Khi được hỏi, trưởng bản Lương Văn Thái không khỏi nén cơn thở dài: "Chuyện bà Thường nhốt con vào cũi tất cả mọi người ở đây đều biết. Chẳng ai muốn làm việc đó với con cả, nhưng không còn cách nào khác. Chúng tôi thấy thương vô cùng, nên thỉnh thoảng chạy qua động viên bà Thường. Mỗi năm đến ngày Tết, hay có quà tặng nào của địa phương thì chúng tôi đều ưu tiên cho gia đình bà Thường".
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn cho biết: "Hiện anh Lương Văn Quý đang hưởng chế độ dành cho người tâm thần. Chúng tôi cũng nghe đến việc gia đình có nguyện vọng đưa anh Quý đến trung tâm bảo trợ xã hội, khi nào gia đình quyết định và gửi đơn thì chúng tôi lập tức báo cho phòng LĐ-TB&XH huyện để làm hồ sơ".
Theo Văn Nguyên (Tổ Quốc)