Chiều 2/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long họp trực tuyến với các điểm cầu của các tỉnh, huyện có ca bệnh Covid-19.
Tính đến 18h tối 2/2, Việt Nam ghi nhận thêm 31 ca mắc mới, trong đó 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 1 ca nhập cảnh. Như vậy, đến nay cả nước có 1.882 bệnh nhân, đã điều trị khỏi 1.461, 35 người tử vong.
Quyết tâm đến 30 Tết có thể kiểm soát tình
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh báo cáo, 5 địa phương của tỉnh xuất hiện ca bệnh Covid-19 trong đó Vân Đồn và Đông Triều là 2 ổ dịch lớn nhất. Tổng số ca dương tính đến nay là 36, điều trị tại tỉnh và 2 ca chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Quảng Ninh đã phong toả một số khu phố, sân bay Vân Đồn và thành lập 3 bệnh viện dã chiến. Dự kiến đêm nay, sẽ phong toả toàn thị xã Đông Triều để ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
"Chúng tôi quyết bám trụ tại Đông Triều để có thể khoanh vùng, hy vọng đến 30 Tết có thể kiểm soát tình hình, còn Vân Đồn là ngày 28 Tết", ông Hưng nói.
Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ điều trị các bệnh nhân nặng cần thở máy hoặc chạy ECMO, đồng thời "chi viện" thêm vật tư, trang thiết bị, khẩu trang, trang phục bảo hộ và sinh phẩm xét nghiệm.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao Quảng Ninh đã triển khai toàn diện các biện pháp chống. Ông lưu ý, phong toả trên diện rộng nhưng những địa phương có ca nhiễm cần khoanh vùng chặt hơn, lấy mẫu toàn bộ. Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị Quảng Ninh giải toả sớm nhóm công nhân than đã có kết quả âm tính, để họ có thể quay về sản xuất, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế mà Thủ tướng đã đề ra.
Về điều trị bệnh nhân nặng, Bộ trưởng thống nhất quan điểm điều trị tại chỗ với hệ thống khám bệnh từ xa và đội ngũ các chuyên gia đầu ngành sẵn sàng hội chẩn. Với 6 bệnh nhân nặng hiện nay đang điều trị tại tỉnh, Bộ trưởng nhấn mạnh hết sức lưu ý. Bộ sẽ hỗ trợ thêm cho tỉnh Quảng Ninh các trang thiết bị, bộ sinh phẩm, đồng thời yêu cầu tỉnh tăng công suất xét nghiệm.
Gia Lai trở thành "điểm nóng" mới khi ghi nhận 13 ca liên tục
Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai báo cáo, trên địa bàn ghi nhận 13 ca dương tính, dự kiến ngày mai sẽ lấy hết 1.500 mẫu xét nghiệm. 2 ca bệnh đầu tiên từ Nam Sách, Hải Dương trở về, đến nay, dịch đã lan ra ba huyện.
Tỉnh đã lấy mẫu, truy vết 1.007 trường hợp, trong đó có 373 trường hợp F1, 634 trường hợp F2 đã được ngành y tế lấy mẫu. Hiện tổng số mẫu được lấy là 6.500 mẫu, trong đó có 13 trường hợp dương tính.
Với tần suất xét nghiệm, hiện nay Gia Lai chỉ đạt 200 mẫu/ngày và phải nhờ Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ, nâng năng lực xét nghiệm lên 700 mẫu/ngày. Ông Hải cho biết, Gia Lai gặp khó khăn trong công tác truy vết do 4 huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, người dân còn "lảng tránh", khiến việc lấy mẫu khá vất vả.
Hiện các bệnh nhân được tập trung tại 1 trung tâm y tế có 50 giường để điều trị, 12 trong số 13 người dương tính không có dấu hiệu lâm sàng. Ngày 1/2, có một trường hợp được phát hiện mắc Covid-19 đã khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai, tỉnh có đề nghị phong toả cơ sở y tế này.
Tuy nhiên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh khẳng định, bệnh viện đa khoa lớn nhất tỉnh chưa vào trận đánh mà đã đóng cửa thì lấy chỗ nào để điều trị cho bệnh nhân. Ngay cả Bệnh viện Bạch Mai mặc dù từng bị phong tỏa, họ vẫn tiếp nhận điều trị những ca bệnh nặng.
Ông Khuê chỉ đạo những nhân viên y tế cách ly phải thực hiện nghiêm, hết 14 ngày tiếp tục quay lại làm việc. Đối với bệnh viện huyện, nếu cần thiết sẽ thành lập thêm bệnh viện dã chiến để giải tỏa bệnh nhân.
Cục trưởng đề xuất đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ rẫy (TPHCM) giúp đỡ ngành Y tế Gia Lai xét nghiệm tại chỗ, không gửi mẫu về TP.HCM vì như vậy quá trễ và đặc biệt liên quan an toàn sinh học trong bối cảnh chủng virus lây lan mạnh, rất nguy hiểm.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Gia Lai đẩy nhanh truy vết F1, cách ly toàn bộ và lấy mẫu xét nghiệm thật nhanh. Đối với xét nghiệm, Bộ sẽ điều ngay đội công tác từ Viện Pasteur TP.HCM lên hỗ trợ, đề nghị CDC Gia Lai chuẩn bị phòng ốc để thiết lập labo xét nghiệm tại chỗ. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu tỉnh nâng các mẫu xét nghiệm, tập trung trước hết vào các đối tượng F1, rồi sau đó mới đến F2.
