Chuyện chưa kể về những phận đời 'lạc giới': Gia chủ thích 'đám ma vui gấp 3 lần đám cưới'

14/01/2018 09:09:22

Việc thuê những đoàn ca sĩ pê để biểu diễn trong đám tang của một bộ phận người dân Nam Bộ đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

“Ôi vui quá xá là vui”

Nhiều người sẽ mắt tròn mắt dẹt khi chứng kiến không khí sôi động, đầy tiếng cười nói của khách đến viếng, cùng những trò khôi hài thậm chí là lố bịch, phản cảm đến mức không thể chấp nhận của một đám hát pê đê trong một đám tang ở Sài Gòn. Họ sẽ ngạc nhiên đến mức tự hỏi không biết đây là đám ma hay đám cưới.

Chuyện chưa kể về những phận đời 'lạc giới': Gia chủ thích 'đám ma vui gấp 3 lần đám cưới'

Theo quan niệm của đa số người dân, đám tang bắt buộc phải trang nghiêm. Kèn trống không quá cầu kỳ. Người đến thắp nhang viếng cũng phải đi đứng nhẹ nhàng, rón rén. Trang phục màu đen, trắng, kín đáo. Uống với nhau vài chén trà nhạt, chia sẻ buồn đau với gia đình người chết rồi đứng lên ra về, để cho gia chủ có thời gian mà tiếp đón những người khác. Tuy nhiên, ở Sài Gòn nhiều nơi không như thế. Con người nơi đây luôn hoạt bát, cởi mở từ lời ăn, tiếng nói đến cả…đám tang.

Quan niệm “nghĩa cử là nghĩa tận” của nhiều người Sài Gòn khiến cả một khu phố lại được dịp mất ăn, mất ngủ mỗi khi có người chết trong một gia đình ai đó.

Mỗi lần trong khu phố có đám tang, nhiều nhà hàng xóm chỉ biết khóc thầm bởi 12h đêm còn chưa ngủ được bởi tiếng nhạc sôi động thì 3- 4h sáng đã bị kèn trống náo nhiệt dựng dậy. Tiếng cụng ly côm cóp của người đến viếng lễ, tiếng reo hò cổ vũ của những nhóm pê đê được thuê đến hát mướn…

Ban ngày, các ca sĩ pê đê tổ chức nhiều trò múa cột, bikini, biểu diễn kịch… mỗi đám như thế hát hò ca múa triền miên suốt 3-4 ngày liền. Dường như họ hát bất kể giờ giấc, khi thì giữa trưa nắng, khi nửa đêm mà tiếng nhạc vẫn chưa dừng. Tuyệt nhiên không có tiếng khóc thương, chỉ độc tiếng kèn tây bèn bẹt, tiếng nhạc xập xình, ca từ nhãm nhí từ các bản nhạc chế, xen lẫn là tiếng vỗ tay, cạn ly thích thú của khách viếng và cả gia chủ khi thấy ca sĩ nhảy “sung” hơn.

Đám tang nhưng nhạc mà các ca sĩ pê đê biểu diễn thường là nhạc trẻ như: Anh Number One, 60 Năm Cuộc Đời, Em của ngày hôm qua, Vị ngọt đôi môi… Hát nhạc trẻ chán, họ chuyển sang ca cổ, cải lương. Khi hát chán chê, khàn giọng, những màn “lột đồ” đầy khiêu khích bắt đầu xuất hiện trong sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giải.

Anh Hoàng (35 tuổi, ngụ quận 10) cho biết: “Tôi quê ở Thanh Hóa, vào Sài Gòn lập nghiệp đã hơn 10 năm nay. Tôi cảm thấy rất bất ngờ trước phong tục đám ma ở đây. Dường như với họ, đám ma là một dịp để mọi người tranh thủ ăn chơi, giải tỏa căng thẳng. Họ hát hò, nhảy múa, thuê cả một đội pê đê về để diễn văn nghệ với những trò hết sức lố lăng, phản cảm nữa. Những người pê đê đó biểu diễn rất nhiều tiết mục hết sức nhãm nhí, lố bịch và gây khó chịu cho mọi người. Mỗi một lần trong khu phố có đám ma là tất cả mọi người đều than vãn và ngán ngẫm”.

Nỗi niềm của gia chủ

Mỗi vùng miền có những phong tục tập quán khác nhau. Đám ma ở Sài Gòn nói chung và vùng đất Nam Bộ nói riêng đều mang một không khí vui vẻ, nhộn nhịp. Tuy nhiên, những ca sĩ pê đê biểu diễn những trò quá lố bịch và phản cảm trong quá trình diễn ra tang lễ với sự ưng thuận của gia chủ liệu có phù hợp hay không?

