Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội cho biết, kể từ ngày 30/9 đến 8/10, số ca nhiễm liên quan Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) có tổng 56 ca Covid-19. Dịch "âm thầm" lan ra 5 tỉnh, thành phố, sau một tuần cơ bản đã được khống chế.
7 ngày, 56 ca nhiễm, lan ra 5 tỉnh, thành phố
CDC Hà Nội ngày 30/9 phát hiện ca mắc đầu tiên là người đàn ông 49 tuổi, quê huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đến chăm sóc người thân tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ ngày 19/9.
Trước khi vào viện, ông này test kháng nguyên âm tính tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 29/9, Bệnh viện Việt Đức xét nghiệm test nhanh cho ông trước khi ra viện, kết quả nghi ngờ, sau đó CDC Hà Nội khẳng định lại bằng phương pháp RT-PCR dương tính.
Ngay lập tức, cơ quan chức năng đã phong tỏa tòa D (nơi ghi nhận ca bệnh), lấy mẫu toàn bộ người nhà, bệnh nhân, nhân viên y tế trong tòa nhà, khoảng 1.400 người. Quận Hoàn Kiếm cũng chỉ đạo phường Hàng Trống đóng cửa các cửa hàng dọc phố Phủ Doãn (đoạn từ phố Hàng Bông đến phố Tràng Thi).
Đồng thời, thành phố tạm thời phong tỏa, điều tra các hộ dân và cơ sở kinh doanh trên đoạn phố này để lấy mẫu xét nghiệm. Trong những ngày tiếp theo, lực lượng chức năng mở rộng diện xét nghiệm và thực hiện xét nghiệm lặp lại để không bỏ sót F0.
Sau 7 ngày, số F0 đã tăng lên 56 ca. Trong đó, có 44 ca được ghi nhận tại Hà Nội (23/44 bệnh nhân là người Hà Nội). Ngoài ra, 4 tỉnh khác là Nam Định (7 ca), Hưng Yên (1 ca), Hà Tĩnh (2 ca), Hải Dương (1 ca) cũng ghi nhận ca bệnh liên quan đến cơ sở y tế này.
Các bệnh nhân được phân bố tại các khoa điều trị của bệnh viện, gồm: Trung tâm phẫu thuật đại trực tràng tầng sinh môn (tầng 7 nhà D); Khoa Phẫu thuật tiêu hóa (tầng 7 nhà D); Khoa Ung bướu (tầng 8 nhà D); Khoa Hồi sức tích cực 2; Phòng Ghép tạng; Nhà ăn bệnh viện và khu vực phong tỏa phố Phủ Doãn.
Trong số các F0, có 25 bệnh nhân, 20 người nhà, 6 nhân viên làm việc tại bệnh viện và 5 trường hợp khác.
Cơ quan y tế đã lấy 18.385 mẫu xét nghiệm gồm nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân hiện ở trong bệnh viện; người dân khu vực xung quanh BV và những người về từ BV nửa tháng qua. Từ đó phát hiện 44 mẫu dương tính. Qua điều tra, bước đầu xác định tổng cộng gần 9.000 người liên quan đến Bệnh viện Việt Đức, trong đó có hơn 4.000 người tại các tỉnh thành ngoài Hà Nội.
Từ ngày 30/9, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức bị cách ly y tế để phòng chống dịch, đặc biệt các tòa nhà xuất hiện F0 bị phong tỏa chặt. Bệnh viện dừng tiếp nhận bệnh nhân khám chữa bình thường, chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu và chạy thận nhân tạo.
Ngoài ra, quận Hoàn Kiếm còn phong tỏa tạm thời các tuyến phố Ấu Triệu, Thọ Xương, Chân Cầm và Ngõ Huyện (gần phố Phủ Doãn) cho đến khi có thông báo mới. Trong thời gian này, người dân được yêu cầu không tiếp xúc với người khác, không ra khỏi khu vực trừ khi đi chữa bệnh hoặc trường hợp đặc biệt.
"Ổ dịch này đã qua nhiều chu kì lây nhiễm"
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, từ trước đến nay bệnh viện luôn là nơi nguy cơ cao, nhất là các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Việt Đức, người dân từ các tỉnh khác đổ về điều trị.
Các bệnh viện thường xuyên xét nghiệm sàng lọc Covid-19 đối với nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và thực hiện phân luồng. Trên thực tế, rất nhiều bệnh viện, không riêng gì Việt Đức đã từng xuất hiện F0.
F0 đầu tiên tại Bệnh viện Việt Đức là người nhà vào chăm sóc bệnh nhân điều trị ở khoa Ung bướu. Ông Phu đánh giá, đây là khu vực rất nhạy cảm vì bệnh nhân có bệnh nền, đặc biệt là ung thư có nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong cao nếu mắc Covid-19.
Theo ông Phu, điều quan trọng phải xác định lây từ bệnh viện ra bên ngoài hay ngược lại, khẩn trương xét nghiệm khu vực xung quanh bệnh viện. Ông nêu quan điểm cần truy vết các vùng khác ở Hà Nội và thậm chí là cả các tỉnh lân cận, để tìm kiếm các ổ dịch mới có liên quan, nhằm khoanh vùng nhanh nhất, cắt đứt chuỗi lây nhiễm, không để lây lan ra diện rộng.
