Chiều 26/2, thông tin tại cuộc họp BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội đã qua 11 ngày không ghi nhận ca mắc mới.
Liên quan đến BN2229 là bệnh nhân người Nhật đã tử vong tại khách sạn trước đó, theo thông báo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại phiên họp Thường trực Chính phủ (24/2), chủng virus này thuộc nhóm 20C, lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ…
Chủng virus này lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và nguồn lây nhiễm là do xâm nhập lần đầu, không phải nguồn bệnh sẵn có trong cộng đồng.
Theo ông Hạnh, sau khi ngành y tế phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức điều tra, thần tốc truy vết, khoanh vùng và xử lý dịch thì đến nay, 18 địa điểm liên quan tới các ca mắc tại Hà Nội đã được phong tỏa.
Hiện tại còn phong toả 2 điểm, dự kiến ngày 28/2, các khu vực này dự kiến sẽ kết thúc phong tỏa.
Ông Hạnh cho biết, đây là thời điểm học sinh, sinh viên chuẩn bị đi học trở lại, các khu di tích lịch sử mở cửa cùng các hoạt động kinh doanh, giải cứu nông sản…, ngành y tế tiếp tục thực hiện lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Hà Nội để chủ động giám sát, phòng chống bệnh COVID-19.
Đặc biệt là nguy cơ dịch bệnh xâm nhập như trường hợp BN2229. Do đó, để chủ động cho công tác phòng chống dịch, ông Hạnh đề nghị ngành giáo dục thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp cho học sinh trở lại trường học, như chuẩn bị khẩu trang, nước sát khuẩn, xà phòng rửa tay, nhiệt kế…
Sở Công thương có hướng dẫn cụ thể đối với các địa phương trong việc tổ chức các hoạt động kinh doanh. Đặc biệt là việc giải cứu nông sản thực phẩm từ vùng có dịch đúng quy định, đảm bảo về công tác phòng chống dịch.
Cũng theo ông Hạnh, hiện nay theo chỉ đạo của Thành phố có nhiều đối tượng cần làm xét nghiệm, trong đó có các đối tượng không thuộc diện chỉ định xét nghiệm của Bộ Y tế.
Trong đó đặc biệt Bộ Tư lệnh cảnh vệ đề nghị làm xét nghiệm cho các lãnh đạo, sĩ quan, cán bộ chiến sĩ… cán bộ chiến sĩ bảo vệ mục tiêu tại Trung đoàn 600 với dự kiến lên tới khoảng 800 người và định kỳ làm xét nghiệm 1 lần/tuần. Vì vậy đề nghị TP Hà Nội tạo điều kiện về nguồn kinh phí để tiền hành xét nghiệm.
Ông Hạnh nhấn mạnh, với đặc thù Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa nên thời gian tới, ngành y tế sẽ giám sát, lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tại các khu vực trọng điểm, có nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)