Chuyện cảm động ở khu cách ly: Thấy thân thương quá, hai tiếng 'đồng bào'

31/03/2020 13:42:53

Điều khiến người ở khu cách ly bất ngờ hơn cả chính là sự tận tâm, nhiệt tình của những người làm công tác cách ly tại khu vực này. "Cảm ơn đồng bào, mình cùng nhau cố gắng nhé" là câu cửa miệng mà các anh bộ đội luôn nói với những người phải cách ly.

Quả thật, với những cán bộ y tế, những chiến sĩ đang ngày đêm gồng mình chồng dịch ở tuyến đầu thì những lời cảm ơn chân thành, sự vui vẻ, thoải mái của mọi người có lẽ là niềm an ủi lớn nhất lúc này. Chẳng mong gì chỉ mong dịch bệnh COVID-19 nhanh qua để mọi người bớt vất vả và sớm được trở về bên gia đình ăn bữa cơm đầm ấm và có những giấc ngủ thật an lành.

Nữ du học sinh Hà Lan và chia sẻ về những "chú bộ đội" trong 14 ngày cách ly tập trung

Chuyện cảm động ở khu cách ly: Thấy thân thương quá, hai tiếng 'đồng bào'
Rơi nước mắt hình ảnh cúi đầu trước đồng bào của chú bộ đội phục vụ hậu cần khu cách ly.

Là người chia sẻ những câu chuyện, hình ảnh xúc động về các anh bộ đội thuộc Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng tại khu cách ly Trung tâm đào tạo nghề Thành An (huyện Thanh Trì, Hà Nội), Nguyễn Thúy Huyền (20 tuổi, Hà Nội) là du học sinh Hà Lan, đã nhận được "bão tim" từ cộng đồng mạng.

Huyền kể: "Ngày nào các chú bộ đội cũng leo lên leo xuống cầu thang bộ hàng chục lần để phát cơm, đáp ứng các nhu cầu của người cách ly, khử trùng, đưa tờ khai xét nghiệm... Nhìn những chiếc áo đẫm mồ hôi nhưng ánh mắt vẫn luôn thể hiện sự vui tươi trìu mến, tụi em ai cũng nhủ mình phải thực hiện thật tốt việc cách ly này. 

Hôm tụi em xét nghiệm lần một âm tính, các chú lên tặng quà từng người, rồi cả người tặng lẫn người được tặng cúi đầu cảm ơn nhau. "Cảm ơn đồng bào, mình cùng nhau cố gắng nhé!"'. Buổi sáng thì các chú lên từng phòng gọi "trời sáng rồi, mời đồng bào ăn sáng và đi xuống sân cho thông thoáng"... Lúc nào các chú cũng ân cần như vậy. Vì hai tiếng đồng bào mà đẫm cả mồ hôi mà vẫn luôn thân thương trìu mến".

Huyền cho biết, các chú bộ đội lúc nào cũng gọi mọi người là "đồng bào", là "cả nhà"... nghe rất ấm lòng. "Các chú giải quyết vấn đề của từng phòng ban, rồi gạch đầu dòng từng việc đã giải quyết được vô cùng thấu đáo. Có thắc mắc hay nhu cầu gì, các cán bộ và các chú bộ đội đều cố gắng đáp ứng hết trong khả năng của mình! Cái gì không được cung cấp, các chú bộ đội đều sẽ giải thích và luôn luôn thêm câu, "xin bà con thông cảm". Thực sự là mình không có dám đòi hỏi gì hơn nữa đâu. Như thế này là quá tốt rồi".

Huyền cho rằng thời gian qua một số hình ảnh, câu chuyện tiêu cực trên mạng khiến các anh lo lắng, nên lúc nào các anh cũng sợ "đồng bào" không hài lòng, còn lập hòm thư góp ý trực tiếp lẫn qua mail. 

"Ban đầu tụi em vào cách ly cũng có chút lo lắng, nhưng sau đó thì ai cũng thấy thoải mái, hợp tác với ý thức cao. Tụi em hằng ngày tự lau chùi nhà, dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo nơi ở sạch sẽ thoáng mát. Đến nay sắp hết 2 tuần thì tự dưng quyến luyến không muốn về", Huyền bày tỏ.

Bánh trôi, bánh chay và "tình quân dân” trong khu cách ly quân đội

Chuyện cảm động ở khu cách ly: Thấy thân thương quá, hai tiếng 'đồng bào' - 1
Anh Lâm - đại diện hãng Vietnam Airlines tại Nhật (người mặc áo đen) vui vẻ tham gia làm bánh trôi, bánh chay

Thấu hiểu cảm giác của các công dân đang chấp hành cách ly tập trung xa nhà, thiếu thốn tình cảm, hôm 26/3 (Tết Hàn thực) vừa qua, Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 308 (Quân đoàn I) đã tổ chức nấu bánh trôi, bánh chay nhằm giúp công dân trong khu cách ly cảm nhận hương vị truyền thống của quê hương.

Anh Lê Văn Lâm - đại diện của Hãng hàng không Vietnam Airlines tại Fushka (Nhật Bản) vào khu cách ly tập trung tại Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 308 từ ngày 22/3. Từ Nội Bài anh về trụ sở Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 308 (Quân đoàn I) tại thôn Long Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội cách ly. 