Ngoài ra, đoàn công tác của Bộ sẽ gồm các cán bộ y tế của BV Chợ Rẫy chi viện Gia Lai điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai thiết lập bệnh viện dã chiến, Đà Nẵng hỗ trợ truy vết dịch tễ.
"Đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, không thể phong toả vì chưa có hiện tượng lây nhiễm chéo. Bệnh nhân có yếu tố dịch tễ ở khoa nào thì phong toả và làm sạch khoa đấy, nhanh chóng để đưa bệnh viện hoạt động trở lại. Xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân. Đoàn công tác của Bộ sẽ vào Gia Lai, tập trung thiết lập 1 bệnh viện dã chiến. Gia Lai hiện đang chậm chạp, nhưng đối phó với dịch lần này, chúng ta xác định càng nhanh càng tốt", Bộ trưởng nói.
15.000 người về Hà Nội từ vùng dịch có kết quả âm tính
Tại điểm cầu Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, qua rà soát ghi nhận 17.273 người về từ vùng dịch Hải Dương và Quảng Ninh, đã lấy 17.058 mẫu và xét nghiệm. Kết quả ban đầu 15.200 mẫu âm tính. Các ổ dịch đã được xử lý theo quy định. Hà Nội hiện vẫn còn cách ly 1.118 người, từ các chuyến bay nước ngoài về Việt Nam.
Hà Nội hiện tập trung truy vết triệt để F1 càng nhanh càng tốt, rồi đến F2, 3. Với những người đi từ vùng dịch về, tổ Covid-19 cộng đồng sẽ "đi từng ngõ, gõ từng cửa nhà" để lấy mẫu và yêu cầu họ tự cách ly.
"Chúng tôi sẽ xét nghiệm mở rộng xung quanh các ổ dịch, gửi cơ sở xét nghiệm của Trung ương hỗ trợ. Hà Nội cũng đã mở thêm 1 khu cách ly tập trung tại Tứ Hiệp để tiếp nhận F1. Ngay hôm nay, 5 đoàn của Thành uỷ đã kiểm tra các khu vực, chỉ đạo giao ban trực tuyến", ông Hạnh báo cáo.
Bộ trưởng Long yêu cầu Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, quan trọng nhất là điều phối. Nếu không khéo sẽ dồn hết mẫu về 1 đơn vị, trong khi Bộ Y tế đã cử 12 đơn vị hỗ trợ Hà Nội. "Phải có trung tâm chỉ huy điều phối mẫu trên toàn TP. Tổ chức lấy mẫu vô cùng quan trọng, vì tốc độ lấy mẫu không bằng tốc độ xét nghiệm, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ngoài ra, trên thực tế, một số người đi về từ vùng dịch nhưng không chịu khai báo với chính quyền", Bộ trưởng nói.
Tốc độ lây nhiễm tăng 70%, đa số bệnh nhân không có triệu chứng
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, mặc dù Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nhưng tốc độ lây nhiễm của virus hơn 70% so với chủng cũ. Qua phân tích 240 bệnh nhân Covid-19 đợt dịch này, Bộ Y tế kết luận 80% ca không có triệu chứng. Trong đó, có một ca tình trạng nặng, 3 người phải thở oxy, 20 bệnh nhân có biểu hiện, còn lại đa số không triệu chứng, có thể bị bỏ qua trong khâu rà soát.
"Tôi yêu cầu thay đổi chiến thuật chống dịch, nâng cao hơn một mức trong phòng chống dịch bệnh. Quan điểm chung, các địa phương phải nhanh hơn, quyết liệt hơn. Ngoài ra, tăng công suất xét nghiệm là điều hết sức quan trọng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng khuyến cáo người dân bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả các thành phố, không riêng gì địa phương có dịch. "Nếu không, không thể ngăn chặn lây nhiễm", Bộ trưởng dẫn chứng bài học từ Công ty Poyun (Chí Linh, Hải Dương), công nhân không đeo khẩu trang nên lây một loạt ca do tiếp xúc gần trong môi trường kín.
Ngoài ra, các tỉnh cũng cần hạn chế những sự kiện tập trung đông người, áp dụng biện pháp chống dịch từ công sở, nhà máy, đến nơi công cộng. Người dân cần cài đặt ứng dụng khai báo y tế, để biết rằng có gần F0 hay không, rồi tự bảo vệ mình.
Đồng thời, các địa phương nếu thấy cần thiết thì thực hiện Chỉ thị 15, 16, để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh, liên tục rà soát, đánh giá tình hình.
"Chúng ta đã thực hiện tốt, quyết liệt. Thời gian tới cần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, nâng lên 1 mức vì lây nhiễm lần này hoàn toàn khác, chủng virus lây nhiễm nhanh hơn so với lần trước. Không được lơ là, chủ quan!", Bộ trưởng kêu gọi.
Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)