Chuyện chưa kể về những phận đời 'lạc giới': Gia chủ thích 'đám ma vui gấp 3 lần đám cưới' - 1

Anh Nguyễn Anh Tài (40 tuổi, ngụ quận 5) chia sẻ: “Ba tôi vừa qua đời cách đây một tháng. Trong đám tang của cụ, tôi cũng có mời đội kèn Tây và một đoàn pê đê về biểu diễn. Tôi biết mọi người đều cho hành vi đó là phản cảm, không phù hợp với thuần phong mĩ tục của người Việt. Tuy nhiên, mọi người không hiểu tâm sự của những gia đình có người mất như chúng tôi.

“Sống sao, thác vậy”, lúc ông cụ nhà tôi còn sống, ông thích sự vui vẻ, náo nhiệt. Tôi nghĩ cụ mất đi thì cũng như thế. Cụ cũng thích không khí vui vẻ, náo nhiệt chứ không muốn con cháu phải đau buồn trước sự ra đi của mình. Còn về những người pê đê, họ diễn những trò hài hước, đôi khi là lố bịch đó là trong kịch bản của họ. Những người đó đa số là đồng tính, họ bị xã hội kì thị. Tuy nhiên, họ cũng có những sở thích, cảm xúc giống như người bình thường. Họ đam mê ca hát nhưng không có đất diễn. Đám ma là một trong những cơ hội để họ có thể thỏa mãn sở thích của mình”.

Anh Tài còn cho biết thêm, mỗi một gia đình khi có người chết không khí đều buồn rầu, ảm đạm. Họ thuê đám pê đê về diễn hài, diễn kịch để xua tan cái không khí hiu quạnh đó. Đồng thời, nhờ vào đám người trên mà thu hút hàng xóm, láng giềng đến chia sẻ tang gia với gia chủ. Có những người pê đê làm trò mà mọi người có thể nán lại thời gian lâu hơn để xem.

Cùng quan điểm với anh Tài, chị Thu (SN 1971, ngụ quận 4) cho hay, đám ma mà không có những đoàn kèn trống, pê đê diễn trò thì không khí vô cùng ảm đạm. Mọi người không một ai trong xóm đến để chia sẻ cùng gia đình người đã khuất, có chăng họ chỉ đến thắp cây nhang rồi nhanh chóng ra về.

Nhưng khi có đoàn pê đê biểu diễn, dù có công việc bận rộn, họ cũng cố nán lại chút ít thời gian để theo dõi. Nhờ đó, mà không khí gia đình của người chết đỡ đau buồn hơn. Tuy nhiên, chị Thu cũng bất đồng với những đoàn pê đê biểu diễn nhiều tiết mục quá mức phản cảm trong đám tang như múa lửa, trình diễn Bikini hay “lột đồ”… Theo chị, họ chỉ nên dừng lại ở những bài hát hay diễn kịch.

Nhiều người cho biết, trước đây phong tục thuê pê đê về hát đám ma bắt nguồn từ người Hoa sau đó mới lan rộng ra khắp miền Nam Bộ. Đám tang phải được tổ chức ồn ào, vui vẻ như thế để mong người thân của mình yên tâm ra đi, sớm siêu thoát, không bị nước mắt, không khí buồn thảm của gia đình, người thân làm lưu luyến cõi trần.

Hơn nữa, nhạc lễ, từ xa xưa đã là một phần không thể thiếu của việc tang tế ở vùng đất Nam Bộ. Nhà văn Sơn Nam có viết, ở Nam Bộ thời xưa, những gia đình khá giả thường rước kép hát, ban nhạc đờn ca tài tử về diễn trong đám tang. Đầu hôm cử nhạc buồn, giữa khuya, để đánh thức mọi người cho bớt buồn ngủ gục, chơi nhạc vui, nhưng không lố lăng.

Chuyện chưa kể về những phận đời 'lạc giới': Gia chủ thích 'đám ma vui gấp 3 lần đám cưới' - 2

Đi cùng với xã hội phát triển, giá cát xê để mời những ban nhạc đờn ca tài tử rất cao, vượt quá khả năng chi trả của nhiều gia đình nên mọi người lựa chọn mời những nhóm pê đê để hạn chế chi phí. Những “Cô” pê đê lại hát, diễn trò rất nhiệt tình. Thậm chí, có những đoàn pê đê còn đến biểu diển miễn phí, mua vui cho mọi người để thỏa mãn đam mê ca hát cũng như muốn hòa nhập vào xã hội hơn.

Mỗi một đám tang có đoàn pê đê biểu diễn qua đi cũng là lúc mà gia chủ phải chịu điều tiếng từ xóm làng. Một bộ phận cảm thông việc làm của họ nhưng cũng có một số người tỏ ra rất căng thẳng và bức xúc.

Thậm chí, sau đám tang, vài người trong xóm đến nhà để “mắng vốn” hay viết đơn phản ánh lên phường. Như gia đình anh Tài, sau đám tang của ông cụ, anh được giấy mời của phường để lên giải trình về việc suốt 3 ngày gây ồn ào, ảnh hưởng đến trất tự công cộng cũng như phiền lòng đến hàng xóm, láng giềng.

(Còn nữa)

Theo Âu Hải (Saostar.vn)

Nổi bật