Như tin đã đưa, ngày 17/7 vừa qua Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản hoả tốc gửi các Bộ Ngoại giao, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) về xây dựng kế hoạch bay đưa công dân Việt Nam tại Guinea Xích đạo về nước.
Ngay sau đó, Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch bay cụ thể, chi phí thực hiện chuyến bay... Đơn vị đã lên 4 phương án kế hoạch bay và hiện đang chờ đối tác cung cấp dịch vụ xác nhận về khả năng đáp ứng khai thác máy bay.
Ban đầu chuyến bay dự kiến cất cánh ngày 3/8 nhưng nhờ sự nỗ lực của các bên liên quan, chuyến bay đặc biệt “giải cứu” 219 lao động Việt Nam tại Guinea Xích có thể thực hiện sớm hơn, người lao động có thể về nước vào ngày 29/7.
Và theo những thông tin mới nhất, thì chuyến bay sẽ mang số hiệu VN06. Chuyến bay khởi hành từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào sáng 28/7, bay thẳng trong 12-13 giờ, hạ cánh và đón lao động Việt Nam tại sân bay Bata của Guinea Xích đạo. Sau đó, đầu giờ chiều 28/7 (giờ địa phương) chuyến bay sẽ cất cánh từ sân bay Bata về nước, dự kiến hạ cánh sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) vào trưa 29/7 (giờ Việt Nam).
Theo phương án này, Vietnam Airline sẽ sử dụng 1 máy bay thân rộng (A350, với sức chứa 305 chỗ) bay thẳng theo hành trình Hà Nội - Bata - Hà Nội. Tuy nhiên, sân bay Bata thông báo gặp khó khăn về nguồn cung nhiên liệu bay và sân bay cần bố trí thêm 1 xe cứu hỏa để đảm bảo cứu hỏa cấp 8, đủ điều kiện khai thác với máy bay A350.
Do đây là chuyến bay đặc biệt, đón cả lao động chưa nhiễm Covid-19 và người đã nhiễm, các phương án phòng chống lây nhiễm dịch bệnh trên tàu bay cũng đã được các cơ quan chức năng tính tới.
Theo đó, có thể máy bay sẽ được chia ra các khoang riêng biệt, toàn bộ hành khách, phi hành đoàn, bác sĩ đi cùng đều phải mang đồ bảo hộ y tế. Cùng với đó, chuyến bay sẽ chuẩn bị sẵn một số trang thiết bị y tế dự phòng. Vietnam Airlines đang lên phương án về nhân sự thực hiện chuyến bay.
Để thực hiện chuyến bay đặc biệt trên, Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các nước hỗ trợ, đề nghị chính quyền sở tại cấp phép bay. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cần phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tập hợp hành khách lên máy bay vào thời gian và địa điểm thống nhất, trao đổi với gia đình người lao động.
Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Y tế chủ trì hướng dẫn điều kiện sức khỏe với người lao động tham gia chuyến bay; xây dựng kịch bản, yêu cầu đảm bảo phòng chống dịch trên máy bay và xử lý các tình huống phát sinh về y tế trên chuyến bay; cử bác sĩ, nhân viên y tế đi theo chuyến bay; cung cấp trang thiết bị y tế cho phi hành đoàn và hành khách; bố trí bệnh viện tiếp nhận lao động khi về nước.
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)