Chung cư của những người phụ nữ "cùng khổ"
5 giờ chiều, "chung cư không chồng" nhộn nhịp hẳn lên. Vài ba đứa trẻ đang tụ tập chơi đùa, đá bóng, đánh cầu lông; một nhóm bà mẹ đơn thân đang ngồi hàn huyên, tâm sự tại quán nước nhỏ… Có lẽ, do phải nếm trải quá nhiều đắng cay của số phận nên dù cười nói nhưng đôi mắt của những người phụ nữ ấy vẫn đượm một nét buồn xa xăm.
Nằm trên đường Kinh Dương Vương (P. Hoà Minh, Q. Liên Chiểu), khu chung cư này khoác lên mình vẻ trầm mặc, yên tĩnh, tách biệt khỏi cuộc sống ồn ào của đô thị xô bồ. Ông Phạm Trung Khảm - Bí thư Chi bộ khu Hòa Phú 5A, P. Hòa Minh, cho biết Chung cư Hòa Phú 5A do hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư gồm 4 block, với 36 căn hộ, diện tích khoảng 50m2. Mỗi căn hộ được bố trí đầy đủ tiện nghi, khang trang, sạch sẽ nhưng chi phí thuê nhà mỗi tháng chỉ có 100.000 đồng. Số tiền này để đơn vị quản lý có kinh phí sửa chữa khi căn hộ bị hư hỏng sau một thời gian khai thác.
"Từ năm 2008, 144 chị em phụ nữ có số phận hẩm hiu, phiêu dạt khắp nơi về Đà Nẵng, đã được chính quyền đưa đến sống tại khu nhà liền kề trên địa bàn. Đến cuối năm 2011, khu chung cư này xây dựng, họ được ưu tiên chuyển về đây sinh sống...", ông Khảm chia sẻ.
Ở chốn này, mỗi gia đình là mỗi cảnh đời khác nhau. Người thì chồng chết, người thì chồng bỏ, người tự túc nuôi con. Suốt hàng chục năm qua, những "thân cò" ấy phải buơn chải đủ nghề để mưu sinh. Cuộc sống của họ thật sự vất vả, lam lũ khi thiếu vắng bóng dáng của người đàn ông.
Chị Dương Thị Huệ (40 tuổi) là một trong những hoàn cảnh khổ nhất ở chung cư này. Không may yêu phải người đàn ông bội bạc, khi chị mang thai cũng là lúc gã bỏ đi biệt tích. Ở cái tuổi quá lứa lỡ thì, cứ ngỡ đứa con nhỏ sẽ là niềm hi vọng, thế nhưng cháu Dương Bình An (13 tuổi) sinh ra đã mắc căn bệnh động kinh và hen suyễn. Hằng ngày, cháu chỉ nằm một chỗ, không nói không cười, thấy gì ăn nấy, khiến lòng người mẹ đau xót.
Ròng rã hơn 10 năm trời, chị Huệ gần như vắt kiệt sức lực vì con. Thương con bệnh tật, chị phải nghỉ hẳn việc ở nhà. Hiện 2 mẹ con chỉ biết sống nhờ vào số tiền trợ cấp tật nguyền của cháu An. Thi thoảng, đến ngày rằm, chị lại bế con ra chợ để phụ việc cho một quán chay, kiếm thêm vài đồng mua gạo.
"Lúc trước, tôi còn buôn bán lặt vặt, nhưng từ khi con bệnh, tôi phải ở nhà chăm cháu. Bao nhiêu tiền của cứ đội nón ra đi theo những lần nó nằm viện và những đơn thuốc, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm…", chị Huệ nghẹn ngào chia sẻ.
Cùng chung hoàn cảnh như chị Huệ, cô Diện Bích Ngọc (SN 1969) có chồng là sĩ quan quân đội, nhưng không may qua đời vì tai nạn giao thông. Đứa con duy nhất của cô Ngọc cũng bị mắc bệnh bại não bẩm sinh, nên dù đã 23 tuổi nhưng cô gái này vẫn khờ khạo như một đứa trẻ. Suốt 15 năm qua, cô Ngọc phải tất tả làm đủ nghề để kiếm tiền nuôi con.
"Ở cái chung cư này, ai cũng khổ cả chứ đâu riêng gì mình. Thôi thì, cái số nó đã như vậy thì thôi đành chấp nhận thôi chú ạ. Đời tôi chịu khổ quen rồi, chỉ lo nếu sau này chết đi thì không biết ai sẽ lo cho đứa con gái ngô nghê của tôi nữa…", nói đến đây, cô Ngọc ôm chầm con gái vào lòng khóc nức nở.
