Những ngày tháng không thể quên
Sáng sớm những ngày cuối năm 2021, nghĩa trang chính sách TP.HCM lẩn khuất trong sương mai trắng xóa, không gian tĩnh lặng. Trung úy Nguyễn Tấn Lộc cùng các thành viên Đội công tác đặc biệt của Trung đoàn Gia Định, Bộ Tư lệnh TP.HCM chuẩn bị công tác tiếp nhận, hỏa thiêu nạn nhân qua đời vì Covid-19.
Không ai bảo ai, mọi việc dường như đã quá quen thuộc, mỗi chiến sĩ chỉn chu với phần việc của mình. Trước khi thực hiện nhiệm vụ, Trung úy Nguyễn Tấn Lộc tiến đến ban thờ được chuẩn bị sẵn từ những ngày đỉnh dịch, thành kính thắp nén nhang cầu nguyện cho những người không may mắn.
Trong bộ quần áo bảo hộ trắng, binh nhất Vũ Đức Thành (19 tuổi) gạt mạnh tay nắm cánh cửa kho lạnh chứa thi thể các nạn nhân. Cửa kho bật mở, hơi lạnh tràn xuống mặt đường rồi bốc lên lan nhanh thành màn khói mờ đục.
Không một chút do dự, các chiến sĩ bước vào kho lạnh, ghé vai khiêng chiếc áo quan ra ngoài, hướng về lò thiêu trong sự nghiêm trang, cẩn trọng.
Mỗi ngày, đội chia thành các ca trực với nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, hỏa thiêu thi thể người đã khuất. Suốt nhiều tháng qua, cán bộ, chiến sĩ Đội công tác đặc biệt ở nghĩa trang chính sách TP.HCM đã vượt qua mọi rào cản, khó khăn để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, hỏa thiêu nạn nhân qua đời vì Covid-19.
Thiếu tá Đồng Anh Tuấn, Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn Gia Định cho biết: “Đội công tác đặc biệt ở nghĩa trang chính sách TP.HCM là nơi xử lý cuối cùng các nạn nhân không may qua đời vì dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM.
Trong giai đoạn dịch bệnh khốc liệt nhất, các cán bộ, chiến sĩ tại đây làm việc không có giờ nghỉ ngơi. Bất kể đêm hay ngày, mỗi khi có xe chở thi thể đến, các chiến sĩ lập tức có mặt, tiếp nhận và xử lý nhanh gọn, chính xác".
Theo Thiếu tá Tuấn, khi còn phải trữ thi thể người đã mất trong kho lạnh, vào ca trực, các chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ đem áo quan ra khu vực có các container lạnh để thực hiện khâm liệm.
Thiếu tá Tuấn chia sẻ: "Thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, cán bộ, chiến sĩ đội công tác rất cực khổ. Lúc đó có khoảng 60 người, làm việc 24/24h vẫn không kịp xử lý các ca tử vong. Nhưng chúng tôi cảm thấy đó là những tháng ngày không thể nào quên. Đây là nhiệm vụ thiêng liêng. Chúng tôi đã chăm lo chu toàn cho đồng bào mình".
“Trước khi đóng nắp áo quan, chúng tôi cũng thực hiện một số nghi thức tẩm liệm, nhập quan cho người đã khuất. Dù chưa được tươm tất, đầy đủ như các nhà quàn, nhưng anh em bộ đội ở đây đã cố gắng hết sức trong khả năng của mình”, Thiếu tá Tuấn bày tỏ.
Nhiệm vụ thiêng liêng
Sau khoảng 2h giờ đồng hồ, quá trình hỏa thiêu thi thể nạn nhân hoàn tất. Các chiến sĩ trẻ trong ca trực, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung úy Nguyễn Tấn Lộc đến lò thiêu để lấy tro cốt người đã khuất.
Phần cốt còn lại sau khi hỏa thiêu sẽ được các chiến sĩ bỏ vào hũ sành đã được chuẩn bị trước. Phần tro được đựng ở một dụng cụ riêng.
Theo Thiếu tá Tuấn, phần cốt của nạn nhân sẽ được các đơn vị có trách nhiệm bàn giao đến tận tay người nhà của họ. Phần tro được rải ra sông.
Hoàn tất công tác lấy tro cốt người đã khuất, nhóm ca trực của binh nhất Vũ Đức Thành trở về lều trại dựng tạm trước khu vực lò thiêu. Thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, các chiến sĩ dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng không tỏ ra sợ hãi, e ngại.
Ngược lại, các chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ một cách thuần thục, cẩn trọng. Thiếu tá Tuấn cho biết, trước đây, khi lần đầu tiếp xúc với thi thể nạn nhân, các chiến sĩ đều có tâm lý chung là e ngại.
Nắm bắt tâm tư chiến sĩ, các cán bộ, chỉ huy như anh đều là người đầu tiên “xắn tay áo, lao vào thực hiện nhiệm vụ trước”. Sự dấn thân, tiên phong của cán bộ, chỉ huy sớm ổn định tâm lý cho các chiến sĩ trẻ.
Anh nói: “Lúc đầu, các chiến sĩ trẻ có cảm giác e ngại. Tuy nhiên, chúng tôi quán triệt tư tưởng rằng đây là nhiệm vụ thiêng liêng. Chúng ta đang thực hiện công đoạn cuối cùng cho những đồng bào của mình không may mất vì Covid-19”.
Đến nay, sau hơn 4 tháng, các chiến sĩ như Thành không còn cảm thấy sợ. Ngược lại, hơn bao giờ hết, lúc này, tâm trí binh nhất căng tràn niềm tự hào vì đã làm được việc có ý nghĩa cho người dân mình.
“Tôi luôn tâm niệm đây là công việc ý nghĩa, chăm lo cho đồng bào của mình nên chưa bao giờ có tâm lý lo sợ, muốn rời bỏ, trốn tránh nhiệm vụ”, Thành nói.
Chiến sĩ Nguyễn Thái Tài, tiểu đoàn 2 cũng bày tỏ: "Ban đầu cũng hơi sợ, nhưng vì trách nhiệm công việc, trách nhiệm người lính... giúp mình vượt qua khó khăn".
Những ngày này, TP.HCM đã bước qua đỉnh dịch. Tuy vậy, cuộc chiến chống đại dịch vẫn diễn ra, từng ngày vẫn có người ra đi mãi mãi. Các cán bộ, chiến sĩ Đội công tác đặc biệt ở nghĩa trang chính sách TP.HCM vẫn luôn tâm niệm, chừng nào bà con cần là sẽ nỗ lực hết sức để lo chu toàn mọi việc.
Tết Nguyên đán cận kề, những chiến sĩ trẻ cho biết, sẵn sàng gác lại nỗi nhớ nhà để ở lại đội, tiếp tục công việc của mình.
“Cán bộ, chiến sĩ xác định, sẵn sàng đón Tết tại nơi làm việc. Dù chưa có kế hoạch cụ thể nhưng chúng tôi sẽ vừa đón Tết vừa đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thiếu tá Đồng Anh Tuấn, vị chỉ huy đội công tác đặc biệt chia sẻ.
Theo Nguyễn Sơn - Tùng Tin - Thu Anh (VietNamNet)