Hôm nay, ngoài việc thông báo cho lãnh đạo của hãng và người thân về tình hình sức khỏe, điều kiện sinh hoạt, anh còn vui vẻ tham gia làm bánh trôi, bánh chay tại đơn vị. Anh Lâm chia sẻ thật sự rất vui vì cảm nhận được hương vị quê hương, tình anh em, đồng chí gần gũi, thân thiết tại đây.

Cùng làm bánh với anh Lâm là bạn Nguyễn Tiến Long - 20 tuổi, quê ở Thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương là người trẻ nhất trong đội làm bánh. Long là du học sinh Nhật Bản, bay từ Osaka về sân bay Nội Bài để tránh dịch COVID-19

Kể từ khi về đây cách ly, Long thấy yên tâm, vui vẻ bởi buổi sáng, buổi chiều cùng các anh em trong khu cách ly chơi thể thao, bóng chuyền, chạy bộ. Không gian xanh mát, thoáng đãng, rất có lợi cho sức khỏe. Ngoài những bữa ăn đủ dinh dưỡng, hôm nay, Long còn được tự tay nặn bánh trôi, bánh chay - loại bánh mà khi ở nhà, chỉ có bà và mẹ em làm.

Bánh trôi, bánh chay là món ăn quen thuộc, gần gũi mà ngày thường ai cũng dễ dàng tìm thấy. Nhưng với các công dân cách ly ở đây, những viên bánh tròn tròn, trắng trắng, có vị ngọt gợi nhớ cho họ về một cái Tết cổ truyền và cảm nhận rõ tình cảm quân dân, tình cảm “đồng bào” giữa những người xa xứ.

Nữ y sĩ lương 4 triệu/tháng nhưng sẵn sàng lấy một nửa đóng cho bệnh nhân mà không cần hoàn trả

Chuyện cảm động ở khu cách ly: Thấy thân thương quá, hai tiếng 'đồng bào' - 2
Những bác sĩ luôn vất vả nơi tuyến đầu chống dịch

Mới đây, một tài khoản Facebook có tên là Anh Toàn đã chia sẻ những trải nghiệm của mình về khoảng thời gian nằm trong khu cách ly ở Kon Tum khiến nhiều người không khỏi xúc động. Theo đó, Toàn đã được chứng kiến tất cả sự hi sinh lớn lao của đội ngũ y bác sĩ với mong muốn nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Theo như Toàn chia sẻ thì trong khoa anh nằm có bệnh nhân tiếp xúc trực tiếp với ca dương tính COVID-19 ở Đà Nẵng! Khi biết tin anh vội vã đi xe máy một mình 300km để không tiếp xúc với ai, mục đích vượt 300km đường đèo chỉ để về điều trị tại quê nhà là Kon Tum để gần người thân và gia đình.

Nhưng đời mà, khi anh về đến nơi thì từ lúc đó anh chỉ vỏn vẹn nhận được sự quan tâm tối đa từ đội ngũ y bác sĩ, còn từ phía gia đình thì… Đến hôm cần tiền đóng một số khoản phụ, số tiền khoảng hơn 2 triệu thì anh lại không có để đóng! Chị y sĩ tên Thanh đã lấy tiền túi đóng cho anh và bảo trả lại cũng được mà không trả cũng không sao! Vâng, lương của chị thời điểm hiện tại là 4 triệu/tháng.

"Rồi cảm giác khi vào cách ly nữa, đồng ý vì cộng đồng, ý thức và nguy hiểm, nhưng các bạn có hiểu sự xa lánh một cách thái quá của xã hội lên những người nằm đây và đội ngũ y, bác sĩ buộc cách ly chung với bệnh nhân là cái gì đó mang lại cảm giác tủi thân, buồn, cả ấm ức nữa! Bệnh nhân cách ly 14 ngày chứ bác sĩ cách ly 28 ngày, và từ ngày tôi vào chưa nhận được sự cau có hay nhăn nhó mà thay vào đó là sự ân cần chu đáo và nhiệt tình của các y bác sĩ nơi đây! Khâm phục, biết ơn, kính trọng và yêu quý biết bao.

Đêm qua, khoa có nhận 1 ca dấu hiệu sinh tồn nguy kịch! Lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh mà tôi nghĩ chỉ có trong phim, các y bác sĩ túc trực, theo dõi 5 phút/lần dấu hiệu sinh tồn. Cả khoa như nín thở hồi hộp và lo lắng! Rồi 2h sáng tôi nghe tiếng khóc, ban đầu cứ nghĩ... nhưng không, đội y bác sĩ ôm nhau khóc mừng vì cứu được bệnh nhân qua nguy kịch! Tự nhiên lòng nghẹn hẳn.", anh Toàn chia sẻ.

Có chị xin vào hẳn trong khoa chăm sóc trực tiếp bệnh và không ra ngoài, chị nói: "Chị có 1 thân 1 mình, chết không sao chứ mấy anh em ngoài kia lỡ gì thì hoài phí lắm".

Toàn cho biết, bản thân đã ở trong khu cách ly này được 8 ngày rồi và cảm giác cũng nặng nề lắm. Tuy nhiên, mọi thứ đang dần trở nên tốt đẹp hơn khi nhận được sự chăm sóc nhiệt tình của các y, bác sĩ. Họ phục vụ đồ ăn thức uống chẳng thiếu thốn thứ gì cả. Thậm chí, có người nước ngoài sau khi ra khỏi trung tâm cách ly thì còn viết thư cảm ơn nữa. Những khoảnh khắc này với Toàn là rất đáng trân quý.

Theo K.N (Giadinh.net.vn)

Nổi bật