Cũng theo chuyên gia này, các bệnh viện cần phải kiểm soát chặt việc người nhà bệnh nhân mua sắm ở ngoài, tiềm ẩn nguy cơ mang mầm bệnh vào bệnh viện. Thực tế hiện nay, nhiều bệnh viện đã cấm không cho người nhà mua cơm từ bên ngoài vào.
Với đặc thù nguy cơ cao và khó sàng lọc nguồn lây triệt để, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, các bệnh viện cần siết chặt biện pháp kiểm soát, phòng ngừa lây nhiễm để "phòng thủ" trước Covid-19.
Ngày 2/10, một lãnh đạo CDC Hà Nội nhận định, ổ dịch liên quan Bệnh viện Việt Đức đã lưu hành tại bệnh viện trước đó một thời gian. Tải lượng virus ghi nhận ở các bệnh nhân ở nhiều cấp độ khác nhau, nên ổ dịch này đã qua nhiều chu kì lây nhiễm, những người mắc bệnh đầu tiên có thể đã khỏi bệnh.
Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện Trung ương, ngoại khoa, tuyến cuối của cả nước và là nơi thu dung điều trị cho các bệnh nhân không chỉ ở Hà Nội, mà còn các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Nam... nên lượng người bệnh, người nhà rất nhiều.
"Do bệnh nhân từ khắp cả nước đổ về, nên để xác định nguồn lây thực sự rất khó", lãnh đạo CDC nói.
Trong cuộc họp Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 2/10, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng nhấn mạnh dịch ở Bệnh viện Việt Đức phức tạp, nhiều nguy cơ.
Ông Dũng cũng khuyến cáo, Hà Nội vẫn phải đối mặt với nguy cơ lây lan dịch bệnh tiềm ẩn, do đó công tác phòng chống dịch tiếp tục phải thực hiện tập trung cao nhất, không được lơ là. Việc nới lỏng phải kèm theo siết chặt quản lý, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm.
Các sở ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia và của thành phố, đặc biệt là Chỉ thị 22 của Chủ tịch UBND thành phố.
Đêm cùng ngày, Bệnh viện Việt Đức phối hợp với Sở Y tế Hà Nội và quận Hoàn Kiếm, bắt đầu đưa hơn 100 F1 đi cách ly tập trung tại trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội (huyện Chương Mỹ). Khoảng 30 bệnh nhân chạy thận và ghép thận cũng được phép về nhà nếu đảm bảo các yêu cầu theo đúng quy định.
Xuyên đêm đưa hơn 1.000 người rời Bệnh viện Việt Đức
Đêm 4/10, rạng sáng 5/10, hơn 1.000 bệnh nhân và người nhà cách ly tại Bệnh viện Việt Đức đã được chuyển đến 4 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, gồm Thanh Nhàn, Đại học Y, Hà Đông, Đức Giang để đảm bảo giãn cách.
Khoảng 50 xe các loại bao gồm xe cấp cứu, xe buýt cỡ lớn, xe khách với hàng trăm lượt di chuyển, xuyên đêm vận chuyển bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tất cả người dân được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, thiết bị phòng chống dịch cần thiết theo đúng quy định của ngành y tế.
Được biết, một lượt xe buýt và xe khách chở trung bình từ 15 - 20 người, chủ yếu là người nhà bệnh nhân và bệnh nhân bệnh nhẹ. Đối với những bệnh nhân nặng phải cấp cứu được vận chuyển bằng xe cứu thương, trên xe có từ 1 - 2 người.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, việc chuyển bệnh nhân, người nhà ra khỏi khuôn viên bệnh viện để nhanh chóng giãn cách, làm sạch bệnh viện là yêu cầu bức thiết. Tuy nhiên cần phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Với nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và 3 lần xét nghiệm âm tính có thể giãn cách ra khách sạn lưu trú, hằng ngày vào chăm sóc bệnh nhân hoặc giãn cách theo hình thức phù hợp.
Theo ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, đưa người nhà bệnh nhân đi cách ly tập trung nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, bởi khoảng 1.100 người nhà bệnh nhân là áp lực rất lớn cho bệnh viện trong việc đảm bảo giãn cách và phòng chống dịch.
Ông Việt đánh giá cơ bản đã khoanh vùng được chuỗi lây nhiễm bên trong bệnh viện. Kể cả những bệnh nhân đã xuất viện từ ngày 15/9 đến nay, các địa phương đều đã nắm danh sách và kiểm soát.
Quận Hoàn Kiếm ngày 3/10 đã ban hành quyết định xử phạt Bệnh viện Việt Đức 14 triệu đồng vì "chậm báo cáo ca nhiễm Covid-19". Quyết định cũng nêu rõ, bệnh viện có tình tiết tăng nặng "vi phạm hành chính có quy mô lớn, tính chất phức tạp".
Theo Minh Nhân - Thủy Tiên (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)