Có một lần nọ ghé về một vùng nông thôn ở miền Bắc để công tác rồi ghé vào một nhà dân. Gia chủ quý lắm, ngả ngay con chó nhà đang nuôi ra để thịt. Chó được thui bằng rơm mới, vàng ruộm, thịt được chặt ra từng miếng thơm phưng phức.
Lá mơ, riềng, sả được hái ngay trong vườn nhà. Mắm tôm được anh con trai ông chủ nhà vắt chút chanh, đánh lên cho sủi bọt; khi đánh xong anh còn mút đầu đũa chùn chụt xem vị mắm tôm đã vừa ăn chưa.
Đó là một trong những bữa thịt chó ngon nhất tôi từng ăn. Không phải chỉ ngon bởi vì tất cả là sản vật cây trong nhà, lá trong vườn, toàn thứ nhà trồng được; ngon còn bởi vì tấm lòng gia chủ qua từng đĩa thịt luộc thơm lừng; từng tô rựa mận và xáo măng bắt mắt, dậy mùi.
Tôi không gọi ăn thịt chó là truyền thống, nhưng nhiều người nghĩ như tôi, luôn cho rằng chó khi sống nên là một vật nuôi có ích trước khi là một thực phẩm bổ dưỡng. Vài lần đi ăn tiệc đám cưới ở nông thôn miền Bắc, tôi thấy mâm nào cũng có thịt chó. Người xứ này cho rằng không những thịt chó ngon, bổ mà còn rất an toàn.
Bởi vì chó không được nuôi công nghiệp phổ biến như gà, heo. Có lẽ rất ít con chó bị tiêm chất tạo nạc, thuốc tăng trọng nên khi ăn thịt chó sẽ hạn chế được những rủi ro khi nguồn thức ăn không đảm bảo.
Từ lâu nhiều người Việt đã ăn thịt chó, coi đó như món khoái khẩu. Thậm chí dân gian còn có thơ ca, nhạc sĩ chuyên nghiệp còn sáng tác bài hát về chuyện ăn thịt chó. Với những người như vậy, tôi nghĩ thịt chó với họ còn là đam mê. Bởi vì không ai sáng tác thơ, viết nhạc về chuyện ăn thịt bò, thịt gà, thịt heo… bao giờ.
Đấy là Việt Nam, còn nhìn rộng ra thì ở nước ngoài cũng không kém phần long trọng. Ví như Hàn Quốc, một quốc gia phát triển, người dân vẫn coi thịt chó là món khoái khẩu. Hay như Trung Quốc, có nơi còn tổ chức cả lễ hội thịt chó.
Vậy nên nếu nói ăn thịt chó là không văn minh thì không đúng, văn hóa mỗi nơi mỗi khác, không thể lấy văn hóa nơi này mà đánh giá nơi kia.
Xã hội sau này xuất hiện những người bảo vệ chó mèo với những quan điểm đối lập. Họ cho rằng chó là để yêu chứ không phải để thịt. Tôi nghĩ họ làm gì thì là quyền của họ, miễn sao đúng pháp luật là được rồi. Nhưng rồi họ lên án những người ăn thịt chó và cho rằng chỉ vì có những người ăn thịt chó mới có nạn bắt trộm chó. Tôi nghĩ điều này là sai, bởi tất cả những người ăn thịt chó tôi quen đều là những người lên án nạn bắt trộm chó.
Thứ nhất, mỗi chú chó nên được coi là tài sản của mỗi cá nhân, mà tài sản cá nhân thì không được xâm phạm. Tôi thậm chí còn mong các vị quan tòa hào hiệp mạnh tay ban xuống những bản án nghiêm khác cho những người trộm chó.
Thứ hai là bởi vì mỗi con chó được người ta nuôi với mục đích khác nhau (để coi nhà, làm thú cưng, để thịt…). Vì thế, mỗi con chó lại được nuôi với một chế độ dinh dưỡng, chăm sóc khác nhau. Nếu một chú chó nuôi để làm cảnh mà cũng mang vào quán thịt chó thì rõ ràng chất lượng không được như mong muốn của thực khách.
Khi không ăn thịt chó, người ta vẫn nghĩ chuyện ăn món ăn này là một thứ gì đó không được tốt đẹp. Văn hóa thì mỗi quốc gia, dân tộc mỗi khác nhau; không phải cứ nơi nào kém văn minh mới ăn thịt chó.
Và cuối cùng thì tôi nghĩ rằng những người ăn thịt chó cũng là những người yêu chó. Chỉ có điều, mỗi người lại có cách yêu chó khác nhau. Người thì yêu chó theo từng con, người thì yêu chó theo từng đĩa.
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân sống ở TP.HCM.
Theo Yên Đồng (Thanh Niên Online)