7 thành viên nữ trong Tổ bảo vệ dân phố
Ở cái chung cư goá phụ này, trước đây những người phụ nữ đơn thân ấy cũng từng tủi thân, chán chường lắm. Họ sống lầm lũi, gần như khép kín lòng mình, nhưng rồi thời gian trôi qua đã xoá nhoà tất cả. Có lẽ, do có điểm chung là cùng mang cái số khổ, và thiếu vắng bàn tay đỡ đần của người đàn ông nên dần dần họ đã mở lòng, sống hoà nhập và yêu thương, đùm bọc lẫn nhau như chị em ruột thịt.
Trong cái thế giới tối tăm ấy, những người phụ nữ quyết tâm giữ mình và cố gắng nuôi dạy con cái nên người. Họ xem con cái như là ánh sáng nơi phía cuối đường hầm của cuộc đời mình, với mong ước chúng lớn lên khỏe mạnh và thành đạt.
Bị tật nguyền từ nhỏ, chị Hồ Thị Thanh (44 tuổi) ôm con lên đây lúc cháu Hồ Kim Phú chưa cai sữa mẹ; nay cháu đã học lớp 4, lòng người mẹ như nhẹ nhõm và an vui phần nào. Dù phải ngồi xe lăn, nhưng mỗi sáng chị Thanh đều mở tạp hóa bán trước nhà, chiều đến chị bày gánh bánh bột lọc với hy vọng kiếm thêm thu nhập. Thương chị, các chị em hàng xóm thay nhau đưa đón cháu Phú ngày 2 buổi đến trường.
Khoe với chúng tôi những tấm giấy khen của con trai, chị Thanh không giấu nỗi niềm tự hào: "Nó học giỏi lắm, thua thiệt bạn bè về nhiều thứ nhưng năm mô cũng nhận được giấy khen hết. Nó mơ ước sau này sẽ trở thành kiến trúc sư để xây dựng thêm nhiều tòa nhà chung cư dành cho người nghèo đó…", chị Thanh hào hứng nói.
Bây giờ, không chỉ chăm lo tốt cho gia đình, mà nhiều chị em còn tích cực tham gia vào hoạt động xã hội như hội phụ nữ, tổ bảo vệ dân phố… Hiện Tổ bảo vệ dân phố nữ tại "chung cư không chồng" có 7 thành viên. Ngoài giờ đi làm kiếm tiền nuôi con, các chị tự nguyện tham gia tổ bảo vệ dân phố do phường phát động để bảo vệ tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Cô Nguyễn Thị Thúy Vân (48 tuổi) cho biết, các chị em tham gia tổ BVDP xuất phát từ tinh thần tự nguyện. Làm công việc này, các chị không nhận một đồng trợ cấp; tiền xăng xe, tiền uống nước khi đi làm nhiệm vụ đều do các chị tự bỏ tiền túi ra.
Chồng mất đã hơn 10 năm nay, hiện chị Vân đang sống cùng người mẹ già 75 tuổi và con trai 22 tuổi. Hằng ngày, chị làm giúp việc trong nhà hàng. Những ngày được nghỉ, chị đều tranh thủ thời gian tham gia đi tuần với tổ BVDP, hoặc mỗi khi tổ có việc đột xuất, nếu được huy động thì chị đều lập tức có mặt.
"Khu này toàn phụ nữ lẻ bóng, mấy chị em đùm bọc nhau sống, nhà ai có chuyện gì thì mọi người đều đến giúp. Cuộc sống có khó khăn gì thì chị em đều chia sẻ với nhau. Khi tham gia vào tổ BVDP, tôi chỉ có một mong ước là giữ gìn an ninh trật tự trong khu, để mọi người có giấc ngủ ngon. Công việc này giúp tôi được đi đây đi đó, biết thêm nhiều thứ, chứng kiến nhiều hoàn cảnh gia đình còn khó khăn hơn cả mình. Chừ mà không được tham gia thì lại thấy khó chịu, chân tay lại ngứa ngáy lắm", chị Vân tâm sự.
Cũng là thành viên tích cực của tổ BVDP, chị Đoàn Quý Thảo (43 tuổi) cho biết, gia đình chị được chuyển về chung cư này từ năm 2014. Không chồng, hằng ngày chị phải làm phụ hồ để có tiền nuôi con ăn học, nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn trăm bề.
"Lúc mấy mẹ con dắt díu nhau về đây, trong tay tôi không có lấy một thứ tài sản gì, kể cả bộ bàn ghế, bữa đói bữa no, rồi phải trốn nợ. Rồi qua năm tháng, tôi cũng trả được một khoảng nợ nần, sắm sữa được tivi, tủ lạnh, rồi nuôi con ăn học đàng hoàng. Năm nay con gái tôi vừa thi đậu đại học, dù biết là sẽ vất vả hơn rất nhiều nhưng tôi sẽ cố gắng để lo cho nó có tương lai tốt đẹp hơn…", chị Thảo trải lòng.
Theo Hà Nam (Trí Thức Trẻ)